Vừa hoàn thành chuyến xe lúc 10 giờ trưa, chị Nguyễn Thị Thanh - tiếp viên, cũng là chủ xe chạy tuyến số 24 (Bến xe Miền Ðông - Hóc Môn) - thở dài nói từ lúc xuất bến đến khi về bến, xe chỉ đón được 26 khách, thu về vài chục ngàn đồng, chẳng thấm vào đâu.
Không còn quỹ để "cứu" xã viên
Theo chị Thanh, để "nuôi" chiếc xe 80 chỗ này, mỗi tháng chị phải bỏ ra 45 triệu đồng - vừa trả nợ ngân hàng (vay mua xe) vừa trả lương cho tài xế rồi đổ dầu, sửa chữa xe... Ðể tiết kiệm chi phí, 2 tháng nay, chị phải theo xe làm tiếp viên thay vì thuê tiếp viên như trước. "Khó khăn như thế nhưng 2 tháng nay, tiền tạm ứng trợ giá chưa được rót xuống nên xã viên càng khó khăn hơn. Như tôi còn đỡ vì tự làm tiếp viên, có công việc khác bù đắp vào chứ nhiều chủ xe khác phải vay mượn khắp nơi để có tiền trả nợ ngân hàng, lãi vay và trả lương cho tiếp viên, tài xế" - chị Thanh kể.
Ông Nguyễn Thái Trung, chủ xe chạy tuyến số 56 (Bến xe Chợ Lớn - Đại học Giao thông Vận tải), buồn rầu nói hơn 3 tháng xe nằm bãi do dịch Covid-19, xã viên mất thu nhập nhưng vẫn phải chạy vạy để trả nợ ngân hàng. Từ ngày 1-10 đến nay, xe buýt hoạt động lại nhưng rất vắng khách, trung bình chỉ 10 - 15 hành khách/chuyến, giảm 70% so với trước. "Còn nhớ trước khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, hằng tháng tôi có thể vay mượn tiền ký quỹ của HTX Vận tải xe buýt Quyết Thắng để đổ dầu, sửa xe… Tuy nhiên, 2 tháng nay, không thể vay mượn được tiền ký quỹ, tôi phải vay mượn khắp nơi để chuẩn bị đến kỳ trả nợ ngân hàng. Nếu cứ như thế này, coi bộ khó có thể cầm cự" - ông Trung lo lắng.
Chia sẻ khó khăn của các xã viên, đại diện HTX Vận tải xe buýt Quyết Thắng cho biết đúng là tiền ký quỹ của HTX đang âm, không có khả năng hỗ trợ xã viên nữa. Khó khăn lớn nhất, theo vị đại diện này, là sắp đến kỳ trả nợ ngân hàng, nếu xã viên không có tiền trả nợ, lố ngày, ngân hàng sẽ phạt và ghi vào "nợ xấu". "Trước tình thế cấp bách này, để hỗ trợ xã viên, chúng tôi kêu gọi người nhà xã viên ai có tiền nhàn rỗi cho HTX vay mượn với lãi suất 14%/năm để chúng tôi tạm ứng cho xã viên trả nợ ngân hàng nhưng xem ra cũng không khả thi" - đại diện HTX Vận tải xe buýt Quyết Thắng nói.
Cho rằng việc chậm tạm ứng tiền trợ giá từ đầu năm đến nay ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xe buýt, ông Phùng Ðăng Hải, Giám đốc Liên hiệp HTX Vận tải thành phố, cho biết từ năm 2021 về trước, theo hợp đồng nguyên tắc về cung ứng sản phẩm dịch vụ xe buýt thì đầu tháng, các đơn vị vận tải sẽ được tạm ứng tiền trợ giá để trang trải chi phí nhiên liệu, lương tài xế, trả nợ ngân hàng… Ðến khi có hợp đồng chính thức thì sẽ quyết toán lại, thường khoảng tháng 6 mới hoàn tất thủ tục ký hợp đồng đặt hàng chính thức. Thế nhưng, từ năm 2022 đến nay, các đơn vị vận tải chưa nhận được tiền tạm ứng như trước đây khiến nhiều xã viên rơi vào tình cảnh khó khăn bởi tiền bán vé hằng ngày thu được từ hành khách đang giảm khoảng 80% so với trước khi có dịch.
