Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, hơn 3 tháng qua, người dân ở phường Điện Nam Đông (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam ) đã dựng một lều bạt ngay trước cổng Nhà máy thép Việt Pháp (thuộc Công ty TNHH Thép Việt Pháp - Cụm Công nghiệp Thương Tín 1, phường Điện Nam Đông) để phản ứng, không cho nhà máy này hoạt động.
Các cụ già đưa cờ, ti vi ra lều bạt để giải trí trong quá trình phản ứng nhà máy thép
Ngày này qua ngày khác, bất kể trời mưa hay nắng, ban ngày là những cụ già, ban đêm thanh niên, họ thay phiên nhau túc trực với quyết tâm bao giờ đuổi được nhà máy thép đi khỏi địa phương mới thôi. Bị người dân "cấm cửa", Nhà máy thép Việt Pháp dường như cũng ngừng hoạt động đã 3 tháng nay.
Những cụ già 90 tuổi túc trực tại lều bạt đã hơn 3 tháng nay
Trong căn lều lụp xụp, người dân trang bị đầy đủ các vật dụng phục vụ sinh hoạt, giải trí. Họ góp tiền mua gạo, thức ăn đưa đến thổi cơm ăn ngủ ngay tại lều bạt. Người dân cho biết, 5 năm nay, từ khi nhà máy thép đi vào hoạt động đã "đầu độc" người dân bằng khói bụi, mùi hôi khét và tiếng ồn. Không chịu nổi, người dân địa phương đã nhiều lần dựng lều cấm cửa nhà máy thép. Sau mỗi lần như thế, chính quyền địa phương đến đối thoại, hứa hẹn nhưng cứ lần này sang lần khác không di dời đi.
Lần gần nhất, ngày 25-7, khi người dân "cấm cửa" nhà máy thép, chính quyền thị xã Điện Bàn tổ chức đối thoại đã truyền đạt thông báo của ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam, rằng việc di dời phải có thời gian, lộ trình và đồng ý cho nhà máy tiếp tục sản xuất đến trước ngày 31-12-2019.
Video: Chúng tôi túc trực ở đây khi nào nhà máy dời đi mới thôi
Không còn tin tưởng vào lời hứa của chính quyền, người dân lắc đầu bỏ về. Lần này, người dân nói họ quyết tâm dựng lều "cấm cửa" cho đến khi nào nhà máy chuyển đi mới thôi.
"Sức chịu đựng của bà con đã vượt quá giới hạn rồi. Chúng tôi già rồi, sống không bao lâu nữa nhưng lo nhất là thế hệ mấy đứa con, mấy đứa cháu. Nhà máy họ đầu độc kiểu này không phải chết liền mà chết từ từ nên nếu không phản ứng thì con cháu chúng tôi sẽ lãnh hậu quả" – bà Phạm Thị Lại (90 tuổi, ngụ khối phố 7A, phường Điện Nam Đông) trăn trở.
"Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội"
Những tấm băng rôn được người dân treo lên trước cổng nhà máy thép Việt Pháp
Trao đổi với báo chí, ông Trần Úc, Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, cho hay sau buổi đối thoại ngày 25-7, UBND thị xã đã báo cáo tình hình lên cấp trên để xin ý kiến chỉ đạo. Hiện tại, khó khăn lớn nhất là phía doanh nghiệp yêu cầu phải hỗ trợ gần 130 tỉ đồng thì mới di dời. Trước mắt, huyện sẽ tiếp tục vận động bà con tháo dỡ lều trại trong thời gian chờ giải quyết.
Hoạt động của nhà máy thép Việt Pháp
- Nhà máy thép Việt Pháp đi vào hoạt động năm 2012, được cấp phép 50 năm, công suất 48.000 tấn/năm
Người dân nhiều lần dựng lều phản ứng từ khi nhà máy thép hoạt động
- Sau nhiều lần người dân bao vây phản ứng vì ô nhiễm, tháng 1-2015, tỉnh Quảng Nam có kế hoạch di dời. Ban đầu, dự định dời lên huyện Đại Lộc nhưng huyện này phản đối nên sau đó đưa lên huyện Nam Giang
- Tháng 9-2016, thông tin tỉnh Quảng Nam thống nhất chủ trương đưa nhà máy thép ô nhiễm lên huyện Nam Giang – khu vực thượng nguồn sông Vu Gia – Thu Bồn khiến dư luận lo ngại, phản ứng. Từ đó đến nay, nhà máy này lâm vào cảnh "đi không được, ở cũng không xong"
Bình luận (0)