Theo thống kê, tình trạng ngư dân làm nghề lặn trong cả nước bị tai nạn lao động trên biển chiếm đa số với tỉ lệ tai biến, di chứng, tử vong khoảng 2%- 5%/năm. Riêng tại Bình Thuận, từ năm 2014 đến nay, tỉnh này đã có hơn 50 trường hợp gặp nạn do lặn biển.
Kinh nghiệm "cha truyền" đôi khi có hại
Ông Nguyễn Minh Quang, Trưởng Phòng Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản - Chi cục Thủy sản Bình Thuận, cho biết trong số các vụ tai nạn lao động trên biển, bên cạnh sự chủ quan của ngư dân còn một phần là do có quá ít lớp tập huấn chuyên môn về kiến thức an toàn lao động.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Mùi, thành viên Hiệp hội Pháp ngữ Tương trợ và Phát triển khoa học đời sống (AFEPS) - tổ chức phi lợi nhuận của Pháp chuyên hoạt động trong lĩnh vực trợ giúp chăm sóc sức khỏe ngư dân hành nghề lặn ở Việt Nam, qua tiếp xúc, ông nhận thấy nhiều ngư dân chưa có nhiều kiến thức trong việc phòng tránh tai nạn trên biển, xử lý ban đầu khi xảy ra tai nạn cũng chưa đúng. Nhiều ngư dân xử lý dựa trên kinh nghiệm cha truyền con nối, đôi khi phản khoa học dẫn đến những hệ lụy đau lòng.
Các chuyên gia AFEPS hướng dẫn ngư dân sơ cấp cứu khi xảy ra tai nạn trên biển Ảnh: VIỆT KHÁNH
Vì vậy, để giúp ngư dân trang bị kiến thức, vừa qua, Sở Y tế và Chi cục Thủy sản Bình Thuận đã phối hợp với AFEPS tổ chức khóa tập huấn phòng và xử lý tai nạn trên biển. Khóa học có sự tham gia của nhiều cán bộ y tế và gần 50 ngư dân.
Khóa học nhằm trang bị kiến thức cấp cứu tai nạn trên biển, cấp cứu ban đầu tai nạn lặn cho ngư dân; hướng dẫn nhân viên y tế tiếp nhận, chẩn đoán, phân loại điều trị tai biến lặn. Cũng trong khóa học này, AFEPS đã hỗ trợ các trang thiết bị cho ngư dân khi đi biển như: Hệ thống ôxy cao áp, bình ôxy…
Trang bị "bí kíp"
Ông Cao Văn Lộc (SN 1954; ngụ phường Lạc Đạo, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) cho biết dù có thâm niên đi biển hơn 30 năm nhưng đây là lần đầu tiên ông biết đến các kiến thức về lặn biển một cách bài bản, cũng như các kỹ thuật vật lý trị liệu để có thể tự áp dụng điều trị phục hồi các di chứng do lặn biển gây ra.
"Trước đây, khi tai nạn xảy ra, ngư dân chỉ toàn dựa vào kinh nghiệm để xử lý. Bây giờ, chúng tôi được các bác sĩ chỉ dẫn về phác đồ lặn, tùy vào mỗi độ sâu ở các mực nước khác nhau mà có giải pháp bảo đảm an toàn khác nhau. Phác đồ như "bí kíp" cho thợ lặn, thấy hữu ích vô cùng" - ông Lộc bày tỏ.
Ông Nguyễn Văn Sơn (SN 1960; ngụ phường Đức Long, TP Phan Thiết) chia sẻ: "Chúng tôi cứ nghĩ lặn biển giống như đi bộ dưới nước, đơn giản chỉ là quen với áp lực của nước, đâu biết phải tuân thủ nhiều phương pháp đến vậy. Qua khóa học này, ngư dân biết được nhiều kỹ năng để có thể phòng tránh khi lặn biển, cũng như những triệu chứng ban đầu khi tai biến xảy ra để phòng ngừa".
Ngư dân Phạm Văn Long (SN 1964) cũng tỏ ra phấn khởi khi lần đầu tiên "được lên bờ đi học". Ông thổ lộ: "Thật đáng công sức bỏ ra. Với những phương án cấp cứu được hướng dẫn, ngư dân chúng tôi sẽ không hoảng loạn mà sẽ xử lý tốt khi gặp tai nạn".
Bác sĩ Jean Ruffez, thành viên AFEPS, cho biết hiệp hội đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu những vấn đề xảy ra với ngư dân ở các vùng biển Việt Nam. Từ đó, AFEPS đề xuất và tập huấn cho các bác sĩ chuyên ngành của Việt Nam kỹ thuật cấp cứu cho thợ lặn khi xảy ra các tình huống tai nạn trong lúc lặn biển.
"Đối với ngư dân, nếu được trang bị kiến thức cũng như dụng cụ về công việc mình đang làm một cách đầy đủ, thực hiện đúng quy trình sơ cấp cứu ban đầu khi xảy ra tai nạn thì có thể cứu được người bị tai biến và khỏe lại hoàn toàn. Trong trường hợp xấu nhất cũng có thể giảm tối đa biến chứng và rất hữu ích cho quá trình điều trị sau này" - bác sĩ Jean Ruffez nhìn nhận.
Học luật giao thông trên biển
Theo ông Nguyễn Xuân Bình - Giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Khu vực 4 - mỗi quý, trung tâm lại tổ chức một buổi tập huấn kiến thức cho ngư dân các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, trong đó tập trung hướng dẫn cách sử dụng và nhận biết các tín hiệu khi hoạt động trên biển. Cụ thể, nếu như ban ngày, ngư dân có thể sử dụng quả cầu màu đen để thông báo đang đậu, kéo lưới; còn hoạt động ban đêm lại có các tín hiệu đèn khác nhau.
Một buổi tập huấn kiến thức xử lý tai nạn lao động trên biển ở Khánh Hòa Ảnh: KỲ NAM
"Nếu đang di chuyển thì ta sử dụng hệ thống đèn màu xanh bên trái, đèn đỏ bên phải. Ở xa thấy tín hiệu đèn như vậy thì họ biết ta di chuyển hướng nào. Nếu ta dừng thì dùng đèn trắng toàn bộ và tắt hệ thống đèn màu kia đi" - ông Bình cho biết.
Ngoài ra, trung tâm còn hướng dẫn ngư dân cách sử dụng các tín hiệu cứu nạn khi gặp sự cố trên biển, các kỹ thuật sơ cấp cứu cũng như việc liên lạc với các trung tâm để được hỗ trợ. "Từ năm 2017 đến tháng 10-2018, trung tâm nhận được hơn 150 tin báo nạn từ các tàu thuyền. Do công tác trao đổi thông tin, tư vấn tốt nên phần lớn trường hợp bà con tự khắc phục, chỉ có 15 trường hợp là chúng tôi điều tàu ra hỗ trợ. Như vậy, những buổi thực hành như thế này rất có ý nghĩa với bà con ngư dân" - ông Bình nhận xét.
K.Nam
Kỳ tới: Đoàn kết để cứu mình
Bình luận (0)