Gần 25 năm trong nghề báo, chí ít có đến hàng trăm lần vác ba-lô về một làng biển nào đó trên dọc dài gần 400 km bờ biển 3 tỉnh Nam Trung bộ, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, tôi chợt nhận ra dải đất miền Trung như cái bao lơn kỳ diệu, ngun ngút nhìn ra biển Đông. Biển khơi muôn trùng đã nuôi dưỡng hàng chục ngàn người dân vạn chài nhưng cũng đầy thách thức, khắc nghiệt với họ, nhất là vào mùa gió chướng…
Những người con của biển cả
Những tia nắng sớm trong buổi bình minh phản chiếu lấp lánh từng đợt sóng vỗ bờ êm ả, đưa từng chuyến thuyền cá đầu tiên về bến. Khu chợ hải sản của phường Đông Hải, TP Phan Rang – Tháp Chàm (Ninh Thuận) trở nên náo nhiệt. Chợ cá Đông Hải, từ hàng chục năm qua, là điểm mua bán tấp nập nhất của thương lái và cánh bạn thuyền.
Phường Đông Hải và xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam với gần 1.500 tàu cá, trong đó khoảng 650 chiếc có công suất 100-500CV, là 2 địa phương được ví là "đệ nhất thuyền nghề", cũng là vựa cá lớn của Ninh Thuận. Vậy nên hầu hết cư dân những làng biển này khi sinh ra đã mang trong mình dòng máu trùng khơi, để khi lớn lên họ lại tiếp bước cha anh, học hỏi kinh nghiệm đánh bắt từng loại hải sản của người đi trước. Lão ngư dân Phạm Đứng ở làng cá Thương Diêm, huyện Thuận Nam, với hơn 50 năm gắn bó với muôn trùng sóng nước, trải lòng: "Mình có cảm nhận được vị mặn của muối, có yêu từng con sóng bạc đầu, có cảm thấy nhớ nhung khi xa biển thì mới bám trụ với nghề". Anh Nguyễn Hưng (xã Tam Thanh, huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận) - một trong những ngư dân đầu tiên của vùng huyện đảo này có tàu công suất lớn – bảo rằng những lần đầu đánh bắt xa bờ, giữa sóng nước mênh mông, anh và bạn thuyền, ai cũng nhớ nhà. "Nhưng đi riết rồi quen. Thỉnh thoảng bị bệnh không ra biển được, lòng lại cảm thấy nôn nao" – anh Hưng bộc bạch.
Chuẩn bị ngư lưới cụ cho một chuyến biển
Gần nửa đời người theo nghiệp viết lách, tôi không thể nhớ hết đã bao lần lang thang về các làng biển, nghe dân chài kể chuyện nghề. Tất thảy ngư phủ đều bảo đã là dân vạn chài phải chấp nhận những ngày dài xa nhà, lênh đênh theo sóng gió; thậm chí biển còn gắn bó với họ nhiều hơn bờ. Gắn bó đến nỗi, cái vị mặn chát của nước biển đối với họ cũng xao xuyến như cái mùi oi nồng của đất mỗi lúc ra khơi. "Nếu không quen sóng nước, tàu ra cách bờ chừng chục hải lý là ói đến mật vàng mật xanh luôn. Nắng thì da rát như bị nướng, lạnh mặc đến mấy lớp áo kéo lưới cũng không nổi. Cực vậy nhưng thu nhập đâu phải lúc nào cũng được. Mỗi chuyến biển cả tuần, nếu trúng thì mỗi bạn thuyền được chia 2-2,5 triệu, còn trật thì… "meo" luôn" – anh Nguyễn Trí (người bà con của tôi ở xóm Bóng, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, gần 20 năm trong nghề đi "bạn") tâm sự.
Đời ngư phủ là vậy, có người đến vì gánh nặng mưu sinh, có người là nghiệp cha truyền con nối, cũng có người vận vào do sự tình cờ… nhưng tất thảy đều đậm, nồng ấm tình người. Và dẫu phải luôn đối mặt với hiểm nguy bởi bão tố trùng khơi, hay chật vật với gánh nặng áo cơm thường nhật, nhưng vốn dĩ đã là người con của biển cả, có mấy ngư phủ nghĩ đến chuyện bỏ biển bao giờ…
Làng chài - Phên giậu của đại dương
Cái se lạnh của tàn đông đang dần trôi về phía sau, bóng dáng nàng Xuân đã thấp thoáng nơi đầu ngõ, nhưng những cơn gió bấc cuối mùa vẫn bần bật thổi trên khắp các làng biển miền Trung.
