Sáng nay (6-11), kỳ họp thứ 6, Quốc hội (QH) khóa XV bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn, dự kiến kéo dài 2 ngày rưỡi. Do là kỳ họp giữa nhiệm kỳ nên QH không chất vấn theo nhóm vấn đề mà sẽ chất vấn tổng thể, chia theo 4 nhóm lĩnh vực, gồm: kinh tế tổng hợp, kinh tế ngành, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, nội chính, tư pháp, kiểm toán.
Tài chính - ngân hàng "mở màn"
Sau khi Chủ tịch QH Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày báo cáo việc thực hiện một số nghị quyết về chất vấn, giám sát chuyên đề của QH khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4.
Tiếp đến, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí và Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn lần lượt trình bày báo cáo việc thực hiện các nghị quyết về chất vấn, giám sát.
Mở đầu phiên chất vấn là các nội dung liên quan nhóm ngành kinh tế tổng hợp, bao gồm kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng. Lĩnh vực kinh tế ngành - gồm công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường - sẽ được chất vấn thứ hai. Lĩnh vực thứ ba được chất vấn tại kỳ họp này là tư pháp, nội vụ, an ninh trật tự - an toàn xã hội, thanh tra, tòa án, kiểm sát, kiểm toán. Chất vấn cuối cùng là nhóm lĩnh vực khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, văn hóa, thể thao, du lịch, y tế, lao động, thông tin và truyền thông.
Khép lại hoạt động chất vấn, Thủ tướng sẽ dành 70 phút để báo cáo giải trình, làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu QH, trước khi Chủ tịch QH phát biểu bế mạc.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao việc Ủy ban Thường vụ QH tổ chức các buổi làm việc, rà soát các công việc chuẩn bị cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này. Thủ tướng nhấn mạnh đây là việc làm cần thiết nhằm có cách thức tổ chức hiệu quả, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động chất vấn và rộng hơn là hoạt động giám sát tối cao của QH.
Thủ tướng khẳng định mục tiêu của hoạt động chất vấn là nhằm ghi nhận những nội dung đã làm được, chỉ ra những điểm chưa làm được cũng như những bài học kinh nghiệm để làm tốt hơn nữa. Thủ tướng cũng nhắc lại quan điểm của Chủ tịch QH Vương Đình Huệ là qua chất vấn, phải cùng nhau tìm ra giải pháp tốt nhất, phù hợp với tình hình thực tế, bám sát sự lãnh đạo, chủ trương, đường lối của Đảng, để cùng nhau đưa đất nước phát triển.
Các đại biểu Quốc hội kỳ vọng phiên chất vấn sẽ làm sáng tỏ nhiều điều cử tri quan tâm; xác định rõ năng lực, trách nhiệm của bộ trưởng, trưởng ngành. Ảnh: PHẠM THẮNG
Sau chất vấn phải hành động
Đại biểu Tạ Thị Yên, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu - Ủy ban Thường vụ QH, nhìn nhận hoạt động chất vấn luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của cử tri cả nước. Bởi lẽ, đây là một trong những hoạt động giám sát thường xuyên, hữu hiệu của QH nhằm đánh giá việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của người được chất vấn và cơ quan, tổ chức liên quan.
"Chủ tịch QH Vương Đình Huệ từng nhấn mạnh đây là hình thức "giám sát sau giám sát" vì suy cho cùng, điều mà người dân cần chính là kết quả thực hiện. Nếu chỉ chất vấn mà không quay lại làm rõ, đánh giá kết quả, nhất là việc thực hiện lời hứa của các bộ trưởng, trưởng ngành, thì phiên chất vấn chỉ sôi động trong chốc lát. Tôi kỳ vọng việc đổi mới cách thức chất vấn và trả lời chất vấn sẽ làm sáng tỏ nhiều điều cử tri quan tâm; xác định rõ năng lực, trách nhiệm của bộ trưởng, trưởng ngành" - đại biểu Tạ Thị Yên bày tỏ.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường - đánh giá cao điểm mới là khi QH ban hành nghị quyết về chất vấn và giám sát chuyên đề, Ủy ban Thường vụ QH đã yêu cầu các cơ quan của QH giám sát ngay, giám sát thường xuyên thay vì chờ đến giữa nhiệm kỳ. Điều này là cơ sở tốt hơn cho đại biểu QH nhìn nhận, chất vấn các vấn đề.
