xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhiều giải pháp chặn đứng nguồn lây Covid-19

Nhóm phóng viên

Những shipper ở "vùng đỏ", sau khi test nhanh, có kết quả âm tính thì mới được hoạt động

Công tác truy vết và phát hiện hết các ca F0 từ cộng đồng đối với biến chủng Delta là nhiệm vụ rất khó khăn và cần thời gian. Tuy nhiên, cần những giải pháp hiệu quả để hạn chế tối đa lây nhiễm trong cộng đồng trong thời gian tăng cường giãn cách xã hội.

Chọn sân, vỉa hè thoáng để lấy mẫu, tiêm vắc-xin

Nói về giải pháp hạn chế lây nhiễm, BS Trương Hữu Khanh - Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 - cho rằng không cần tập trung test nhanh mà giao cho người dân họ tự làm. Đồng thời, phải mở nhiều chỗ chích ngừa, sắp xếp chích theo hẹn chứ không nên để ùn ứ, tập trung đông người.

Hiện có rất ít bệnh viện tiêm vắc-xin cho người trên 65 tuổi và thai phụ nên đối tượng này thường được tập trung một vài điểm để tiêm vắc-xin tạo nguy cơ nguồn lây từ vùng này qua vùng khác. Mặt khác, ở các khu dân cư, dù trong thời gian giãn cách nhưng khi lấy mẫu xét nghiệm thì tập trung một điểm. Thực tế, sau khi người dân tập trung lấy mẫu xét nghiệm hay tiêm vắc-xin vài ngày thì xuất hiện nhiều ca nhiễm. BS Khanh cho rằng phải lưu ý 2 vấn đề này, cần phân bố tiêm vắc-xin theo vùng, đến gần dân.

TS-BS Lê Thanh Chiến, Giám đốc BV Điều trị Covid-19 Trưng Vương (TP HCM), chia sẻ kinh nghiệm tổ chức điểm tiêm ở Trường Đại học Bách khoa với công suất trên 1.000 người/ngày dành cho thân nhân một số nhân viên y tế và người dân trong khu vực phường 14, quận 10: "Chọn một địa điểm rộng rãi, thoáng mát; sau đó là thiết lập quy trình "1 chiều" từ chỗ gửi xe, đăng ký, làm thủ tục, khám sàng lọc, tiêm, theo dõi sau tiêm, đến khi ổn định và đi về. Mọi khâu cần được làm đồng bộ để không gây ùn tắc, người dân di chuyển vào khu vực theo từng tốp 5 người". 

Tại BV 1A (BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM), TS-BS Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc BV, cũng chọn hành lang và sân BV để làm khu vực tiêm chủng. "Một căn phòng rộng đến mấy thì cũng không thể thoáng bằng không gian ngoài trời, dù có vào từng tốp thì vẫn có nguy cơ mầm bệnh tồn lưu trong không gian đó" - BS Ánh nói.

Khảo sát và tận dụng tối đa từng cơ sở, chia tốp, chia khu vực cũng là cách nhiều điểm tiêm cộng đồng thực hiện. Theo ông Lê Đình Quang - Phó Chủ tịch UBND phường 13, quận Gò Vấp - nơi có điểm tiêm Trường THCS Nguyễn Trãi công suất lên đến 1.000-1.200 lượt người/ngày, điểm tiêm này cũng được chia làm 4 khu vực chính di chuyển 1 chiều. Tại đây, mỗi khu vực lớn lại được chia nhỏ ra, tận dụng cả khu vực sân chính lẫn sân phụ bên ngoài, hành lang của trường để mỗi nhóm ngồi xa nhau, nhóm này tách biệt nhóm kia.

Nhiều giải pháp chặn đứng nguồn lây Covid-19 - Ảnh 1.

