Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào việc đạt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cũng như kiểm soát, hạn chế tác động của dịch Covid-19. Tuy nhiên, còn xảy ra vi phạm trong đấu thầu, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công ở một số cơ quan, đơn vị.
Trình bày báo cáo thẩm tra, bà Phạm Thúy Chinh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, nêu thực trạng mua sắm hàng hóa, trang thiết bị, vật tư không đúng quy định, vượt nhu cầu, dẫn đến không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả, gây lãng phí ngân sách nhà nước. Trong phòng chống dịch Covid-19, còn có vi phạm pháp luật về quản lý, nghiên cứu, ứng dụng khoa học; đấu thầu, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công. Điểm lại vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Công ty CP Công nghệ Việt Á và một số cơ quan, địa phương thời gian qua, bà Phạm Thúy Chinh nhấn mạnh các vụ việc đã gây thất thoát, lãng phí kinh phí, tài sản công, gây bức xúc trong nhân dân.
Ông Đỗ Đức Lưu, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nam Định, vừa bị bắt vào ngày 25-4 do liên quan đến hợp đồng mua kit test xét nghiệm của Công ty CP công nghệ Việt Á
Liên quan đến mua sắm kit xét nghiệm Covid-19, ông Lê Sỹ Bảy, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, cho biết Thanh tra Chính phủ đã, đang triển khai thanh tra tại Bộ Y tế, TP Hà Nội, TP HCM và hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thanh tra theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Dự kiến trong tháng 5, Thanh tra Chính phủ sẽ báo cáo Chính phủ về chuyên đề này. "Bước đầu, Thanh tra Chính phủ phát hiện một số dấu hiệu vi phạm pháp luật trong mua sắm trang thiết bị y tế, kit xét nghiệm, sinh phẩm phòng chống dịch Covid-19" - ông Bảy thông tin.
Về các vụ việc doanh nghiệp lách luật để phát hành trái phiếu, thao túng thị trường chứng khoán, gây thiệt hại cho nhà đầu tư và lãng phí nguồn lực trong dân, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Ủy ban Kinh tế phải giám sát. Giải trình thêm, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết nhằm bịt các lỗ hổng pháp lý, Chính phủ đang sửa đổi Nghị định 153 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. "Bộ Tài chính đã ban hành 3 văn bản yêu cầu thanh tra các nội dung liên quan. Vừa qua, các cơ quan chức năng cũng có động thái xử lý nghiêm một số vụ việc để làm thị trường trong sạch, đi vào nền nếp" - ông Hồ Đức Phớc nói.
Với việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia, trong đó có xử lý 12 dự án yếu kém của Bộ Công Thương và nội dung liên quan đến quy hoạch "treo", Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy cho hay các bộ, ngành đang thanh tra và Chính phủ đã, đang tháo gỡ khó khăn. Thanh tra Chính phủ cũng đã thành lập 4 đoàn kiểm tra việc thực hiện xử lý sau thanh tra ở TP Hà Nội, TP HCM, TP Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa; đang tổng hợp để báo cáo Chính phủ. Tuy nhiên, hiện các cơ quan đang gặp vướng mắc về cơ chế, chính sách trong xử lý một số dự án như Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 hay xử lý sau thanh tra tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP HCM).
Bình luận (0)