"Di chúc của Bác là một văn kiện lịch sử vô giá, đúc kết cuộc đời của Bác, kết tinh tư tưởng, tình cảm, đạo đức, tâm hồn, nhân cách, bản lĩnh của một lãnh tụ, một vĩ nhân cả một đời vì nước, vì dân, tận tâm tận lực cống hiến cho dân tộc, cho nhân loại là cực đại, với bản thân mình không có gì riêng". GS-TS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận trung ương, đã chia sẻ với đội ngũ cán bộ, đoàn viên và CNVC-LĐ TP HCM về ý nghĩa lịch sử và giá trị trường tồn của Di chúc Bác Hồ tại chương trình Học tập chuyên đề 50 năm thực hiện Di chúc Hồ Chí Minh (1969-2019) do LĐLĐ TP tổ chức trong 2 ngày 20 và 21-7.
Quốc bảo của dân tộc
Năm 1965, Bác Hồ bắt đầu viết Di chúc, văn bản mà Bác gọi là "Bức thư để lại cho đồng bào, đồng chí", "Mấy lời dặn lại trước lúc đi xa". Theo GS-TS Hoàng Chí Bảo, việc Bác viết Di chúc trong dịp sinh nhật thể hiện bản lĩnh văn hóa của Người. Viết Di chúc dịp sinh nhật, chọn thời điểm 9-10 giờ sáng để viết và sửa Di chúc đã nói lên chiều sâu trong thế giới nội tâm của Bác, bản lĩnh văn hóa, lấy sự sống vượt lên cái chết của Người. GS-TS Hoàng Chí Bảo khẳng định: Toàn bộ bản Di chúc là niềm tin vào thắng lợi của cách mạng và niềm tin Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ, đàng hoàng, to đẹp hơn sau khi kết thúc chiến tranh. Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua năm tháng đã chính thức trở thành Quốc bảo của cả dân tộc.
GS-TS Hoàng Chí Bảo (bìa phải), trao đổi với cán bộ Công đoàn TP HCM tại chương trình “Học tập chuyên đề 50 năm thực hiện Di chúc Hồ Chí Minh” do LĐLĐ TP tổ chức Ảnh: NGUYỄN NAM
Thực hiện Di chúc của Bác, 50 năm qua, chúng ta đã thực hiện nghiêm 5 lời thề: Nén đau thương biến thành sức mạnh, quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, đưa Nam - Bắc sum họp một nhà; Kiên trì lý tưởng mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, quyết tâm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam; Giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình; Làm tất cả vì hạnh phúc của nhân dân; Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nguyện học tập, làm theo đạo đức trong sáng mẫu mực của Chủ tịch Hồ Chí Minh với 4 chữ "Cần - Kiệm - Liêm - Chính". Bác còn là tấm gương sáng đầy thuyết phục cho các thế hệ về tinh thần tự học. "Theo Bác, đường đời là một chiếc thang không có nấc chót, việc học tập là một quyển vở không có trang cuối cùng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng phương pháp học tập là điều cốt yếu nhất để tích lũy kiến thức. Tuy nhiên, nếu có tài mà không có đức thì chỉ là người vô dụng, cho nên việc tu dưỡng đạo đức với cán bộ Công đoàn, CNVC-LĐ là vô cùng quan trọng và cần thiết" - GS-TS Hoàng Chí Bảo bày tỏ.
Sống tốt hơn, trách nhiệm hơn
Cách nói chuyện gần gũi, dễ hiểu khiến hơn 2.000 cán bộ, đoàn viên và CNVC-LĐ TP như "thấm" từng câu, từng lời của GS Hoàng Chí Bảo.
Ngẫm về Di chúc của Người, chị Kiều Thị Ngọc, đoàn viên HTX Mây tre lá Ba Nhất (quận Bình Thạnh, TP HCM), bộc bạch: "Hiếm có tác phẩm nào Bác dành nhiều thời gian, tâm trí suy ngẫm thận trọng đến từng câu chữ để viết như bản Di chúc này. Với những ngôn từ bình dị mà súc tích Bác viết, chúng ta đều cảm nhận được tình cảm gần gũi, yêu thương của Người và thấy mình phải có trách nhiệm cao hơn, quyết tâm hơn để thực hiện bản Di chúc thiêng liêng. Là một công nhân, để thực hiện Di chúc của Bác, tôi thấy mình phải làm tốt hơn công việc, sống gương mẫu, có ích cho xã hội".
Mỗi cá nhân phải có sự nhận thức sâu sắc về bản thân, trách nhiệm của mình đối với xã hội. Đó là cảm nhận của tất thảy cán bộ, đoàn viên sau khi tham dự buổi học tập. "Để thực hiện Di chúc Bác, tự thân mỗi cán bộ, đoàn viên phải luôn nêu cao ý thức rèn luyện, quyết tâm vượt qua những khó khăn, thách thức để hoàn thành tốt công việc được giao, dám chấp nhận hy sinh bản thân vì người khác" - bà Lê Thị Bích Hạnh (Chủ tịch LĐLĐ quận 5) bộc bạch. Với anh Nguyễn Đức Thắng, Phó Giám đốc Nhà Văn hóa Lao động quận Bình Tân, học tập, rèn giũa nhân cách, không ngừng tiếp thu những kiến thức khoa học kỹ thuật để tự khẳng định mình là trách nhiệm và nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đoàn viên CNVC-LĐ TP trong giai đoạn hiện nay.
Ông HỒ XUÂN LÂM, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM:
Học và làm theo Bác bằng những việc làm thiết thực
50 năm sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, Di chúc của Người vẫn là những chỉ dẫn quý báu, động lực tinh thần vô giá giúp toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta vượt qua khó khăn, tận dụng thời cơ, đối diện thách thức để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa phát triển bền vững. Từng câu chữ trong Di chúc rất hàm súc và cô đọng, có sức lay động đến mỗi trái tim con người.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một hoạt động đã và đang được triển khai sâu rộng trên cả nước.
Đối với mỗi cán bộ, đoàn viên, CNVC-LĐ TP mang tên Bác, học và làm theo Bác phải gắn liền với hành động thiết thực, đóng góp vào sự phát triển của đơn vị, doanh nghiệp, vì sự phát triển của TP, đặc biệt là sự lớn mạnh của tổ chức Công đoàn.
Bình luận (0)