xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhiều khu đô thị "quên" làm trường

ĐÔNG HỒ

Nhiều chủ đầu tư chỉ xây chung cư mà "quên" xây trường khiến Hà Nội thiếu trường, thiếu lớp khá trầm trọng

Những ngày qua, tình trạng phụ huynh xếp hàng, "vạ vật xuyên đêm" tại một số trường ở Hà Nội để nộp hồ sơ, nhập học cho con vào lớp 10 diễn ra thường xuyên.

Nhiều khu đô thị quên làm trường - Ảnh 1.

Nhiều phụ huynh ở Hà Nội “xếp hàng nộp hồ sơ nhập học cho con vào lớp 10. Ảnh: HỮU HƯNG

Điệp khúc cũ

Hà Nội hiện có khoảng 2,3 triệu học sinh, đông nhất cả nước, chiếm tới 1/10 tổng số học sinh cả nước nhưng trường, lớp học công lập lại thiếu khá nhiều.

Bà Nguyễn Thị Hoa (trú quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) cho biết con trai bà được 39 điểm (tính ra trung bình 7,8 điểm/môn) trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua nhưng sáng 5-7, bà đến Trường THPT Tạ Quang Bửu theo lịch tuyển sinh của trường (bắt đầu 8 giờ sáng nhận hồ sơ) thì nhà trường thông báo dừng tiếp nhận hồ sơ. Nguyên nhân là do nhiều phụ huynh xếp hàng xuyên đêm và khi bắt đầu tiếp nhận hồ sơ, nhà trường buộc phải tiếp nhận hồ sơ đủ điều kiện trúng tuyển theo số thứ tự mà các phụ huynh tự đưa ra khi xếp hàng.

Nhiều khu đô thị quên làm trường - Ảnh 3.

Nhiều phụ huynh ở Hà Nội “vạ vật” nộp hồ sơ nhập học cho con vào lớp 10. Ảnh: HỮU HƯNG

Ở trường THPT Hoàng Cầu (quận Đống Đa), rạng sáng 5-7, hàng trăm phụ huynh "bịt kín" cổng mong giành được một suất nộp hồ sơ vào lớp 10 cho con. Nhiều phụ huynh còn có mặt từ lúc 18-19 giờ tối 4-7, mang theo ghế, nước uống, các phụ huynh tự ghi danh sách theo thứ tự người đến trước để sáng hôm sau tiếp tục túc trực chờ đến giờ trường mở cổng.

Tình trạng trên cũng diễn ra ở nhiều trường khác, như: THPT Phan Huy Chú, THPT Tạ Quang Bửu, THCS&THPT Lương Thế Vinh…

Việc thiếu trường công đã kéo dài nhiều năm nay ở Hà Nội, cứ mỗi độ tuyển sinh là nhiều phụ huynh có con lên lớp 1, lớp 6 và lớp 10 lại "mòn mỏi" xếp hàng xuyên đêm để nộp hồ sơ nhập học cho con. Nguyên nhân chính là do dân số tăng nhanh nhưng trường học được xây mới lại ít.

Thực trạng này diễn ra tại hầu hết các quận, điển hình là tại phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai). Do tốc độ đô thị hóa quá nhanh, phường này hiện có khoảng 90.000 dân nhưng chỉ có 7 trường công lập từ mầm non đến THPT. Lãnh đạo phường Hoàng Liệt cho biết trung bình mỗi năm, phường này có thêm 2.000 công dân chào đời, cùng với việc nhiều chung cư cao tầng được đưa vào sử dụng khiến sức ép lên hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục cực lớn.

Nhiều khu đô thị quên làm trường - Ảnh 4.

Phụ huynh ở Hà Nội mệt mỏi xếp hàng hồ sơ nhập học cho con vào lớp 10. Ảnh: HỮU HƯNG

Chính quyền và ngành giáo dục địa phương phải gồng mình để lo việc học hành cho các em. Để giải quyết tình trạng này, quận Hoàng Mai phải chấp nhận tình trạng vượt sĩ số và diện tích/m2 theo quy định, có năm còn phải bốc thăm để giành suất học. Ngoài ra, nhiều trường phải xoay tua, học cả ngày thứ bảy, chủ nhật, dù biết như vậy sẽ đảo lộn sinh hoạt của nhiều gia đình, chất lượng khó lòng bảo đảm. Hiện phường Hoàng Liệt đang thiếu khoảng 8 trường công từ mầm non đến THCS.

