Chuyến khảo sát này do Sở Công Thương TP HCM tổ chức, nằm trong chương trình lớn hơn là đưa nông sản toàn vùng phục vụ thị trường TP HCM và phát ra các chương trình kết nối sản xuất - tiêu thụ, phục vụ nhu cầu nội địa, chế biến sản phẩm xuất khẩu... từ kinh nghiệm của chính doanh nghiệp.
Nghẽn đầu ra nông sản không phải là câu chuyện mới, bởi vấn đề này đã diễn ra cả 20 năm qua. Nay nó mang tính thời sự vì đã tăng mức độ nghiêm trọng từ việc Trung Quốc khắt khe hơn khi nhập qua biên mậu và thêm "đòn bồi" từ những khó khăn do dịch Covid-19. Thanh long giá rẻ như cho, tồn cả trăm ngàn tấn; dưa hấu chín rục trên đồng trong khi nông dân cần tiền lo Tết nhưng không bán được; cam bán "xô" trải đầy chợ cóc... đang diễn ra hằng ngày. Người mua được giá rẻ thì vui nhưng sau đó cũng không giấu được lòng trĩu nặng, vì mình vui được một đồng thì người nông dân lại khổ thêm mấy bận.
Trong bối cảnh này, chúng ta cũng thấy hàng loạt địa phương tổ chức dồn dập các hội nghị xúc tiến tiêu thụ nông sản, tổ chức "giải cứu" hàng tồn đọng... Nhưng các hội nghị này cũng na ná như những hội nghị trước đây. Lãnh đạo địa phương vẫn kêu gọi thay đổi tập quán canh tác, sản xuất tập trung, kết nối doanh nghiệp chế biến, không phụ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch, tập trung xuất khẩu chính ngạch...
Về mặt chủ trương thấy rất đúng nhưng tất cả giải pháp trên đều nằm ngoài tầm với của người nông dân. Họ không đủ đất để sản xuất lớn, không đủ tiền để đầu tư công nghệ, không đủ lực để tự xuất khẩu... Họ phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái, vào doanh nghiệp gián tiếp nên rủi ro luôn tác động lên họ nặng nề nhất.
Nhìn vào con số xuất khẩu của ngành nông nghiệp năm qua hơn 50 tỉ USD rất hấp dẫn, song chỉ đủ an ủi trong tình hình khó khăn hiện nay chứ không phản ánh được thế mạnh vốn có của một quốc gia với gần 100 triệu dân mà đến hơn 65% dân số sống ở nông thôn. Trong khi đó, ngành nông nghiệp lại luôn tồn tại những khuyết điểm như sản xuất nhỏ lẻ, phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, vật tư hầu hết phải nhập khẩu, không chinh phục được thị trường nội địa...
Bài toán nông nghiệp rất nặng nề và phải được giải quyết bằng những chiến lược cấp quốc gia với sự đầu tư đúng tầm và quyết tâm triệt để. Khác với câu chuyện làm là thấy lợi tức thì như xây dựng khu công nghiệp, bán đất, quy hoạch phát triển cao tốc BOT... đầu tư cho nông nghiệp cần thời gian thẩm thấu vào từng địa phương, từng ngành nghề, thậm chí từng người nông dân.
Đừng kỳ vọng lợi ích của nông nghiệp như kiểu "thóc tươi, tiền thật" chảy vào ngân sách hằng năm. Hãy nhìn xa hơn để thấy rằng tạo dựng một nền nông nghiệp tốt thì sẽ có được sự ổn định về dân cư, có được một hậu phương vững chắc để phát triển kinh tế - xã hội toàn diện.
Bình luận (0)