xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những giấc mơ lớn của "vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn

THÁI PHƯƠNG

Là doanh nhân thành công ở cả thị trường trong nước và quốc tế từ nhiều năm qua, ông Johnathan Hạnh Nguyễn vẫn miệt mài xây dựng những kế hoạch lớn đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam

Thành lập hãng hàng không vận tải hàng hóa chuyên biệt IPP Air Cargo để góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành logistics Việt Nam và góp sức vào Đề án Trung tâm Tài chính quốc tế của Việt Nam tại TP HCM là hai mục tiêu mới nhất mà "ông vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), đang theo đuổi.

Hãng hàng không cạnh tranh quốc tế

Liên quan việc thành lập hãng hàng không vận tải hàng hóa chuyên biệt IPP Air Cargo, ông chủ IPPG cho biết đến thời điểm này, các thủ tục giải trình hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không đã hoàn tất. Do vận chuyển hành khách và hàng hóa theo đường hàng không là ngành có điều kiện nên quy trình kiểm tra, giám sát, thẩm định rất chặt chẽ và IPPG đã làm đúng quy trình, quy định của Việt Nam.

Nói về ý tưởng táo bạo thành lập hãng hàng không vận tải hàng hóa này, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho rằng sự tham gia của IPP Air Cargo sẽ giúp Việt Nam lấy lại và cân bằng thương quyền vận chuyển hàng không giữa Việt Nam với các hãng nước ngoài. Từ đó, giúp giảm giá thành vận chuyển hàng hóa hàng không một cách đáng kể cho doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu trong nước cũng như hỗ trợ DN có vốn đầu tư nước ngoài giải quyết được bài toán về chi phí và tự tin phát triển kinh doanh bền vững tại Việt Nam.

"Khi đi vào vận hành, IPP Air Cargo sẽ tạo ra một nguồn thu hút ngoại tệ cho đất nước. Đặc biệt, với điểm đến là các trung tâm (hub) trên thế giới, hãng góp phần tạo thêm nhiều cơ hội phát triển kinh tế địa phương, hỗ trợ các hãng hàng không Việt Nam cùng phát triển" - ông Johnathan Hạnh Nguyễn khẳng định.

Những giấc mơ lớn của vua hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn - Ảnh 1.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn

Ông chủ IPPG cho biết hiện các hãng bay chở hàng hóa quốc tế bằng đường hàng không chỉ được cấp phép đến sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Sau đó, hàng hóa được đưa đến các điểm giao bằng những phương tiện khác. Vì vậy, IPP Air Cargo đã lên kế hoạch sẽ xây 5 kho logistics tại sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cam Ranh, Đà Nẵng, Cần Thơ và sau này sẽ thêm Long Thành để tập kết hàng từ nước ngoài về. 

Sau đó, IPP Air Cargo sẽ dùng máy bay chở hàng đến 16 sân bay nội địa khác. Đáng chú ý, hãng bay này không chỉ đơn thuần xây kho bãi, quầy, kệ hàng mà còn đầu tư băng chuyền, hệ thống quản lý thông minh, hiện đại. "Tôi biết để tạo ra cuộc cách mạng trong ngành logistics hàng không sẽ rất khó khăn và tốn kém. Dù vậy, tôi không ngần ngại. Cũng giống như trước đây, tôi xây dựng thị trường hàng hiệu khi không ai nghĩ tới. Hiện nay, tôi đã tạo được uy tín để đưa hơn 100 thương hiệu cao cấp trên thế giới về phân phối tại Việt Nam" - ông chủ IPPG bộc bạch.

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, cả nước hiện có 5 hãng hàng không, gồm Vietnam Airlines (bao gồm VASCO), Vietjet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines và Vietravel Airlines; đang khai thác thường lệ 69 đường bay nội địa nối TP Hà Nội, TP Đà Nẵng và TP HCM tới các sân bay trên cả nước. Trên thị trường quốc tế, có hơn 30 hãng hàng không nước ngoài và 4 hãng hàng không Việt Nam khai thác khoảng 96 đường bay quốc tế kết nối Việt Nam với 21 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Trong đó, 47 hãng hàng không nước ngoài có chuyến bay chuyên chở hàng hóa thường lệ bằng máy bay chuyên dụng đến Việt Nam. Con số này không nhỏ nhưng IPPG vẫn quyết tâm xây dựng hãng hàng không vận tải hàng hóa IPP Air Cargo để phân khúc này của Việt Nam cạnh tranh với quốc tế. Hơn nữa, nhìn từ góc độ thị trường, khi có thêm một hãng nhập cuộc sẽ tạo thêm sự cạnh tranh.