Để bảo đảm hoạt động xe buýt trong thời gian tới, nhiều đơn vị như Liên hiệp HTX Vận tải thành phố, HTX Vận tải 19-5, HTX Vận tải xe buýt Quyết Thắng, HTX Vận tải số 28, Công ty CP Xe khách Sài Gòn… cùng ký đơn kiến nghị gửi Sở Giao thông vận tải (GTVT) và Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM. "Chúng tôi kiến nghị xem xét, tiếp tục thực hiện chính sách tạm ứng tiền trợ giá cho hoạt động xe buýt như năm 2021" - ông Phùng Ðăng Hải nói.
Hành khách đi xe buýt ở TP HCM thưa thớt cộng với tiền trợ giá chưa được tạm ứng đã khiến nhiều xã viên điêu đứng
Muốn chi tiền, phải ký hợp đồng chính thức
Lý giải về nguyên nhân các đơn vị vận tải chưa nhận được tiền tạm ứng như mọi năm, bà Nguyễn Thị Dạ Thảo, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM, cho biết theo quy định hiện hành, các bên phải hoàn tất hợp đồng chính thức mới được đơn vị cấp phát chi tạm ứng, thanh toán. Hiện nay, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cố gắng đẩy nhanh công tác thẩm định, phê duyệt dự toán, ký hợp đồng để tạm ứng, thanh toán cho các đơn vị vận tải.
Thông tin thêm về quy trình tạm ứng, thanh toán, trợ giá, đại diện Sở GTVT TP HCM cho biết trước khi ký hợp đồng chính thức thì Trung tâm Quản lý giao thông công cộng sẽ gửi dự thảo hợp đồng đến các đơn vị vận tải. Sau đó trung tâm sẽ tổng hợp ý kiến và gửi dự toán từng tuyến cho các đơn vị vận tải để tiến hành ký hợp đồng đặt hàng. Thông thường, nhanh nhất cũng mất khoảng 15 ngày để hoàn tất việc ký hợp đồng. "Sở GTVT đã nhận được kiến nghị của các đơn vị vận tải nên yêu cầu trung tâm đẩy nhanh tiến độ ký hợp đồng đặt hàng trong tuần này và tuần sau. Sau khi có hợp đồng sẽ gửi sớm cho Kho bạc để chi tiền tạm ứng, thanh toán cho các đơn vị vận tải" - đại diện Sở GTVT TP HCM cho biết.
Cũng theo đại diện Sở GTVT TP HCM, từ ngày 1-3, xe buýt khôi phục lại 70% - 80% số tuyến theo kế hoạch đặt ra. Việc khôi phục dần các tuyến xe buýt sẽ giúp tăng dần lượng khách vì giảm thời gian chờ đợi cũng như tăng tính kết nối giữa các tuyến, giảm áp lực cho chủ xe. Riêng khoản chi phí do giá xăng dầu tăng trong thời điểm này vẫn sẽ được tính vào tiền trợ giá như các năm.
Nghe chủ xe than mà não lòng!
8 giờ ngày 3-3, chúng tôi đón tuyến xe buýt Bến Thành - Ðại học Nông Lâm để đến Khu Công nghệ cao (TP Thủ Ðức, TP HCM). Ghi nhận cho thấy suốt hành trình tuyến khoảng 1 giờ, chỉ có 10 khách lên xe.
Trên xe, tài xế cho biết tuy lượng khách đã bắt đầu tăng nhẹ nhưng với 10 khách/chuyến thì chủ xe cũng lỗ vì không có doanh thu. Cũng theo tài xế này, hơn 2 tháng nay, do xe buýt chưa chạy đủ số chuyến nên tài xế như anh chạy 1 ngày nghỉ 2 ngày, tiền lương mỗi tháng cũng giảm hơn 50%. "Tuy thu nhập của tài xế giảm nhưng mỗi lần nhận lương từ chủ xe là mỗi lần tôi não lòng, vì chủ xe liên tục than thở trước việc phải chạy vạy khắp nơi để có tiền trả cho tài xế và tiếp viên" - tài xế xe buýt bộc bạch.
Bình luận (0)