Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 20, sáng 15-2, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Quang cảnh phiên thảo luận về dự án Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)
Về lí do bỏ "tổ chức" khỏi khái niệm người tiêu dùng như Luật hiện hành, theo lí giải của Chính phủ, trong suốt 10 năm tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, số lượng các tổ chức có khiếu nại, khiếu kiện đến các cơ quan nhà nước là rất ít. Bên cạnh đó, người tiêu dùng là tổ chức có nhiều điều kiện tốt hơn so với người tiêu dùng là cá nhân khi thực hiện giao dịch mua, bán và giải quyết tranh chấp. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy pháp luật nhiều nước chỉ tập trung điều chỉnh đối tượng người tiêu dùng là cá nhân.
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, cho biết về khái niệm người tiêu dùng (khoản 1, Điều 3), Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề xuất 2 phương án tiếp thu như trong dự thảo Luật để xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội:
Phương án 1: Giữ như Luật hiện hành, đồng thời bổ sung nội dung "và không vì mục đích thương mại", cụ thể như sau: "Người tiêu dùng là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức và không vì mục đích thương mại".
Phương án 2: Giữ như dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội, cụ thể như sau: "Người tiêu dùng là cá nhân mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình và không vì mục đích thương mại".
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thống nhất theo Phương án 1.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu
Phát biểu thảo luận sau đó về khái niệm người tiêu dùng, nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng thuận với phương án mà Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường lựa chọn, đó là Phương án 1.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhất trí với phương án giữ nguyên như Luật hiện hành, đồng thời bổ sung nội dung "và không vì mục đích thương mại". Theo đó, sau khi bổ sung, khái niệm người tiêu dùng như sau: "Người tiêu dùng là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức và không vì mục đích thương mại".
Lý giải quan điểm trên, Tổng thư ký Quốc hội cho biết về nguyên tắc, người là cá nhân nhưng trong nhiều trường hợp, người có thể là cả tập thể và cá nhân.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cũng tán thành với loại ý kiến quy định khái niệm người tiêu dùng là có cả tổ chức. Theo bà Lê Thị Nga, phương án này sẽ tạo được cơ chế bảo vệ nhanh chóng, hiệu quả khi xảy ra các trường hợp số đông người tiêu dùng bị thiệt hại do vi phạm từ phía nhà sản xuất kinh doanh, nhất là các trường hợp như nhà trẻ, trường học, doanh nghiệp mua hàng tiêu dùng như trẻ em, học sinh cho công nhân…
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng thống nhất với quan điểm của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Theo đó theo quan điểm giữ như quy định hiện hành; đồng thời cho rằng không vì quá trình thực thi ít hay tổ chức có khả năng tự bảo vệ tốt hơn cá nhân mà loại bỏ đối tượng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu
Về các vấn đề xin ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết đối với khái niệm, Luật hiện hành đang quy định khái niệm người tiêu dùng gồm cả cá nhân và các tổ chức. Do đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng khi thay đổi quy định này cần đánh giá kĩ hơn về đặc thù của Việt Nam, thực tiễn áp dụng pháp luật của Việt Nam. Trong bối cảnh pháp luật đang bảo vệ cả tổ chức và cả cá nhân mà quyền lợi người tiêu dùng còn bị xâm phạm thì việc đề xuất bỏ đi một chủ thể quan trọng và rất khá phổ biến đối với Việt Nam thì có nên hay không? Theo đó, cần làm rõ căn cứ để lựa chọn, thực tiễn thi hành pháp luật theo đặc thù của Việt Nam, tính hiệu quả và khả thi, bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng và thúc đẩy phát triển một cách lành mạnh kinh tế - xã hội của đất nước.
Từ những phân tích trên, Chủ tịch Quốc hội cho biết thiên về phương án trình Quốc hội xem xét để chấp nhận quy định như hiện hành.
Bình luận (0)