KSor H’Liêl cũng là người đại diện cho cán bộ, đảng viên, công nhân, người lao động của Binh đoàn 15 tham dự lễ vinh danh và giao lưu thực hiện cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ" do Bộ Quốc phòng vừa tổ chức tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Gần như ngày nào cũng vậy, từ 3 giờ sáng, khi màn đêm và giá lạnh se sắt vẫn còn bao trùm cả núi rừng, KSor H’Liêl đã bắt đầu ngày mới với việc cạo mủ cao su. Chị gắn bó với công việc này đã gần 20 năm và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong việc nhận chăm sóc, khai thác 2,2 ha cao su. Tay nghề của chị luôn được đánh giá giỏi; sản lượng hằng năm vượt từ 8% - 35% kế hoạch giao.
KSor H’Liêl kể về những kinh nghiệm giúp người Gia Rai vượt khó
KSor H’Liêl cho biết điều cần nhất của một người thợ khai thác mủ cao su là nắm vững kỹ thuật cạo để đạt năng suất cao nhất. Trước đây, chị cũng như các lao động khác ở địa phương gặp nhiều bỡ ngỡ từ việc trồng, bón phân, chăm sóc, đặc biệt là thường xuyên cạo mủ sai kỹ thuật, dăm cạo sâu, đường cạo không sạch nên cây cho năng suất thấp. Dù vậy, nhiều thời điểm giá mủ cao su giảm mạnh, tiền lương ít, thời tiết thất thường, cây bị bệnh nhưng chị không nản lòng mà tìm cách khắc phục bằng việc chủ động đăng ký học các lớp kỹ thuật rồi về vận động dân làng làm theo, bắt đầu từ việc hướng dẫn lại kỹ thuật cho các chị em trong cùng tổ lao động. Để tăng thu nhập kinh tế gia đình, chị KSor H’Liêl đầu tư mở rộng diện tích trồng các loại cây nông sản. Đến nay, ngoài nhận khoán cao su, gia đình chị còn trồng thêm 2 ha cà phê, 3 ha điều, 2 ao cá và nuôi 5 con bò thịt, mỗi năm tổng cộng cho thu nhập gần 400 triệu đồng.
Ông Rơ Lan Khuyên (72 tuổi, dân tộc Gia Rai), già làng Nú, bộc bạch: "Dân làng mình có được cuộc sống no đủ như hôm nay là biết ơn KSor H’Liêl nhiều lắm. Hơn 5 năm trước, thấy gia đình tôi và dân làng còn khó khăn, nó đến từng nhà hướng dẫn cách trồng "cây lạ" (cây cao su, cây điều…), rồi cách bón phân, chăm sóc, thu hoạch, còn cho thêm cây giống. Đến nay, dân làng mình đã trồng được 172 ha cao su, 121 ha cà phê, 8 ha lúa nước, cây điều, cây tiêu cũng trồng được nhiều rồi. Cuối năm 2018, trong làng còn 12 hộ thiếu ăn mùa giáp hạt, nay hết rồi. Các hộ đã có tivi, xe máy, các cháu đến tuổi đi học, ốm đau đến bệnh xá quân dân y khám chữa bệnh. Nó là phụ nữ giỏi, gần dân, nói và làm được nhiều việc tốt, giúp bà con phát triển sản xuất, củng cố tình đoàn kết quân dân, tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. Nói và làm hợp lòng dân nên nó được kết nạp Đảng khi còn rất trẻ. Dân làng mình biết ơn nó và nghe theo!".
Ở đơn vị nơi H’Liêl công tác, trung tá Nguyễn Cảnh Quang, Giám đốc Công ty 72 (Binh đoàn 15), cho biết: "KSor H’Liêl là người địa phương nhưng nhận thức về nhiệm vụ, về xã hội và cuộc sống rất tốt. Ngoài công việc chính, chị còn là tổ trưởng một tổ lao động, phụ trách công nhân và người lao động là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Thường ngày, KSor H’Liêl hướng dẫn kỹ thuật cho người lao động và giúp chị em phụ nữ địa phương trong chăm sóc, nuôi dạy con trẻ, xây dựng gia đình, chăn nuôi và sử dụng vốn sản xuất. Chị còn gần gũi giúp đỡ các hộ gia đình trong thôn phát triển kinh tế, chung sức xây dựng đời sống văn hóa mới. H’Liêl thực sự là mắt xích đem các chủ trương, đường lối của Đảng, nhà nước tới bà con thôn làng; là tấm gương sáng để công nhân, người lao động và bà con noi theo".
Bình luận (0)