Sáng 31-1, TAND Tối cao đã họp báo tổng kết công tác của tòa án năm 2017 và phương án hoạt động năm 2018 do Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình chủ trì.
Ông Nguyễn Hòa Bình cho biết năm 2018, áp dụng tinh thần cải cách tư pháp, đã đổi mới về hình thức lẫn nội dung trong xét xử. Cụ thể, về mặt nội dung, hội đồng xét xử (HĐXX) và các thẩm phán đã thực hiện các quy định của luật mới. "HĐXX có thể triệu tập điều tra viên, trong tương lai còn triệu tập cả kiểm soát viên và thẩm phán. HĐXX phải thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ mà luật đã quy định vậy nên có quyền khởi tố bị can, khởi tố vụ án tại phiên tòa, tha bị cáo ngay tại phiên tòa..." - ông Nguyễn Hòa Bình nêu.
Về hình thức, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết TAND đã áp dụng tranh tụng và mô hình phòng xét xử mới. Qua đó, phiên tòa đã bỏ vành móng ngựa, thay vào đó là bục khai báo; chỗ ngồi của cơ quan công tố và luật sư ngang bằng nhau, dưới HĐXX; đặc biệt có phòng xét xử riêng dành cho phiên tòa hôn nhân gia đình và vị thành niên... "Việc này xuất phát từ các thực tiễn và tinh thần học hỏi kinh nghiệm tư pháp chọn lọc trên thế giới. Ngoài ra, bảo đảm quyền con người theo Hiến pháp, nguyên tắc suy đoán vô tội" - ông Bình nói.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình tại buổi họp báo sáng 31-1
Nói về sự chuẩn bị của TAND Tối cao trong những vụ án tham nhũng kinh tế lớn gần đây, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết thực hiện chỉ đạo của trung ương về phòng chống tham nhũng, TAND Tối cao đã triển khai nghiêm túc về vấn đề này. "Tất cả các vụ án lớn được trung ương chỉ đạo, chúng tôi đã xây dựng những HĐXX riêng. Trong đó, có cả hội đồng sơ thẩm và hội đồng phúc thẩm. Để đáp ứng được các phiên tòa này, thẩm phán phải có kinh nghiệm và năng lực điều hành. Ngoài ra, chúng tôi cũng yêu cầu các thẩm phán liên hệ với VKS nghiên cứu hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời nghiên cứu làm việc theo luật tố tụng mới" - ông Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.
Đánh giá về phiên tòa xử ông Đinh La Thăng cùng đồng phạm vừa diễn ra, Chánh án TAND Tối cao cho rằng trước khi phiên tòa diễn ra, lãnh đạo TAND Tối cao đã đi kiểm tra phòng xét xử tại TAND TP Hà Nội. Qua đó, đánh giá phòng xét xử chưa đúng Thông tư 01 nhưng trong điều kiện mới thực hiện như vậy cơ bản là chấp nhận được. "Theo tôi, phiên tòa đã có nhiều thành công" - ông Bình nhìn nhận
Chánh án TAND Tối cao cho biết tháng 7-2018, TAND Tối cao sẽ có báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đề xuất không tổ chức phiên tòa lưu động theo thông lệ quốc tế. "Mỗi phiên tòa cần bảo đảm quyền con người - đây là nguyên tắc hiến định. Một bị cáo chưa có bản án có hiệu lực thì chưa phải tội phạm. Việc mang xét xử lưu động sẽ gây ảnh hưởng tới danh dự, nhân phẩm của bị cáo, đặc biệt là người thân, gia đình của họ. Nhiều vụ án xét xử lưu động đã khiến các cháu có hành động quá khích, bỏ nhà ra đi bụi đời. Và như vậy vô hình trung đã gây ra hậu quả đáng tiếc, dòng họ mâu thuẫn với nhau nhiều hơn" - ông Bình phân tích.
Bình luận (0)