Người dân phường 13 và 15, quận Gò Vấp, TP HCM ngồi theo dõi sau tiêm tại điểm tiêm Trường THCS Nguyễn Trãi - Ảnh: Anh Thư

Không để ùn tắc, trì hoãn tiêm chủng

Theo TS-BS Lê Thanh Chiến, khâu nhập liệu rất quan trọng, tốn nhiều thời gian và cần sự chính xác. Do đó, đơn vị phụ trách điểm tiêm cần đủ máy tính, bố trí nhân viên nhập liệu chuyên nghiệp… sẽ giải quyết được bài toán ùn tắc. Đồng thời, địa phương cần thông báo cụ thể cho người dân về khung giờ tiêm, giấy tờ… để rút ngắn khâu làm thủ tục.

Ngoài ra, TS-BS Lê Thanh Chiến cho rằng cần hạn chế tối đa trường hợp người dân bị trì hoãn tiêm chủng, phải đi tới đi lui nhiều lần trong giai đoạn nên ở nhà: "Nhiều người có bệnh nền hay bị hạ đường huyết hoặc do đói vì quên ăn sáng, rồi tăng huyết áp do lo lắng, hồi hộp... có thể xử trí tại chỗ rất đơn giản. Điểm tiêm nên chuẩn bị một ít bánh ngọt, nước, thuốc hạ huyết áp cho người dân. Mục tiêu là bằng mọi cách để người dân được tiêm nếu không thuộc các trường hợp bị chống chỉ định" - BS Chiến khuyến cáo.

Theo TS-BS Đỗ Trọng Ánh, việc phòng lây nhiễm qua việc giao nhận hàng không nằm ngoài nguyên tắc tránh tiếp xúc gần, chú ý khẩu trang và bàn tay. Khi triển khai đơn vị điều trị Covid-19, BV 1A đã thử test các bề mặt trên cơ thể nhân viên y tế và nhận thấy virus vẫn tập trung chủ yếu ở mặt ngoài khẩu trang, nơi phải lọc không khí thở liên tục. Khử khuẩn khắp nơi mà vẫn chạm tay vào khẩu trang, hay ấn nút thang máy chung cư mà quên rửa tay thì nguy cơ nhiễm bệnh vẫn cao. 

Ông Lê Đình Quang cho rằng để phòng lây nhiễm qua người giao hàng (shipper) thì từ trước khi thành phố có chiến lược bảo vệ "vùng xanh", các địa phương đã khuyến khích bố trí khu vực giao - nhận hàng ở đầu hẻm, sử dụng vật trung gian như một chiếc bàn để người dân và shipper lần lượt đặt tiền/hàng hóa lên đó, có sẵn dung dịch khử khuẩn tại chỗ.

Theo Sở Y tế TP HCM, đến thời điểm hiện tại, Sở Công Thương cập nhật danh sách có 17.449 shipper được phép lưu thông và cần làm xét nghiệm. Nếu shipper hoạt động ở 8 quận, huyện "vùng đỏ" (TP Thủ Đức, quận 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn) thì sẽ xét nghiệm 1 lần/ngày; còn hoạt động ở các vùng còn lại thì làm xét nghiệm 1 lần/2 ngày. Thời gian test từ 5 đến 6 giờ sáng.

 BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế, cho biết đối với những shipper ở "vùng đỏ", sau khi test nhanh, có kết quả âm tính thì mới được phép hoạt động. Đơn vị thực hiện test nhanh là lực lượng quân y đang trực chốt tại 411 trạm y tế lưu động trên địa bàn thành phố và việc xét nghiệm hoàn toàn miễn phí theo chỉ đạo của UBND TP HCM. Sau khi thực hiện test nhanh, có kết quả âm tính thì lực lượng quân y tại các trạm y tế lưu động sẽ cấp giấy chứng nhận cho shipper, giấy này có hiệu lực được phép qua các chốt trạm.

