Gần 10 ngày phiên tòa sơ thẩm xét xử ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐTV/HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), cùng 21 đồng phạm trong vụ án "Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản" xảy ra tại PVN và Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) đã áp dụng Bộ Luật Tố tụng Hình sự mới (BLTTHS năm 2015, có hiệu lực từ ngày 1-1-2018).
Bảo đảm "suy đoán vô tội"
Theo đó, quy định mô hình phòng xét xử mới là HĐXX sẽ ngồi ở bục phía trên, thư ký phiên tòa ngồi giữa, đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa và các luật sư (LS) tham gia bào chữa ngồi ngang hàng nhau.
Ông Đinh La Thăng tự bào chữa trước tòa Ảnh: TTXVN
LS Lê Văn Thiệp, bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nhìn nhận khi xét xử các vụ án hình sự, việc bỏ vành móng ngựa và các bị cáo được bảo đảm tối đa nguyên tắc suy đoán vô tội đã thể hiện tính nhân văn, tôn trọng quyền con người. Theo LS Thiệp, nguyên tắc suy đoán vô tội là người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.
"Các bị cáo đứng lên bục khai báo đã cho thấy sự thay đổi rõ nét và đúng đắn. Ngoài ra, quy định này tiệm cận với những nguyên tắc của pháp luật tố tụng hình sự thế giới cũng như khẳng định xu thế hội nhập trong lĩnh vực tư pháp hình sự của Việt Nam" - luật sư Thiệp phân tích.
Cũng theo LS Lê Văn Thiệp, trong phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng, VKS có sự tranh luận rất cởi mở, đi đến cùng của sự thật, mặc dù phiên tòa diễn ra hơi nhanh, chưa thỏa mãn các yêu cầu của LS gỡ tội nhưng về cơ bản cũng đáp ứng một phần. "Tuy nhiên, việc này có thể hiểu đại diện giữ quyền công tố là bảo vệ lợi ích nhà nước, bảo vệ trật tự tất nhiên có cách nhìn khác. Còn LS bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của các bị cáo cũng làm hết sức khi tranh luận với đại diện của VKS" - luật sư Thiệp nói.
Tạo điều kiện tốt nhất cho các luật sư
Trong quá trình tham gia bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh, ông Thiệp cho biết các cơ quan tố tụng tạo điều kiện tốt nhất cho LS làm việc. Xuyên suốt quá trình xét xử, các phần trình bày của các bị cáo ngoài HĐXX, VKS đều sử dụng từ "kính thưa" các LS, điều này thấy rằng vị thế của LS ngày càng được xã hội trân trọng.
"Cá nhân tôi thấy khá hài lòng với việc bố trí lại mô hình xét xử mới của cải cách tư pháp. Tôi mong cải tiến hình thức thì nội dung cũng được tôn trọng" - luật sư Thiệp nêu.
LS Trương Quốc Hòe - Trưởng Văn phòng Luật sư Interla, Đoàn Luật sư TP Hà Nội - cho rằng việc áp dụng luật mới đã tạo điều kiện để bị can, bị cáo có thể phát huy hết quyền của mình. Bên cạnh đó, trong phần tranh tụng, VKS cũng đối đáp "hết nhẽ" với các LS và bị cáo. "So với các vụ án trước đây, VKS giữ quan điểm của mình theo cáo trạng, ít đối đáp. Ngoài ra, phiên tòa này cũng cho phép LS tranh tụng đến cùng với VKS tại tòa" - LS Hòe nhận định.
LS Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng với việc hiện thực hóa mô hình các vị trí trong phòng xử án, Thông tư 01 đã thể hiện vai trò trung tâm của HĐXX, bảo đảm quyền bình đẳng trước tòa án giữa chủ thể thực hiện chức năng buộc tội và chức năng gỡ tội, bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử; bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo, quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. "Phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng cùng các đồng phạm đã diễn ra trong không khí của cải cách tư pháp khi cởi mở, tranh luận rõ ràng. Tuy nhiên, lời buộc tội của VKS chưa được sâu sát, ví dụ: phải truy bị cáo nhận tội tại thời điểm làm người đứng đầu, bị cáo khi giao nhiệm vụ có kiểm tra, giám sát không?" - ông Thuận nói.
Về thân chủ là bị cáo Trịnh Xuân Thanh, LS Lê Văn Thiệp cho rằng đối với tội danh "Tham ô tài sản", thực chất các chứng cứ có trong hồ sơ cũng như lời khai của các bị cáo ở phiên tòa vẫn chưa bảo đảm tính logic, chứng cứ chưa đủ chứng minh bị cáo Trịnh Xuân Thanh tham ô tài sản.
Cuối cùng LS Thiệp hy vọng tòa án sẽ xét xử 1 cách công tâm để bảo đảm tôn trọng quyền con người.
Ông Đinh La Thăng xin lỗi Đảng, nhân dân
Ngày 17-1, HĐXX cho phép ông Đinh La Thăng cùng 21 đồng phạm nói lời sau cùng trước khi bước vào nghị án. Đầu tiên, ông Thăng gửi lời cảm ơn đến các cơ quan tố tụng đã khách quan trên tinh thần đổi mới, cải cách tư pháp.
Ông Thăng cho biết vẫn còn nợ nhân dân cả nước nhiều việc chưa thể thực hiện. "Bị cáo cúi đầu xin lỗi Đảng, nhà nước, nhân dân cả nước, các thế hệ công nhân lao động ngành dầu khí" - ông Thăng nói.
Ông Đinh La Thăng cho biết bố ông mới vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu hôm 15-1 do mắc bệnh hiểm nghèo. "Một lần nữa, bị cáo xin thay đổi hình thức ngăn chặn để được ăn cái Tết cuối cùng với gia đình và người thân trước khi chấp hành hình phạt" - ông Thăng kết thúc lời nói sau cùng.
Được nói lời sau cùng, ông Trịnh Xuân Thanh cho biết trong khoảng 2 năm qua, bị cáo vướng vào kỷ luật vì đi ô tô biển xanh và gây ra dư luận không tốt trong xã hội. "Bị cáo xin lỗi các lãnh đạo Đảng, nhà nước và nhân dân cả nước" - ông Thanh nói.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh cho biết vợ cùng 3 người con nhỏ đang sinh sống tại Đức. Do vậy, ông Thanh đề nghị HĐXX sau khi kết thúc vụ án thì cho phép bị cáo được sang Đức để chăm sóc vợ con.
Cũng được nói lời sau cùng, nhiều bị cáo khác trong vụ án tại phiên tòa cho rằng họ đã nhận ra lỗi lầm, cảm thấy vô cùng đau xót những điều đã gây ra và xin HĐXX xem xét được khoan hồng để sớm trở về với gia đình.
Bình luận (0)