Hiện nhiều cánh rừng thông 3 lá hơn 20 năm tuổi tại Thị trấn Nam Ban (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) liên tiếp bị chặt phá để chiếm đất. Các đối tượng còn lợi dụng đêm tối, đưa cả phương tiện cơ giới ủi đường, đốt hàng chục khối gỗ để phi tang.
Clip: Phá rừng thông 3 lá hơn 20 năm tuổi ở huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) để lấn chiếm đất
Tại tiểu khu 263B, lâm phần thuộc Ban quản lý rừng nguyên liệu giấy Lâm Hà quản lý thuộc địa giới hành chính thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), cơ quan chức năng phát hiện hơn 40 cây thông 3 lá trên 20 năm tuổi bị cưa hạ sát gốc, chôn sâu dưới đất để phi tang nhằm lấn chiếm đất lâm nghiệp.
Tại tiểu khu 263B có đến 3 điểm rừng bị phá trong vòng hơn 2 tháng đầu năm 2022.
Tại hiện trường, hàng loạt cây thông có đường kính từ 30 đến 40 cm bị cưa hạ, cắt thành từng lóng, đốt cháy hoặc chuẩn bị đưa ra khỏi rừng. Phần gốc thì các đối tượng lấp đất hoặc dùng lá thông khô che lấp lên trên bề mặt nhằm che mắt cơ quan chức năng.
Không những thế, các đối tượng phá rừng dùng xe máy múc tạo thành bờ taly, ranh ngang dọc trong rừng để xí phần lấn chiếm đất lâm nghiệp.
Thông bị các đối tượng cưa hạ la liệt để chiếm đất lâm nghiệp.
Qua quá trình kiểm đếm, lực lượng chức năng xác định có khoảng 10,470 m3 gỗ thông bị thiệt hại trên diện tích hơn 1.300 m2 đất lâm nghiệp. Đặc biệt, sau khi lực lượng chức năng bắt quả tang đưa chiếc máy múc tang vật phá rừng về trụ sở phục vụ công tác điều tra thì các đối tượng phá rừng lại quay lại hiện trường đốt gỗ phi tang.
Hàng loạt cây thông có đường kính từ 30 đến 40 cm bị cưa hạ.
Ông Vương Hoàng Trụ, Phó giám đốc Công ty CP Tập đoàn Tân Mai, chi nhánh huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), cho biết: "Tại tiểu khu 263 này từ đầu năm 2022 đến nay đã xảy ra 3 vụ phá rừng, lấn chiếm đất bằng rất nhiều hình thức và thủ đoạn tinh vi như: bơm thuốc độc hủy hoại cây làm cho cây thông bị ngộ độc chết từ từ hoặc dùng cưa máy cắt sát gốc rồi dùng đất và lá khô che đậy. Các đối tượng phá rừng lấn chiếm đất này thực hiện chủ yếu vào đêm khuya với nhiều thủ đoạn khác nhau nhằm đối phó, gây khó khăn cho lực lượng quản lý bảo vệ rừng".
Các đối tượng phá rừng sẽ múc gốc thông rồi chôn xuống đất để phi tang.
Theo tìm hiểu, người dân địa phương cho biết giá đất tại khu vực thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà tăng cao trong thời gian qua. Khoảng 1.000 m2 (1 sào) đất tại khu vực này có giá lên đến hơn 1 tỉ đồng, chính vì vậy, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trở nên nóng và nhức nhối hơn bao giờ hết.
Sau khi phá rừng, các đối tượng dùng máy múc mở đường đi vào để lấn chiếm đất lâm nghiệp.
Bình luận (0)