Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Bình Dương, 9 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh Bình Dương xảy ra 960 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 198 người. Như vậy, so với cùng kỳ năm 2019, dù TNGT giảm 124 vụ nhưng số người chết lại tăng 12 người, trong đó có những ngày số người chết vì TNGT khá cao.
5 người tử nạn trong 1 buổi chiều
Đó là chiều 8-10. Vụ tai nạn khiến nhiều người đau xót nhất xảy ra vào khoảng 14 giờ 30 phút trên đường Nguyễn Tri Phương đoạn gần chợ Dĩ An 2 (phường An Bình, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Khi đó, anh Trần Đại Tài (18 tuổi, quê Đồng Nai, sinh viên năm 1) và anh Trần Ngọc Anh (30 tuổi, quê Nghệ An, chạy xe ôm) đang chạy xe máy trên đường thì bất ngờ bị chiếc ôtô 7 chỗ tông thẳng, khiến cả 2 tử vong tại chỗ. Đáng nói ở vụ tai nạn này, người lái ôtô đã nhanh chóng rời khỏi hiện trường và sau đó gọi điện thoại nhờ Đặng Quang Anh (33 tuổi, quê Hà Tĩnh) đứng ra trình diện và nhận tội thay. Tuy nhiên, sau khi lấy lời khai và trích xuất camera nhà dân gần hiện trường, công an phát hiện người lái xe là Nguyễn Trường Mười (tên thường gọi: Mười Thu, 42 tuổi, quê Nghệ An) chứ không phải là Đặng Quang Anh. Công an đã mời Mười Thu lên làm việc nhưng người này không hợp tác, buộc công an phải tới nhà áp giải. Trước các bằng chứng không thể chối tội, Mười Thu đã thừa nhận mình là người điều khiển chiếc ôtô gây tai nạn.
9 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh Bình Dương có đến 198 người chết vì tai nạn giao thông
Chỉ sau đó khoảng 3 giờ, một vụ TNGT thương tâm khác xảy ra trên đường ĐT743, phường Bình Hòa, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương cũng khiến 2 người tử vong tại chỗ. Một số người chứng kiến vụ việc cho hay vụ tai nạn xảy đến khi 2 người đàn ông chở nhau lưu thông trên đường ĐT743 theo hướng từ thị xã Tân Uyên đi TP Dĩ An. Khi xe lưu thông cách ngã tư 550 khoảng 50 m thì 2 người đàn ông ngã xuống đường và bị xe container chạy cùng chiều cán. Sau khi xảy ra sự việc, xe container chạy khỏi hiện trường. Người dân cho biết vào thời điểm xảy ra tai nạn, trên địa bàn có mưa khá lớn, đoạn đường này có rất nhiều ổ gà và hay xảy ra tai nạn.
Cũng tại TP Thuận An, chiều 8-10, xe container 51C-290.84 lưu thông trên Quốc lộ 13, khi đến đoạn thuộc phường Thuận Giao thì va chạm với xe máy do chị N.T.B.H (23 tuổi, quê ở Bà Rịa - Vũng Tàu) điều khiển, chị H. bị cuốn vào gầm xe, tử vong.
Ngoài buổi chiều định mệnh trên, trên địa bàn TP Thuận An, nhiều con đường đang trở thành nỗi ám ảnh của người dân với những vụ tai nạn vô cùng thương tâm. Lúc 8 giờ ngày 22-8, xe container mang biển số 51C-441.21 lưu thông trên đường Phạm Ngọc Thạch, khi đến ngã 5 giao nhau với Quốc lộ 13 thì tông nhau với xe máy, khiến ông T.H.T (60 tuổi; ngụ phường Hưng Định, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương - chạy xe máy) ngã ra đường, tử vong tại chỗ...
Theo ghi nhận, danh sách những "cung đường chết chóc" ở Bình Dương hiện nay không thể không nhắc đến tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn. Đây là tuyến đường huyết mạch nối Bình Dương - TP HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ với hàng loạt cụm cảng, khu công nghiệp, mỗi ngày có hàng chục ngàn phương tiện lưu thông.
Triển khai hàng loạt dự án hạ tầng
Theo Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Bình Dương, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT nghiêm trọng, trong đó ngoài nguyên nhân đi không đúng làn đường, không làm chủ tốc độ thì còn do hạ tầng giao thông dù được đầu tư xây dựng hoàn thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng tốc độ phát triển của đô thị.
"Tốc độ đô thị hóa nhanh kéo theo mật độ người và phương tiện tham gia giao thông tăng cao, trong khi đó lực lượng CSGT toàn tỉnh còn ít quân số, nên công tác tuần tra, kiểm soát không khép kín địa bàn, chưa khép kín thời gian, dẫn đến chưa kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm của người tham gia giao thông, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác bảo đảm trật tự ATGT" - một vị lãnh đạo Ban ATGT tỉnh Bình Dương phân tích.
Trước thực trạng trên, ông Trần Bá Luận - Giám đốc Sở GTVT, Phó trưởng Ban ATGT tỉnh Bình Dương - cho biết để kéo giảm TNGT, trong quý III và quý IV/2020, nhiều tuyến đường đã và đang được nâng cấp như: đường 7A (từ cầu Đò đến ngã ba Rạch Bắp), ĐT741, ĐT742, ĐT743, ĐT744, ĐT746, cầu Ông Cộ, đường Phạm Ngọc Thạch... Cũng thời gian này, tỉnh tiếp tục triển khai nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 để giải quyết tình trạng ùn tắc và kết nối giao thông vùng.
Bên cạnh các tuyến đường trên, ông Luận cũng cho hay tỉnh Bình Dương đang triển khai đầu tư xây dựng từng đoạn tuyến của đường Vành đai 4 nhằm kết nối với TP HCM và Đồng Nai; đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu Bạch Đằng 2 qua sông Đồng Nai. "Các dự án này hoàn thành góp phần liên kết giao thông vùng và tạo thuận lợi cho người dân đi lại, kéo giảm TNGT trên địa bàn" - ông Trần Bá Luận nhấn mạnh. Ông thông tin thêm trước đó, HĐND tỉnh Bình Dương đã thông qua chủ trương làm hàng chục cầu vượt, hầm chui tại các nút giao thông lớn giữa đường Mỹ Phước - Tân Vạn và các tuyến đường chính để giảm ùn tắc giao thông. Theo đó, dự án sẽ làm 7 đường gom dân sinh dọc đường Mỹ Phước - Tân Vạn và đường ĐT743 với khoản đầu tư 345 tỉ đồng...
Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ
Ngoài các giải pháp nâng cao ý thức của người dân, đẩy mạnh tuyên truyền kết hợp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, Ban ATGT tỉnh Bình Dương đã yêu cầu các đơn vị quản lý cầu, đường bộ thường xuyên rà soát, kiểm tra kết cấu hạ tầng, hệ thống biển báo hiệu đường bộ, hệ thống đèn tín hiệu giao thông, hệ thống chiếu sáng, hệ thống thoát nước để kịp thời sửa chữa, bổ sung, khắc phục các yếu tố gây mất an toàn giao thông, nhất là các tuyến đường trọng điểm như: Quốc lộ 13, ĐT741, Mỹ Phước - Tân Vạn, ĐT743...
Đặc biệt, yêu cầu lực lượng thanh tra giao thông tăng cường công tác kiểm soát, giám sát công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, thi công các công trình trên đường đang khai thác.
Bình luận (0)