Theo đại diện hãng giao hàng ShopeeFood, hãng đã phối hợp triển khai tiêm vắc-xin cho tài xế và tổng hợp danh sách tài xế đủ điều kiện, phân bổ và gửi về các cơ quan chức năng liên quan để triển khai việc xét nghiệm nhanh hằng ngày hoặc 2 ngày/lần. Lazada cho biết: "Toàn bộ đội ngũ nhân viên giao vận được chia ca làm việc tách biệt, khai báo y tế và được theo dõi sức khỏe hàng ngày; áp dụng quy trình giao hàng không tiếp xúc. Các kho hàng, cơ sở hạ tầng cũng được liên tục phun khử khuẩn giữa các ca làm việc trong ngày". 

Vì sao F0 mỗi ngày vẫn nhiều?

Lý giải về con số thống kê F0 mỗi ngày vẫn cao dù việc tuân thủ quy định trong thời gian giãn cách xã hội ở các địa phương vẫn được thực hiện nghiêm, chặt chẽ, BS Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1) cho rằng số F0 được công bố là số cũ còn "tồn" trong cộng đồng khi tiến hành khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm thì mới phát hiện. Chẳng hạn, công bố số F0 4.000 ca/ngày nhưng thực sự có đến 6.000-7.000 ca chưa được phát hiện nên không thể nói là F0 tăng trong cộng đồng.

Cũng theo BS Khanh, trong thời gian thực hiện giãn cách, phần lớn số F0 được phát hiện từ lây trong gia đình, việc tăng cường biện pháp giãn cách sẽ hạn chế tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng.

Trả lương cho F0 khỏi bệnh tham gia chống dịch

Chiều 2-9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM đã tổ chức cuộc họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố.

Tại cuộc họp báo, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết tính đến ngày 1-9, TP HCM có 116.337 trường hợp được xuất viện. Những trường hợp này sau khi khỏi bệnh có kháng thể trong cơ thể nên có thể miễn nhiễm tạm thời với virus này. Do đó, TP HCM trân trọng mời những trường hợp F0 sau khi khỏi bệnh có thể ở lại chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện. Thành phố có thể trả lương một phần để họ tham gia. Theo đó, Sở Y tế có kế hoạch, ngay sau khi các ca bệnh xuất viện được 1 tuần hay 1 tháng, sẽ đánh giá lại nồng độ kháng thể để phân bổ những vị trí phù hợp. Lực lượng này có thể hỗ trợ ngành y tế như hướng dẫn, vệ sinh, khử khuẩn... để nhân viên y tế có thể tập trung công tác chuyên môn.

Trả lời về việc đến ngày 6-9 giấy đi đường có hiệu lực hay không, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu - Công an TP HCM, cho biết tùy theo quyết định, chủ trương của thành phố sau ngày 6-9 sẽ thực hiện công tác giãn cách như thế nào, nếu tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách thì Công an thành phố cũng có phương án để thuận tiện nhất trên tinh thần không làm phiền hà cho người dân.

Về việc kiểm tra, kiểm soát có sử dụng mã QR để quét tại các chốt, trạm, theo thượng tá Lê Mạnh Hà, về cơ bản cầm điện thoại tiếp xúc gần để quét mã cũng có nguy cơ lây nhiễm nhưng nguy cơ lây từ công an cho người dân có vẻ không cao. "Anh em khi tác nghiệp cũng sát khuẩn, đeo khẩu trang" - thượng tá Hà nói.

Cũng tại cuộc họp báo, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam cho biết thêm trong 2 ngày 30 và 31-8, các trạm y tế lưu động đã thực hiện test nhanh mẫu hộp cho 542 shipper, trong đó phát hiện 7 trường hợp dương tính. Ngày 1-9, xét nghiệm 2.898 shipper thì có 27 trường hợp dương tính và trong ngày 2-9 xét nghiệm 3.291 shipper thì có 30 trường hợp dương tính. Công tác xét nghiệm rất hiệu quả khi đã phát hiện nhiều ca dương tính.

H.Yến

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo