Trước đó, VNR gây dậy sóng khi đề xuất mua lại 37 toa xe tự hành DMU của Nhật Bản, đã khoảng 40 "tuổi", để đưa vào khai thác. Khi được Chính phủ yêu cầu báo cáo, tham mưu, các bộ gồm Giao thông Vận tải (GTVT), Tài nguyên và Môi trường đã không đồng thuận vì số toa xe này có niên hạn sản xuất quá cũ kỹ (từ 1979-1982), thiếu an toàn, hiệu quả thấp, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường...
Đó là chưa nói đến việc khổ đường sắt của 37 toa xe DMU là 1.067 mm, trong khi khổ đường sắt Việt Nam hiện là 1.000 mm, nếu mua về thì phải hoán cải. VNR dự toán chi phí hoán cải khoảng 140 tỉ đồng nhưng Bộ GTVT tính toán số tiền này lớn hơn.
Có ba điều rất lạ: Một là, Luật Đường sắt năm 2017 đã quy định toa xe lửa khi đưa vào sử dụng phải còn niên hạn do Chính phủ quy định; Nghị định 65/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt nêu rõ toa xe có niên hạn sản xuất trên 10 năm thì không được phép nhập khẩu. VNR là tổng công ty nhà nước chuyên trách về đường sắt, lẽ nào không nắm vững Luật Đường sắt và các quy định chuyên ngành?
Hai là, chúng ta đã có đơn vị đóng toa tàu hỏa là nhà máy xe lửa Dĩ An ở tỉnh Bình Dương (do người Pháp mở năm 1902, nay thuộc Công ty Cổ phần Xe lửa Dĩ An), tại sao không tận dụng nguồn lực trong nước, không tạo điều kiện để đơn vị của ngành này phát triển mà đòi mua hàng "quá đát" về? Ba là, đối tác Nhật Bản thải loại số toa xe nói trên là vì lý do ô nhiễm môi trường; đồ phế thải của họ, ta nhập về để gây hại môi sinh hay sao, để góp tay biến Việt Nam thành "bãi rác công nghệ" sao?
Hơn 5 năm trước, một đơn vị thành viên của VNR là Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội từng đề xuất mua hơn 160 toa xe cũ từ Côn Minh (Trung Quốc). Không chỉ đề xuất này bị kiểm điểm mà tiếp sau đó tổng giám đốc công ty cũng bị cách chức, điều chuyển. Chắc VNR chưa quên bài học này!
Một trường hợp khác, cũng không bình thường, là vụ án "Giả mạo trong công tác" xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô. Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án này đang diễn ra, các bị cáo đều đồng tình với cáo trạng. Điều này sẽ giúp vụ án sớm khép lại.
Tuy nhiên, điều quan trọng mà dư luận xã hội rất muốn biết là trong 429 bằng tiếng Anh và 2 giấy chứng nhận giả do Trường Đại học Đông Đô bán ra ngoài (thu về hơn 7,1 tỉ đồng), có tới 67 người mua để sử dụng vào các mục đích thăng quan phát tài... Đến nay, chỉ có 14 người mua bằng giả bị kỷ luật với các hình thức khác nhau.
Thông tin chỉ đến vậy, còn danh tính, chức vụ, nơi công tác... không được công khai. Tại sao bên bán đã rõ, bên mua thì tù mù, trong khi xét về mức độ sai phạm, mục đích của hành vi thì thấy rất đáng bị bêu tên?
Tất cả cần được làm sáng tỏ và công bố rộng rãi để bảo đảm sự minh bạch, khách quan. Nếu không thì chủ trương "dân biết, dân bàn, dân kiểm tra" bị mang tiếng hô khẩu hiệu!
Bình luận (0)