Cho rằng mục tiêu cuối cùng của hoạt động chất vấn là để những yêu cầu, những vấn đề tồn tại được giải quyết, mang lại hiệu ứng tích cực cho kinh tế - xã hội, giúp cuộc sống của người dân được ấm no, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn nêu kỳ vọng qua phiên chất vấn, QH sẽ đánh giá rõ vấn đề nào đã làm được, vấn đề nào chưa.
"Để tránh dàn trải, có thể thông qua một nghị quyết mới đánh giá lại tất cả nghị quyết khác. Theo đó, những gì đã làm được thì không đưa vào nghị quyết mới và những gì chưa làm được thì tiếp tục đưa vào để giám sát. Khi đó, cử tri cũng dễ theo dõi hơn đối với những lời hứa của các thành viên Chính phủ" - đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề xuất.
Thảo luận kết quả thực hiện chính quyền đô thị tại TP HCM
Tuần này, QH sẽ thảo luận ở hội trường về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành; dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
QH cũng sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024. QH sẽ thảo luận ở tổ về Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; các báo cáo của Chính phủ về sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, TP Đà Nẵng và kết quả 3 năm thực hiện chính quyền đô thị tại TP HCM.
Từ ngày 11 đến hết ngày 19-11, QH nghỉ để các cơ quan của QH, Chính phủ và các cơ quan liên quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo nghị quyết. Ngày 20-11, QH tiếp tục họp đợt 2.
Cần tập trung chất vấn vấn đề "quốc sách"
Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng QH là nơi bàn về "quốc sách" nên cần tập trung chất vấn những vấn đề liên quan lợi ích chung của đất nước, quốc gia, dân tộc. Ông góp ý: "Nếu lấy một vụ việc cụ thể ở một địa bàn cụ thể ra để chất vấn thì chưa hẳn đại biểu khác muốn nghe và trưởng ngành khó nắm hết được. Chất vấn cần đúng tầm, phải làm rõ công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của bộ trưởng, trưởng ngành bởi điều này phản ánh năng lực của các ‘tư lệnh’...".
Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (đoàn TP HCM) quan tâm đến các nghị quyết về lao động, việc làm, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Theo bà, qua các kỳ chất vấn lãnh đạo các bộ, ngành liên quan lĩnh vực này từ đầu nhiệm kỳ đến nay, một số vấn đề đã được giải quyết nhưng vẫn còn nhiều hạn chế.
Cũng theo đại biểu Trần Thị Diệu Thúy, kinh tế gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của người lao động nên đại biểu rất quan tâm vấn đề này trong phiên chất vấn. Đại biểu mong muốn lãnh đạo Chính phủ, các thành viên Chính phủ tìm được giải pháp phát triển kinh tế - xã hội để giải được bài toán về đời sống, việc làm của người lao động. Ngoài ra, còn nhiều vấn đề khác cần được chú trọng, chẳng hạn việc đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu cả về số lượng và chất lượng của thị trường lao động, qua đó giúp tăng năng suất lao động của đất nước; các chính sách giải quyết việc làm cho người lao động...
"Bản thân tôi và cử tri đều mong muốn các bộ trưởng, trưởng ngành, lãnh đạo Chính phủ sẽ có những luận giải thấu đáo, giải trình cụ thể về cả những việc đã làm được lẫn chưa làm được, những khó khăn trong điều hành cũng như trong quá trình giải quyết các vấn đề mà cử tri quan tâm, những vấn đề mà đại biểu đã chất vấn" - bà Trần Thị Diệu Thúy đề nghị.
Bình luận (0)