Hồ chứa chất thải của một trang trại heo xả thẳng ra môi trường
Đầu tháng 11, phóng viên Báo Người Lao Động nhận phản ánh của hàng chục hộ dân vùng giáp ranh TP Đà Nẵng về việc các trang trại nuôi heo với quy mô hàng ngàn con ở xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) gây ô nhiễm môi trường.
Phản ánh với phóng viên, bà Trương Thị Bê (trú thôn Diệm Sơn, xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) cho biết tình trạng trên diễn ra đã nhiều năm. Theo bà Bê, nước thải từ các trại heo đổ thẳng ra đồng ruộng khiến lúa, hoa màu mất trắng.
"Dân tiếc đất, đành trồng cỏ nuôi bò nhưng bò cũng không dám ăn", bà Bê chua xót.
Đứng từ nhà bà Trương Thị Bê (cách loạt trại heo hàng trăm mét) vẫn có mùi hôi từ phế thải chăn nuôi
Ớn lạnh trước hồ phế thải của một trang trại nuôi heo quy mô ngàn con tại thôn Nam Sơn (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng)
Mặt hồ nổi váng bọt, ruồi nhặng cùng các loại côn trùng bâu kín
Đồng tình, ông Trần Đình Thuận, Trưởng thôn Diệm Sơn, cho hay có khoảng 30 hộ dân chịu ảnh hưởng trực tiếp do nước thải, mùi hôi từ các trại heo. Nước thải ngấm xuống đất, nguy cơ ô nhiễm mạch nước ngầm trong khi người dân thôn này chưa có nước máy để dùng.
"Đã nhiều lần kiến nghị lên xã Điện Tiến. Nhưng có lẽ đây là vùng giáp ranh, các trại heo ở phần đất thuộc Đà Nẵng nên mãi không được xử lý. Dân mong muốn trại heo đóng cửa, hoặc có biện pháp dứt điểm để bảo vệ môi trường", trưởng thôn Diệm Sơn bức xúc.
Cũng theo người dân, một trong số các trại heo ở thôn Nam Sơn (xã Hòa Tiến) là của bà Ngô Thị Chúc – vợ ông Trần Đình Nhơn, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Tiến. Trao đổi với phóng viên, bà Chúc thừa nhận trại heo có quy mô khoảng 2.000 con nhưng vừa mới xuất chuồng nên khó có chuyện gây ô nhiễm.
Nước rỉ từ hồ phế thải trên được chảy thẳng ra cánh đồng khoảng 2 ha, thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam
Một số vị trí, PV ghi nhận được cảnh ống ngầm dẫn trực tiếp nước thải từ hồ phế thải ra môi trường
Theo bà Chúc, các hộ chủ yếu nuôi heo thuê cho công ty với trang trại khép kín. Tuy nhiên, ngoài giấy Chứng nhận trang trại do UBND huyện Hòa Vang cấp, bà Chúc chưa cung cấp được các giấy tờ liên quan về bảo vệ môi trường.
"Tôi đã đầu tư hệ thống bể lắng, hầm biogas để không ảnh hưởng. Còn các giấy tờ khác thì đang chờ huyện, xã tập huấn chứ không biết", bà Chúc nói.
Ngoài trại heo của bà Chúc, phóng viên cũng tìm gặp một số trại heo khác trong khu vực để xác minh phản ánh nhưng hầu hết đều lánh mặt, không trả lời.
Kinh hãi dòng nước đen ngòm đổ ra môi trường
Trước phản ánh của người dân, chiều 7-11, phóng viên đến trụ sở UBND xã Hòa Tiến tìm gặp bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Chủ tịch UBND xã, nhưng không được vì vị này đi họp.
Sau đó, phóng viên liên lạc ông Trần Đình Nhơn, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Tiến. Qua điện thoại, ban đầu ông Nhơn thừa nhận việc nuôi heo "dễ gì đảm bảo môi trường, có mặt này mặt kia chứ làm sao đảm bảo được".
Đáng nói, sau khi nghe phóng viên muốn được cung cấp nội dung về việc bảo vệ môi trường của các trại heo ở thôn Nam Sơn, vị này bất ngờ văng tục: "Làm được chi thì làm, còn không dẹp mẹ hết đi. Mệt mỏi quá đi. Không làm được thì dẹp hết đi".
Tuy nhiên, 1 giờ sau, Bí thư xã Hòa Tiến liên lạc lại, lý giải câu nói trên có nghĩa rằng: xã cần có hướng dẫn cụ thể với các hộ nuôi heo, còn nếu ô nhiễm thì phải xử lý.
Bình luận (0)