Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có buổi làm việc với một người tên là Kiều Văn Chương (trú tại huyện Thạch Thất, Hà Nội), người này đã trình các hồ sơ gốc liên quan đến 3 cây "quái thú" đang bị tạm giữ tại đây.
Khu vực khai thác cây "quái thú" trên rẫy ông Thướng
Theo bộ hồ sơ mà người này xuất trình, 1 cây được khai thác từ đất nông nghiệp của ông Phạm Đình Thướng (ở xã Ea Pil, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk). Lần theo hồ sơ này, chúng tôi đã tìm về khu vực rẫy nhà ông Thướng để tìm hiểu thì thực tế khu vực này có một cây đa sộp đã được bứng gốc và vận chuyển đi. Ngày 12-3, ông Thướng nộp bản đăng ký khai thác kèm hồ sơ - bản xác nhận cây còn sót lại, bản dự kiến sản phẩm khai thác, giấy xác nhận đất sản xuất, sơ đồ vị trí khu đất sản xuất - lên UBND xã Ea Pil. Cùng ngày, ông Thướng cũng làm đơn gửi Hạt Kiểm lâm huyện M’Đrắk xin xác nhận khai thác và vận chuyển.
Những gì còn sót lại tại khu vực khai thác cây đa của gia đình ông Thướng
Theo ông Trần Văn Cảnh, Phó chủ tịch UBND xã Ea Pil, cây đa sộp "quái thú" được khai thác tại địa phương có đường kính gốc 1,8m, ngọn 65cm, dài 8m, khối lượng 9,043m3. Cây này được bứng đi vào ngày 12-3 tại khu đất nông nghiệp của ông Thướng.
Theo ông Thướng, ông có người bạn nói có người muốn mua cây đa để đem về ngoài Bắc cúng chùa. Ông cũng đang muốn đốn cây vì ảnh hưởng đến cây trồng khác nên đã đồng ý cho bạn bứng cây đa đi. Tiện lúc, có máy múc đang múc ao cho gia đình nên tới đào gốc, bạn trả tiền dầu và đưa người vào khai thác, chở đi. Các giấy tờ cũng do những người khai thác cây làm, rồi cây mang đi đâu thì ông không biết.
Hai cây còn lại được cho là khai thác tại xã Ea Hồ (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) của bà H Yôna Buôn Yă do bà H’Phi La Nê, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Hồ ký xác nhận khai thác, vận chuyển vào ngày 23-3. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, bà H’Phi La Niê khẳng định bà không hề ký giấy xin khai thác của bà H Yôna Buôn Yă. Còn ông Nguyễn Văn Tiếp, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Krông Năng, cũng cho rằng vào thời gian khoảng tháng 3, tại xã Ea Hồ không có cây cổ thụ nào được khai thác, vận chuyển đi.
Ngoài ra, theo tìm hiểu của phóng viên, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có nhiều cây đa "quái thú" được khai thác. Ông Mai Kim Huệ, Chủ tịch UBND xã Krông Búk (huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) cho biết xã cũng xác nhận cho khai thác 1 cây đa "quái thú" trên rẫy của ông Wiên Byă (ngụ Buôn Krai A, xã Krông Búk).
Khu vực khai thác cây đa khủng trên đất gia đình ông Y Wiên Byă
Theo ông Huệ, ngày 2-3, ông Y Wiên Byă đã làm đơn lên UBND xã, UBND huyện và Hạt kiểm lâm huyện xin bứng, vận chuyển cây cổ thụ nằm trên khu vực đất rẫy. Ngày 15-3, UBND huyện có văn bản đồng ý đơn xin khai thác của ông Y Wiên Byă và đề nghị Hạt kiểm lâm huyện, theo thẩm quyền quản lý việc vận chuyển lâm sản của ngành tạo điều kiện giải quyết đơn cho ông Y Wiên Byă. "Khi ông Y Wiên Byă cung cấp giấy tờ liên quan, UBND xã đã cử cán bộ phối hợp với Hạt kiểm lâm huyện trực tiếp xuống xem xét hiện trạng đúng như đơn nên đã cho phép khai thác. Cây đa này được vận chuyển để cho một ngôi chùa tại Hà Nội", ông Huệ cho biết thêm.
Theo quan sát của phóng viên, cây đa đã được khai thác nằm trong khu rẫy cà phê rộng lớn, sau khi khai thác được san phẳng, nhiều phần cành, rễ của cây được người dân chất đống một bên để gom đốt đi.
Chất đốt cành ngọn cây đa trên đất ông Y Wiên Byă
Ông Y Wiên Byă cho rằng cây đa này tồn tại trên 60 năm, cao 15m, có đường kính 1,97m. Thời gian gần đây, cây đã bị gió làm nghiêng ảnh hưởng đến đất sản xuất nên khi có người vào xin gia đình ông đã đồng ý cho họ đào đi. Sau đó, họ có cho lại gia đình ông vài trăm ngàn đồng mua thức ăn chứ ông không bán. "Để đào được gốc cây này, họ đã phải thuê máy móc làm mất 3 ngày rồi di chuyển cây ra khỏi rẫy vào ban đêm" – ông Y Wiên Byă nói.
Một cây đa "quái thú" của gia đình ông Nguyễn Ngọc Chung (thôn Giang Hòa, xã Tam Giang, huyện Krông Năng) cũng bị bứng đi. Ông Chung cho biết: Cây đa này có tuổi đời hơn 50 năm, cao khoảng 14 m và có đường kính gốc khoảng 1,3 m.
Khu vực khai thác cây đa sộp trên đất ông Nguyễn Ngọc Chung
Cách đây hơn 1 tháng, có một người đến hỏi mua để tặng cho một nhà chùa. Sau đó, người này làm hết các thủ tục khai thác rồi đưa cho ông Chung ký và đem lên xã xác nhận. "Tôi đã đồng ý bán với giá 10 triệu đồng. Sau đó, họ thuê 4 máy múc khai thác mất 4 ngày mới đưa được cây đa ra khỏi rẫy. Trước khi khi vận chuyển, họ phải cho xe ủi một con đường đất dài hơn 200m từ rẫy nhà tôi ra đường chính" - ông Chung nói.
Liên quan đến vụ việc có nhiều cây cổ thụ được vận chuyển từ Đắk Lắk theo Quốc lộ 26 xuống Khánh Hòa nhưng không bị lực lượng CSGT xử lý, một lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết: Sau khi báo chí phản ánh, phòng đã tiến hành ra soát lại nhưng không ghi nhận trường hợp nào lực lượng CSGT phát hiện xe chở cây khủng mà cho đi qua.
Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng khi chở những cây gỗ khủng, tài xế biết là vi phạm an toàn giao thông nên thường tìm cách để qua những chốt của lực lượng CSGT. Cụ thể, họ cho người đi dò đường trước rồi cho xe qua chốt trong quá trình giao ca. "Chúng tôi đã quán triệt, rút kinh nghiệm, hạn chế tình trạng bỏ trống khoảng thời gian giao ca" - vị lãnh đạo này cho biết thêm.
Bình luận (0)