Ai đó đã không sai khi bảo rằng những làng chài chính là phên giậu của đại dương bao la. Và trong rặng phên giậu ấy, vài chục năm trước, những rừng phi lao bạt ngàn ven biển Ninh Chử, Bình Sơn (Ninh Thuận), La Gi, Mũi Né (Bình Thuận), Nha Trang, Ninh Hòa (Khánh Hòa) được ví như "đội hùng binh" che chắn bão tố từ trùng khơi ập vào từng xóm chài trong mùa biển động. Nhưng nay đã trở nên quá hiếm hoi khi những dãi cát tuyệt đẹp ven biển, theo đà phát triển đã mọc lên ngày càng nhiều những resort, khu du lịch, nhà cao tầng…
Và không hiểu sao khi nói đến làng chài ven biển, bao giờ trong tôi cũng gợi lên hình ảnh những thôn xóm có nhà cửa đơn sơ, con người lam lũ, dù phía trước, cách họv ài bước chân là biển Đông với đầy ắp sản vật của trùng khơi.
Những ngày neo thuyền nghỉ ngơi sau chuyến biển, ngư dân lại nhớ về trùng khơi
Tôi đã từng qua đêm ở một số làng chài Vĩnh Hy, Cà Ná (Ninh Thuận), Phước Thể, Phước Hội (Bình Thuận), Hòn Rớ, xóm Bóng (Khánh Hòa) để cảm nhận nhịp sống ngàn đời bất di bất dịch của bà con quê biển. Mỗi chiều tà, cánh đàn ông, trai tráng lướt sóng ra khơi; đàn bà ở nhà chăm con, lo chuyện cơm nước, giặt giũ và... ngóng đợi chồng cùng quà tặng biển khơi (tôm, cua, cá, mực…) đầy ắp khoang thuyền về bến. Chung quy, họ chỉ cần những thứ bình thường căn cơ nhất là có tiền để bơm dầu cho ghe, tàu; được thương lái thu mua hải sản với giá kha khá, đủ trang trải chi phí và có dư chút đỉnh; đặc biệt là cầu trời cho biển lặng, sóng êm...
Người miền biển là thế, vậy nên cả trăm ngàn gia đình ngư dân ở mấy chục xã biển vùng cực Nam Trung bộ đã bao đời bám biển nhưng có mấy nhà thật giàu sang! Bởi họ tự chọn cho mình một cuộc sống giản đơn. Ăn sóng, nói gió; không màu mè trong ứng xử là tính cách mạnh mẽ, hào sảng, chân thành của người dân biển, như chính đôi câu ca dao được lưu truyền từ thuở xa xưa trong lòng "phên giậu của đại dương":
Con ơi, giữ lấy nghề chài
Dù sao cam khổ, ngọt bùi đã quen
Đêm ra ngoài biển đốt đèn
Nhìn lên sao sáng phận hèn cũng vui.
Những cuộc đời nối tiếp cuộc đời, những thế hệ nối tiếp thế hệ. Người dân biển sống giản đơn nhưng hạnh phúc, bền chắc. Vì vậy, hàng trăm năm qua đâu có xóm chài nào kéo nhau rời bỏ biển! Tình yêu biển cả luôn chảy trong huyết quản, trở thành tâm linh của người dân biển.
Hạnh phúc của ngư dân là những chuyến biển trở về thuyền đầy ắp cá tôm
Thế mạnh kinh tế của miền Trung
Đánh bắt thủy sản là một trong những mũi nhọn kinh tế của các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ.
Theo Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, toàn tỉnh có khoảng 10.000 tàu cá đăng ký. Trong đó, riêng số tàu có công suất lớn trên 400 CV khoảng gần 1.400 chiếc. Sản lượng hải sản bình quân của địa phương trên 100 ngàn tấn/năm. Trong khi đó, Bình Thuận có hơn 7.000 tàu, thuyền khai thác hải sản, trong đó tàu cá có công suất lớn chuyên đánh bắt xa bờ có trên 3.000 chiếc. Đây là địa phương có nguồn lợi thủy sản dồi dào, với bờ biển dài 192 km, ngư trường rộng xấp xỉ 53.000 km2. Với nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khời xa bám biển, sản lượng khai thác hải sản của Bình Thuận luôn vượt mức 200 ngàn tấn/năm. Ninh Thuận là tỉnh nghèo, với khoảng trên 18.000 hộ ngư dân; năng lực tàu thuyền chỉ có gần 2.400 chiếc nhưng sản lượng đánh bắt cũng trên dưới 52 ngàn tấn/năm.
Bình luận (0)