Những giấc mơ lớn của vua hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn - Ảnh 2.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), thuyết trình về đề án xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế đặt tại TP HCMẢnh: HOÀNG TRIỀU

Kỳ vọng từ Trung tâm Tài chính quốc tế

Hồi tháng 3-2021 và tháng 2-2022, Tập đoàn IPPG đã ký kết tài trợ cho dự án Trung tâm Tài chính khu vực tại TP Đà Nẵng và Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam tại TP HCM. Tiếp đó, UBND TP HCM đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng phê duyệt chủ trương xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại thành phố.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhận định nền tài chính của TP HCM là kênh dẫn vốn rất quan trọng cho kinh tế quốc gia. Trong khi nhu cầu nguồn lực để thành phố phát triển trong 25 năm tới là rất lớn, nguồn lực trong nước vẫn chưa bảo đảm thì nguồn lực của các nhà đầu tư nước ngoài rất quan trọng. Để thu hút được những nhà đầu tư chiến lược có uy tín, cần có các cơ chế chính sách ưu đãi đột phá mang tính cạnh tranh quốc tế. 

Trong đó, nếu có Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam đặt tại TP HCM, thành phố sẽ quy tụ được nhiều định chế tài chính hàng đầu thế giới, qua đó góp phần phát triển thị trường tài chính TP HCM lên tầm cỡ khu vực và quốc tế, là kênh hỗ trợ vốn cho DN. Đồng thời, góp phần hỗ trợ đầu tư công cho TP HCM và các địa phương vùng ĐBSCL; tác động lan tỏa, tạo hiệu ứng gia tăng độ hấp dẫn trong thu hút vốn đầu tư và phát triển hạ tầng, tạo các chuỗi cung ứng gắn với dịch vụ tài chính và các dịch vụ thương mại cao cấp khác.

Bên cạnh đó, IPPG cũng mong muốn được đầu tư cửa hàng miễn thuế liên kết với các tour du lịch để phát triển nguồn du khách ổn định cho TP HCM; tạo sự cộng hưởng làm phát sinh nhu cầu và tăng mức tiêu dùng của khách du lịch đối với các dịch vụ khác như khách sạn, ăn uống, vận chuyển... 

Mô hình này đã có mặt tại nhiều nơi trên thế giới, tương tự các khu mua sắm hàng hiệu đẳng cấp ở Singapore, Milan - Ý, Paris - Pháp...thu hút hàng chục triệu khách quốc tế đến mua sắm. Ngoài ra, hình thành khu đô thị dịch vụ thương mại, phi thuế quan hay công viên giải trí chuyên đề cũng là những ý tưởng góp phần thúc đẩy kinh tế TP HCM và cả nước, nếu được triển khai.

"Dòng vốn đầu tư tài chính trên thị trường quốc tế đang rất dồi dào. Từ nhiều năm qua, các nhà đầu tư Mỹ rất quan tâm tới thị trường Việt Nam, trong đó có TP HCM. Triển khai đề án xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế sẽ là cơ hội để thu hút những "đại bàng chúa" đến làm tổ" - ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói. 

Doanh nhân cần táo bạo, đột phá

Là một trong những doanh nhân Việt kiều đầu tiên về nước, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đầu tư và thành lập Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương - Imex Pan Pacific (hiện là Tập đoàn IPPG). Dưới sự dẫn dắt của "ông vua hàng hiệu", IPPG đã đầu tư hoặc hợp tác đầu tư 30 dự án với tổng số vốn hơn 450 triệu USD. Riêng các dự án trong nước đã đem lại doanh thu gần 1 tỉ USD, tạo ra hơn 25.000 việc làm cho người lao động Việt Nam.

Ông chủ IPPG cho rằng để hoạt động trên thị trường, doanh nhân cần có tư duy táo bạo, đột phá, vượt khỏi rào cản... Về vận hành doanh nghiệp, cần phối hợp 3 yếu tố: tốc độ, sự thích ứng và sự liên kết hợp tác. Trong đó, cần tìm hiểu cơ hội hợp tác phù hợp với các đối tác, nhà phân phối, thậm chí là đối thủ cạnh tranh. "Hãy tham gia vào các mạng lưới kinh doanh để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm. Những điều này rất quan trọng vì công nghệ đã làm giảm đi những rào cản về gia nhập và sự cạnh tranh ngày nay rất đa chiều" - ông Johnathan Hạnh Nguyễn đúc kết.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo