Ngày 22-11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội (QH) đã thông qua Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi).
Ngăn chặn bỏ trốn
Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam vừa được QH thông qua gồm 8 chương và 52 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020.
Theo điều 36 của luật này, có 9 trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh. Đầu tiên là bị can, bị cáo, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà cơ quan kiểm tra xác minh có căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ theo quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự. Các trường hợp tiếp theo có liên quan đến việc chấp hành án phạt tù, người có nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, người phải thi hành án dân sự…
Quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam cũng nêu rõ người nộp thuế, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế sẽ bị hoãn xuất cảnh.
Đáng chú ý, luật này đã đưa ra các quy định tạm hoãn xuất cảnh để ngăn chặn ngay việc bỏ trốn của những người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng. Đối với những trường hợp này, người đứng đầu cơ quan thanh tra, kiểm tra trung ương có thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh.
Làm rõ thêm, ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của QH, nhấn mạnh người đang bị thanh tra, kiểm tra, xác minh không thuộc các giai đoạn của tố tụng hình sự nên phải căn cứ vào mức độ vi phạm đặc biệt nghiêm trọng để tạm hoãn xuất cảnh, nếu không sẽ ảnh hưởng đến quyền của nhiều công dân.
Những trường hợp mà cơ quan chức năng có căn cứ cho rằng việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh cũng sẽ bị áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Thời gian tạm hoãn xuất cảnh từ 6 tháng đến 1 năm, tùy từng trường hợp có thể gia hạn thêm. Luật Xuất cảnh, nhập cảnh cũng nêu rõ công dân Việt Nam có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện, yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật, nhất là khi bị tạm hoãn xuất cảnh trái quy định của pháp luật.
Đối với Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Ủy ban Thường vụ QH khẳng định sẽ đẩy mạnh phân quyền, phân cấp hợp lý giữa Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương; đồng thời, phân cấp mạnh mẽ giữa các cấp chính quyền địa phương để tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực. Luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-6-2021.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương cho rằng bằng một mệnh lệnh hành chính mà điều chuyển quỹ phòng chống thiên tai của địa phương về quỹ trung ương là chưa hợp lýẢnh: Minh Phong
Tránh thất thoát, lãng phí các quỹ
Cùng ngày, QH đã thảo luận nhiều nội dung trong dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Trong đó, nội dung thành lập Quỹ Phòng, chống thiên tai ở trung ương trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) nhận được nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu (ĐB). Cụ thể, dự thảo quy định: "Bổ sung Quỹ Phòng, chống thiên tai ở trung ương do Bộ NN-PTNT quản lý để tiếp nhận nguồn hỗ trợ nhân đạo, phi chính phủ từ quốc tế kịp thời, đúng quy định".
Tán thành nội dung này song ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhấn mạnh cơ chế kiểm tra, giám sát quỹ để phát huy hiệu quả. Bởi thực tế thời gian qua, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách đã phát sinh tình trạng thu, chi khó kiểm soát, không phát huy được hiệu quả.
"Từ thực tế đó, chúng ta cần có quy định chặt chẽ để không phát sinh thất thoát, lãng phí, tiêu cực" - ĐB Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) băn khoăn: Nếu thành lập quỹ này có thể chồng chéo với nhiệm vụ của Hội Chữ thập đỏ là đầu mối trong quản lý, tiếp nhận nguồn viện trợ nhân đạo?
Góp ý về nội dung này, ĐB Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) cho rằng nguồn thu của quỹ phòng, chống thiên tai ở địa phương phụ thuộc nhiều vào đóng góp của người dân, doanh nghiệp nên việc bằng một mệnh lệnh hành chính mà điều chuyển quỹ của địa phương về quỹ trung ương là chưa hợp lý. ĐB tỉnh Vĩnh Phúc Lưu Văn Long cũng cho biết qua đánh giá kết quả hoạt động của các quỹ phòng chống thiên tai cấp tỉnh cho thấy có nhiều bất cập, chủ yếu sử dụng nguồn dự phòng ngân sách bố trí hằng năm.
"Dự thảo bổ sung quy định về Quỹ Phòng chống thiên tai ở trung ương thì việc sử dụng quỹ này như thế nào, điều tiết ra sao, cần có thêm đánh giá tác động" - ĐB Lưu Văn Long nêu quan điểm.
Miễn nhiệm chức bộ trưởng đối với bà Nguyễn Thị Kim Tiến
Cùng ngày, QH nghe báo cáo kết quả thảo luận tại đoàn về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bà Nguyễn Thị Kim Tiến. Sau đó, các ĐBQH đã bỏ phiếu kín phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc miễn nhiệm này. Báo cáo kết quả kiểm phiếu, Trưởng Ban kiểm phiếu Bùi Văn Cường cho biết có 424 phiếu đồng ý miễn nhiệm trên tổng số 454 phiếu hợp lệ, còn 30 phiếu không đồng ý. Với kết quả này, QH tiếp tục thông qua nghị quyết về việc miễn nhiệm đối với bà Tiến. Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết QH có mời bà Tiến đến dự nhưng do bận việc, bà Tiến xin vắng mặt.
Cũng về công tác nhân sự, với 456 phiếu hợp lệ tán thành (94%), QH đã miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đối với ông Nguyễn Khắc Định. QH thông qua nghị quyết miễn nhiệm đối với ông Định. Trước đó, Bộ Chính trị phân công ông Nguyễn Khắc Định tham gia Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, nhiệm kỳ 2015-2020.
Bình luận (0)