Về tình trạng thiếu trường, thiếu lớp công lập, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhận định "Hà Nội là điển hình" của vấn đề này. "Trong quá trình phát triển với dân cư tăng rất nhanh, nhất là gia tăng dân số cơ học, nên phần lớn lúc nào chúng ta cũng thấy thiếu trường, thiếu lớp" - Bí thư Đinh Tiến Dũng nói.

Nhiều khu đô thị quên làm trường - Ảnh 5.

Nhiều phụ huynh ở Hà Nội “vạ vật” nộp hồ sơ nhập học cho con vào lớp 10. Ảnh: HỮU HƯNG

Bắt buộc xây trường trước

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP Hà Nội, cho hay thời gian tới, Hà Nội sẽ tuyển sinh theo hình thức trực tuyến, khi đó sẽ góp phần giảm vất vả của các phụ huynh. Ngoài ra, Sở GD-ĐT TP Hà Nội cũng đã làm việc với các sở, quận, huyện liên quan để bàn phương án thu hồi các dự án "treo" để dành quỹ đất xây dựng các trường công lập.

Ghi nhận cho thấy dù thực tế thiếu trường, thiếu lớp ở tất cả các cấp học diễn ra nhiều năm nhưng trên địa bàn Hà Nội lại đang tồn đọng nhiều diện tích đất bỏ hoang, nhiều dự án "đắp chiếu" chưa bị thu hồi; có những ô đất được quy hoạch để xây trường nhưng các chủ đầu tư lại "quên" thực hiện.

Ban Văn hóa - Xã hội thuộc HĐND TP Hà Nội nhận định qua khảo sát, một số dự án đầu tư xây dựng trường học trong các khu đô thị, khu nhà ở tại các quận đã được chủ đầu tư chuyển nhượng cho các nhà đầu tư thứ cấp để triển khai xây dựng nhưng tiến độ rất chậm. Đặc biệt, những ô đất dành xây dựng trường học chủ yếu là để mở các trường tư thục và không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con em theo học, dẫn đến các trường công trên địa bàn luôn quá tải học sinh.

Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định quá trình quản lý vừa qua có những vấn đề bất cập ngay trong nội tại của Hà Nội. Nhiều dự án đầu tư xây dựng khu đô thị 10-15 năm, dân cư ở ổn định rồi nhưng các quy hoạch, cơ sở về công trình xã hội, đặc biệt là trường học được đầu tư rất chậm. Vừa qua, Hà Nội đã quyết định thu hồi một loạt khu đất để làm trường học ở các khu đô thị để tập trung đầu tư theo phương thức đầu tư công hoặc kêu gọi xã hội hóa. Cách như vậy, chúng ta sẽ dần khắc phục được thiếu trường, thiếu lớp.

"Bây giờ những dự án mới, dự án đang triển khai phải yêu cầu xây dựng trường học, bệnh viện trước khi cho người dân vào ở. Không thể để như tình trạng vừa qua được" - Bí thư Đinh Tiến Dũng nêu rõ

Phải tăng 30-35 trường mỗi năm

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, TP hiện có 2.845 trường học ở 30 quận, huyện, thị xã. Theo phân cấp, số trường công lập là 2.254 trường (chiếm 79%), còn lại là trường dân lập. Số trường học trên địa bàn TP sẽ tăng dần theo từng năm. Cụ thể, mỗi năm sẽ tăng từ 30-35 trường học mới đủ chỗ cho các cháu học tập trong giai đoạn hiện nay.

Nghị quyết số 02, ngày 8-4-2022 của HĐND TP Hà Nội xác định TP sẽ triển khai 139 dự án trường học với tổng mức đầu tư 8.873 tỉ đồng. Hiện, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch xây mới 7 trường phổ thông nhiều cấp học "tiên tiến, hiện đại", sẽ được xây dựng từ đầu năm 2024, hoàn thành vào năm 2025 với tổng kinh phí 2.500 tỉ đồng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo