Mới nhất phải kể đến mô hình phòng chờ xuất viện của Bệnh viện (BV) Hoàn Mỹ Sài Gòn. Mô hình này lần đầu tiên xuất hiện tại các cơ sở y tế ở Việt Nam.
Vừa tiện vừa giảm tải
Nói về phòng chờ xuất viện, PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế, đánh giá hiệu quả nhất là giúp giải phóng nhanh giường bệnh tại các khoa nội trú của BV, góp phần giảm quá tải.
Theo bác sĩ (BS) Nguyễn Hữu Trâm Em, Giám đốc BV Hoàn Mỹ Sài Gòn, với quy trình xuất viện cũ, từ lúc BS khám và cho đến xuất viện phải mất vài giờ. Thực tế, BS cho y lệnh xuất viện đầu giờ buổi sáng thì thường đến trưa hoặc đầu giờ chiều mới xong thủ tục và bệnh nhân (BN) mới ra khỏi BV. "Với thời gian chờ này, BN phải lưu lại tại khoa cấp cứu lâu hơn hoặc ở phòng lưu của khoa khám bệnh. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc BN tại những khoa này, nhất là khoa cấp cứu. Hơn nữa, điều này còn dẫn đến một lượng BN mới phải chờ để có giường nằm điều trị" - BS Em cho biết.
Để giải quyết thực trạng trên, BV Hoàn Mỹ Sài Gòn đã triển khai phòng chờ xuất viện, rộng 50 m2, được trang bị máy lạnh, ghế ngồi, ghế nằm, còn có sách báo để đọc. Đây là khu vực lưu trú những BN đã được BS cho xuất viện. Thay vì nằm trên giường bệnh thì họ đến phòng chờ xuất viện để chờ làm thủ tục. Không chỉ BN được nghỉ ngơi, thân nhân cũng tiện khi làm các thủ tục xuất viện ngay tại khu vực này. Ngoài ra, BN còn được điều dưỡng hướng dẫn cách uống thuốc và tư vấn cách chăm sóc tại nhà. Đáng nói là BN còn tiết kiệm được chi phí tiền giường vì tất cả dịch vụ ở phòng chờ xuất viện đều miễn phí. "Với cách làm này, BN hài lòng, BV cũng giải quyết được tình trạng ùn ứ tại khoa cấp cứu và phòng lưu, góp phần nâng cao chất lượng điều trị" - Giám đốc BV Hoàn Mỹ Sài Gòn đúc kết.
Khám chữa bệnh tại Phòng khám Đa khoa Linh Xuân (trực thuộc Bệnh viện quận Thủ Đức) - một mô hình y tế tiện ích, gần dân
Tiện ích, gần nhà
Nếu BV tư có ý tưởng giảm ùn ứ tại chỗ thì một số BV công cho ra sáng kiến các phòng khám đa khoa (PKĐK) trực thuộc BV, bố trí gần chỗ ở người dân nhưng dịch vụ không khác gì khám tại BV. Chị Mai Phương Liên (43 tuổi, quê Ninh Bình) đang khám đau cơ tại PKĐK Linh Xuân (trực thuộc BV quận Thủ Đức) chia sẻ: "Đây là lần thứ 3 tôi đến khám tại đây. Gần nhà lại rất tiện ích, không phải đợi lâu, BS thân thiện niềm nở". Chị Liên kể nhà chị cách xa BV quận Thủ Đức nên trước đây mỗi lần đi khám rất mất thời gian. Từ khi có PK thuộc BV gần nhà, những lần đi khám bệnh của chị "dễ thở" hơn rất nhiều.
Theo ghi nhận của chúng tôi, đến 16 giờ, PK vẫn còn khá đông BN chờ khám. BS Nguyễn Quang Sơn, Trưởng PKĐK Linh Xuân, cho hay PK cách BV quận khoảng 10 km. Với 60 nhân sự (trong đó 18 BS) được BV quận Thủ Đức đưa xuống, PK đóng vai trò chịu trách nhiệm công tác khám chữa bệnh cho trạm y tế phường gần đó. Mỗi ngày nơi đây sơ cấp cứu 20 BN và tiếp nhận từ 600-800 BN/ngày với nhiều chuyên khoa khác nhau như nội tổng quát, nội tiết, nội tim mạch, ngoại, y học cổ truyền, nhi, sản phụ khoa, tai mũi họng, răng hàm mặt, da liễu, mắt… "Mỗi ngày, chúng tôi khám đến 20 giờ, cấp cứu 24/24, ca nặng sẽ chuyển về BV ngay" - BS Sơn thông tin.
Một điểm sáng y tế gần dân khác được huyện Củ Chi triển khai tại khu vực ngã tư Tân Quy. Theo BS Hồ Hải Trường Giang, Giám đốc BV huyện Củ Chi, khu vực này gồm 6 xã cách khá xa các BV nhưng lại tập trung đông dân cư. Trong khi đó, người dân chưa có thói quen khám sức khỏe định kỳ, khi phát bệnh nặng mới đến cơ sở khám chữa nên công tác điều trị gặp rất nhiều khó khăn. "Người dân rất cần dịch vụ y tế vừa gần vừa bảo đảm chất lượng để chăm sóc sức khỏe được tốt hơn. Đây chính là lý do huyện Củ Chi nâng cấp trung tâm y tế dự phòng thành PKĐK Tân Quy trực thuộc BV" - BS Giang nói.
Theo BS Giang, PK như một BV thu nhỏ với đầy đủ máy móc trang thiết bị mới và điều trị đủ các chuyên khoa. Với 16 BS tham gia khám chữa bệnh mỗi ngày và trực cấp cứu 24/7, bảo đảm chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người dân. Giám đốc BV huyện Củ Chi hồ hởi: "Mới đi vào hoạt động vài tuần nhưng PK đã trở thành địa chỉ tin cậy của người dân trong khu vực với khoảng 180 người đến khám mỗi này. Nơi đây trở thành cánh tay nối dài của BV huyện, thực hiện tốt chủ trương đưa dịch vụ y tế chất lượng đến gần dân hơn. Còn người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế mà không cần phải đi xa và tiết kiệm được chi phí".
"Kéo ngược" bệnh nhân về cơ sở
Từ ngày mô hình "chuỗi phòng khám" ra đời, BV quận Thủ Đức đã kéo giảm số lượt khám tại BV từ trên 6.000 lượt/ngày xuống còn trên 4.000 lượt/ngày. Theo BS Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV quận Thủ Đức, trong thời gian qua, BV đã tuyển dụng bổ sung nhiều BS và điều dưỡng để phân bổ nhân sự tham gia hoạt động khám chữa bệnh theo mô hình "chuỗi phòng khám" của BV.
Bình luận (0)