Hiện thực hóa tuyến phà biển Cần Giờ - Tiền Giang đang là một ưu tiên trong kết nối giao thông giữa TP HCM với tỉnh Tiền Giang cũng như các tỉnh, thành lân cận. Theo tính toán, nếu thủ tục cấp phép luồng tuyến cũng như xây dựng cầu tàu hoàn tất thì cuối năm 2022 tuyến phà biển này sẽ được đưa vào hoạt động.
Rút ngắn 130 km so với đường bộ
Là đơn vị đề xuất với UBND huyện Cần Giờ khảo sát, nghiên cứu mở tuyến phà biển Cần Giờ - Tiền Giang, ông Nguyễn Quốc Chánh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quốc Chánh, cho biết huyện Cần Giờ như một ốc đảo khi được bao bọc bởi sông và biển. Ngoài tuyến đường từ TP HCM đến Cần Giờ là đường Rừng Sác thì người dân từ các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu muốn đến đây phải sử dụng các tuyến phà Cần Giờ - Cần Giuộc hoặc phà biển Vũng Tàu - Cần Giờ.
Theo ông Nguyễn Quốc Chánh, nếu có tuyến phà biển Cần Giờ - Tiền Giang thì sẽ mở thêm một cửa ngõ mới cho huyện Cần Giờ. Việc đi lại của người dân 2 địa phương thuận tiện hơn khi rút ngắn khoảng 130 km đi lại so với đường bộ.
So với 2 tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu và Kiên Giang - Phú Quốc mà công ty đang khai thác, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quốc Chánh, nhận xét tuyến phà biển Cần Giờ - Tiền Giang có cự ly ngắn hơn, an toàn hơn vì nằm trên vị trí sông, luồng tuyến, dòng chảy và thời tiết ổn định. "Nếu Sở Giao thông Vận tải (GTVT) 2 tỉnh, thành chấp thuận đưa vào khai thác tuyến phà này thì chúng tôi sẵn sàng tham gia bởi có đủ kinh nghiệm và phương tiện với 6 đến 8 chiếc phà hiện đại" - ông Chánh nói.
Còn đại diện UBND huyện Cần Giờ thông tin địa phương đang có tiềm năng phát triển du lịch. Chỉ tính dịp lễ 2-9 vừa rồi, huyện đã đón gần 50.000 lượt khách từ nhiều địa phương. Vì khách đông, phà Bình Khánh không thể đáp ứng nên cơ quan chức năng phải điều phà từ Cát Lái qua giải tỏa.
"Hiện tại, Cần Giờ có 3 cửa ngõ kết nối với các địa phương gồm phà Bình Khánh, cửa ngõ phía Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu. Để phát triển hơn, huyện Cần Giờ mong muốn mở thêm một cửa ngõ thông qua tuyến phà biển Cần Giờ - Tiền Giang" - đại diện UBND huyện Cần Giờ nói.
Tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu hoạt động từ tháng 1-2021 mang lại nhiều thuận lợi cho người dân và 2 địa phương. Ảnh: BÍCH NGỌC
Phát triển giao thông đường thủy
Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM, cho biết tuyến phà biển Cần Giờ - Tiền Giang không đơn thuần kết nối giao thông thủy mà còn tạo điều kiện phát triển kinh tế - du lịch cho TP HCM và tỉnh Tiền Giang.
Hiện nay, phía Tiền Giang dự kiến mở đầu bến tại huyện Gò Công Đông. Riêng TP HCM thì huyện Cần Giờ đang khảo sát kỹ với 2 điểm kết nối dự kiến là Long Hòa (cách bến phà đi Vũng Tàu 10 km) và Lý Nhơn (cách bến phà đi Vũng Tàu 40 km). Với mong muốn người dân đến Cần Giờ không chỉ quá giang để đi Tiền Giang mà lưu lại đây tham quan hoặc kết nối đến Bà Rịa - Vũng Tàu, khả năng các bên liên quan chọn đầu bến Long Hòa.
"Dự kiến, sau khi tuyến này được xác định, UBND TP HCM sẽ làm việc với tỉnh Tiền Giang để thống nhất luồng, tuyến và lộ trình. Sau đó, UBND TP HCM báo cáo Bộ GTVT để xin mở luồng, tuyến mới rồi mời thầu để các doanh nghiệp có đủ năng lực, kinh nghiệm tham gia. Nếu mọi thủ tục suôn sẻ, dự kiến sẽ đưa tuyến phà này vào hoạt động cuối năm 2022" - ông An cho hay.
Ngoài tuyến phà biển Cần Giờ - Tiền Giang đang được đốc thúc để đưa vào vận hành, Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM cho biết sở đang tích cực liên hệ với chính quyền huyện Côn Đảo cập nhật tiến độ sửa chữa cầu tàu để tháng 12-2022 đưa tuyến tàu cao tốc TP HCM - Côn Đảo vào hoạt động. Bên cạnh đó, 2 tuyến tàu cao tốc từ TP HCM đi Tiền Giang và Bến Tre đang được Sở GTVT đôn đốc các doanh nghiệp khai thác tuyến chọn lựa phương tiện tốt đưa vào khai thác trong thời gian sớm nhất.
Theo ông An, TP HCM mong muốn phát triển vận tải giao thông thủy nhiều hơn nữa bởi lợi thế sông rạch và nhiều tiềm năng chưa khai thác. Tuy nhiên, phát triển luồng tuyến phải song song với đầu tư bến bãi, cầu tàu mà đây là điểm nghẽn lớn nhiều năm qua do phải chờ quy hoạch chung của thành phố cũng như pháp lý quy hoạch sử dụng đất trên hành lang bờ sông, kênh rạch. Trước mắt, để hỗ trợ phương tiện thủy trên các tuyến thủy đã vận hành, Sở GTVT sẽ triển khai nạo vét luồng, tuyến, nâng độ tĩnh không thông thuyền tại các cầu bắc qua kênh.
Chú trọng chất lượng phương tiện
Là đơn vị khai thác tuyến tàu cao tốc TP HCM - Vũng Tàu, ông Trần Song Hải, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công nghệ xanh DP (Greenline DP), cho rằng việc mở thêm tuyến giao thông thủy phục vụ liên kết vùng trong đó có tuyến Cần Giờ - Tiền Giang là rất cần thiết. Bởi qua dịch COVID-19, nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng của người dân thay đổi đôi chút, có xu hướng đến các điểm gần TP HCM như Vũng Tàu, miền Tây... Như lễ 2-9 vừa qua, lượng khách đi tàu cánh ngầm từ TP HCM - Vũng Tàu và ngược lại tăng 30% so với cùng kỳ năm 2019.
Việc kêu gọi các doanh nghiệp tham gia các tuyến vận tải thủy trên địa bàn TP HCM cũng như các tuyến kết nối vùng, theo ông Trần Song Hải, rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, với giá vật tư, động cơ, nhôm đóng tàu tăng từ 30% trở lên như hiện nay khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong quyết định đóng mới một con tàu. Do đó, khi lựa chọn đơn vị khai thác tuyến thủy, các cơ quan chức năng cần lưu ý chất lượng phương tiện.
Bình luận (0)