Dự thảo tiêu chuẩn Nhà ở riêng lẻ - Yêu cầu chung về thiết kế do Viện Kiến trúc Quốc gia biên soạn đã trình Bộ Xây dựng và đang được lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân trên toàn quốc. Trong Dự thảo lần này có một số quy định mới liên quan tới thiết kế, xây dựng mới, cải tạo nhà riêng lẻ đảm bảo các nguyên tắc an toàn phòng chống cháy nổ.
Dự thảo tiêu chuẩn Nhà ở riêng lẻ - Yêu cầu chung về thiết kế có một số quy định mới liên quan tới thiết kế, xây dựng mới, cải tạo nhà riêng lẻ đảm bảo các nguyên tắc an toàn phòng chống cháy nổ.
Theo Bộ Xây dựng, nhà ở riêng lẻ là nhà ở được xây dựng trên thửa đất ở riêng biệt thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập.
Mục tiêu của tiêu chuẩn này nhằm đưa ra những yêu cầu kỹ thuật cơ bản khi thiết kế, kết nối các không gian ở, không gian phụ trợ trong nhà ở riêng lẻ nhằm đảm bảo linh hoạt, thuận tiện trong công năng, đảm bảo các yêu cầu về an toàn sinh mạng, an toàn phòng cháy, chữa cháy cho người sử dụng, đồng thời đạt được sự thống nhất giữa cơ quan tư vấn thiết kế và chủ đầu tư, giúp cơ quan quản lý có cơ sở khi thẩm định, xét duyệt.
Một trong những điểm được quan tâm trong dự thảo là những quy định mới liên quan tới an toàn phòng cháy. Dự thảo quy định yêu cầu thoát nạn như: Nhà ở riêng lẻ sử dụng với mục đích để ở có tối thiểu 1 lối ra thoát nạn tại tầng 1, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh có tối thiểu 2 lối ra thoát nạn. Chiều rộng thông thủy của lối ra thoát nạn tối thiểu 0,8 m, chiều cao thông thủy tối thiểu 1,9 m.
Lối ra tại tầng 1 cần thoát trực tiếp ra ngoài, trường hợp thoát qua gian phòng khác, phải duy trì chiều rộng lối đi và có giải pháp ngăn cháy, ngăn tác động nguy hiểm có thể xuất hiện từ các vật dụng, thiết bị dễ cháy, nổ, nguồn lửa, nguồn nhiệt (ôtô, xe máy...).
Cửa đi trên lối thoát nạn tại tầng 1 cần sử dụng cửa bản lề, hạn chế sử dụng cửa cuốn, cửa trượt". Trường hợp lắp đặt cửa cuốn, cửa trượt phải sử dụng loại cửa có cơ cấu tự thu, mở nhanh, có bộ lưu điện và bộ tời bằng tay để mở khi mất điện hoặc động cơ bị hỏng. Khuyến khích thiết kế lối ra phụ cho phép thoát người ra ngoài khi cửa cuốn không hoạt động.
Khi nhà ở riêng lẻ có 1 lối ra thoát nạn, cần bố trí thêm lối ra thứ 2 qua ban công, lô gia, cửa sổ có mặt ngoài thông thoáng, lối lên mái nhà hoặc bằng thang sắt, ống tụt, thang dây ngoài nhà… để thoát nạn khi cần thiết.
Trường hợp thoát qua ban công, lô gia, phải đảm bảo thông thoáng, không che chắn tạo thành phòng, không nên lắp đặt lồng sát, lưới sắt cố định, gây cản trở việc thoát nạn và cứu người khi xảy ra sự cố. Trường hợp bố trí lồng sắt, lưới sắt cần có ô cửa kích thước tối thiểu 0,8 m x 0,8 m.
Trường hợp không thể bố trí đường thoát nạn, lối ra thoát nạn riêng hoặc lối ra phụ ở tầng 1, thì cần có các khu vực lánh nạn tạm thời ở các tầng tại các vị trí ban công hoặc lô gia được ngăn cách với gian phòng phía trong bằng một mảng tường đặc có chiều rộng không nhỏ hơn 1,2 m, sử dụng các cửa ra vào gian phòng cũng như cửa từ gian phòng ra ban công, lô gia là các cửa bằng vật liệu đặc không cháy hoặc khó cháy, nên sử dụng cửa ngăn cháy loại 2 hoặc loại 3 theo quy định hiện hành, không nên dùng cửa nhựa hoặc cửa nhôm, kính thường, không có khả năng chịu nhiệt.
Nhà có sân thượng thì sân thượng phải bố trí thông thoáng, không được bít kín, đảm bảo yêu cầu thoát người khi có sự cố, cần bố trí lối lên sân thượng từ tầng dưới qua các thang cố định. Cửa ra sân thượng có chiều rộng tối thiểu 0,8 m, chiều cao tối thiểu 1,9 m, bố trí khóa cửa thì phải dễ dàng thao tác mở cửa từ bên trong.
Dự thảo quy định không được xây bít ô thông tầng để không ảnh hưởng đến thoát khói tự nhiên. Đối với nhà không có các ô thông tầng hoặc đã lắp kính, cần thiết kế, lắp đặt các lỗ cửa thoát khói trong nhà thông qua mái nhà hoặc thoát khói trực tiếp ra không gian bên ngoài tại các tầng.
Trong các tầng hầm và tầng nửa hầm, không cho phép bố trí các gian phòng có sử dụng hoặc lưu giữ các chất khí và chất lỏng cháy cũng như các vật liệu dễ bắt cháy, cần có giải pháp ngăn cháy, ngăn khói lan lên tầng trên qua cầu thang bộ, giếng thang máy, trục kỹ thuật của nhà. Các trường hợp đặc biệt cần được cấp phép theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Dự thảo cũng quy định phải trang bị phương tiện hoặc có giải pháp báo cháy tự động cho nhà ở riêng lẻ trong các trường hợp: Nhà ở từ 7 tầng trở lên; tầng hầm/tầng nửa hầm có diện tích từ 200 m2 được sử dụng làm kho chứa đồ, vật phẩm/hàng hóa phục vụ nhu cầu kinh doanh hoặc sử dụng làm chỗ để xe.
Nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh phải tuân thủ các quy định về trang bị hệ thống báo cháy tự động theo quy định tại TCVN 3890.
Bình luận (0)