Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam's Wildlife; gọi tắt là SVW) nằm tại Vườn Quốc gia Cúc Phương (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) được xem là "ngôi nhà hạnh phúc" của rất nhiều loài động vật hoang dã. SVW đã phối hợp với các cơ quan chức năng ngăn chặn, giải cứu thành công hàng ngàn cá thể động vật hoang dã trước nạn săn bắt, buôn bán trái phép. Tại đây, nhiều cá thể mèo rừng may mắn được giải cứu, tái sinh thêm lần nữa.
Sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào
Anh Trần Văn Trường chia sẻ với phóng viên về hành trình giải cứu mèo hoang dã trong suốt nhiều năm qua
SVW nằm giữa VQG Cúc Phương, tại trung tâm hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng 6 cá thể mèo rừng, trong đó có 4 cá thể mới được cứu hộ đang còn nhỏ và 2 cá thể không tái thả lại tự nhiên do mất bản năng săn mồi và bị thương tật do con người gây ra.
Anh Trần Văn Trường, người đã có 5 năm làm "hiệp sĩ" tại SVW cho biết, mèo rừng hiện là một trong những loài động vật hoang dã nằm trong sách đỏ thế giới có nguy cơ tuyệt chủng rất cao và đang được Quỹ động vật hoang dã thế giới (WWF) bảo tồn tự nhiên. "Tại Việt Nam, mèo rừng hiện bị săn bắt rất nhiều để nuôi nhốt làm cảnh, giết thịt và lấy da, lông làm tiêu bản, chính vì thế ngoài tê tê, mèo rừng là động vật được trung tâm cứu hộ với số lượng rất lớn"- anh Trường thông tin.
Kể từ lần cứu hộ cá thể mèo đầu tiên tại tỉnh Vĩnh Phúc, đến nay SVW đã phối hợp với nhiều đơn vị giải cứu được 70 cá thể mèo rừng. Với mong muốn giúp những loài động vật hoang dã có môi trường sống tốt nhất ngoài thiên nhiên, trong đó có mèo rừng nên ngoài tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, SVW cũng phối hợp với nhiều cơ quan chức năng tham gia giải cứu, tiếp nhận nhiều cá thể mèo đưa về chăm sóc, nuôi dưỡng và tái thả lại tự nhiên. Chính vì thế, theo anh Trường hễ nhận được tin nơi đâu có mèo cần cứu hộ là anh và các cộng sự lại sẵn sàng lên đường.
3 cá thể mèo hoang dã mới được SVW cứu hộ từ Tuyên Quang về trung tâm để chăm sóc nuôi dưỡng
"Công việc cứu hộ mèo hoang dã không dễ, nếu mình không tới kịp thì nguy cơ mèo chết sẽ rất cao. Bởi, mèo là loài khó gần với con người, vì thế chúng thường bị đặt bẫy để săn bắt nên khi được đưa tới SVW, có rất nhiều con bị thương rất nặng. Ngoài ra, khi bị lực lượng chức năng bắt giữ, do không nhận diện được loài nên cách chăm sóc không khoa học, mèo có thể bị ốm chết. Vì lẽ đó mà ngay khi nhận được tin là chúng tôi phải lên đường ngay, thậm chí là trong đêm khuya"- anh Trường chia sẻ.
Ông Hoàng Văn Thái, kiểm lâm viên VQG Cúc Phương (phụ trách cứu hộ, bảo tồn các loài thú ăn thịt và tê tê) cho biết, mèo thường được cứu hộ qua 2 kênh chính là bắt giữ từ những vụ buôn bán, qua công tác kiểm tra và do người dân tự nguyện giao nộp. "Khi được đưa về SVW, mèo sẽ được phân loại, con nào ốm yếu được tách riêng để chăm sóc, con nào bị thương sẽ được xử lý vết thương, phục hồi. Sau một thời gian chăm sóc, khi mèo khỏe trở lại thì chúng tôi sẽ tái thả lại tự nhiên. Đến nay đã có 42 cá thể được chúng tôi cứu hộ, chăm sóc và thả chúng về môi trường hoang dã"- ông Thái nói.
Một tình nguyện viên người nước ngoài đang chăm sóc, cho mèo bú sữa
Tuy nhiên, theo những "hiệp sĩ" cứu mèo hoang dã, có một số cá thể mèo khi được cứu hộ về trung tâm đã không thể tái thả được về với tự nhiên do bị cụt chân không thể săn mồi và sống quá lâu với con người, mất đi bản năng hoang dã.
Những câu chuyện về "Đại Lải" và "Sáng"
"Đại Lải" và "Sáng" là tên của hai cá thể mèo rừng được các nhân viên của SVW đặt tên. Hai con mèo này hiện đang được trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng trong môi trường bán tự nhiên do chúng không còn bản năng sinh tồn nếu thả về rừng. Theo anh Trường, "Đại Lải" là cá thể mèo rừng hoang dã đầu tiên được cứu hộ, chuyển giao đến SVW bởi Chi cục Kiểm lâm Vĩnh Phúc.
Mèo hoang dã được các nhân viên của SVW tái thả về với thiên nhiên
"Nó được một người dân phát hiện ở khu vực hồ Đại Lải (TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) và đã được đặt tên như vậy. Khi tới trung tâm cứu hộ, "Đại Lải" mới chỉ khoảng 3 tuần tuổi và nặng 290 gram, vì thế các nhân viên trung tâm chẳng khác gì "người mẹ" khi phải chăm sóc, theo dõi sức khỏe, cho "Đại Lải" bú sữa hàng ngày đến lúc trưởng thành. Do được chăm sóc từ bé, nên khi lớn lên cá thể mèo rừng này đã không còn bản năng săn mồi khi thả về tự nhiên"- anh Trường chia sẻ.
Để giúp "Đại Lải" có một môi trường sống tốt nhất, các cán bộ trung tâm đã làm cho chú mèo này một ngôi nhà được bài trí theo lối bán hoang dã để nó có thể thoải mái sinh sống gần với thiên nhiên và tập tính của loài. "Đại Lải" là chú mèo rất đáng yêu, rất thích vận động, hay đi vòng quanh và quan sát mọi thứ trong khu chuồng của mình"- anh Trường nói về "Đại Lải".
Đại Lải là cá thể mèo hoang dã không thể tải thả về tự nhiên và đang được nuôi trong môi trường bán hoang dã tại trụ sở của SVW
Trong khi đó, "Sáng" được một người dân tình nguyện chuyển giao cho SVW sau khi mua lại từ một nhà hàng ở Hà Nội 3 tháng trước đó. Mặc dù đang bị thương ở chân nhưng do bản tính hoang dã và khó gần, người dân này đã không thể tiếp cận để chăm sóc được vết thương cho "Sáng".
"Sáng" gần như bị mất cả bàn chân trước bên trái, chỉ còn lại một ngón chân cái gắn liền với xương cẳng chân, khiến cá thể này gặp khó khăn khi di chuyển và không thể trở về với tự nhiên. Hiện, Sáng đã được chuyển tới khu vực chăm sóc dài hạn của SVW.
Mèo hoang dã hiện là động vật nằm trong sách đó, có nguy cơ tuyệt chủng rất cao
"Đại Lải" và "Sáng" hiện là đại sứ của chúng tôi. Thông qua những câu chuyện về chúng có thể giúp cho mọi người dân, du khách khi tới tham quan SVW có thể hiểu được ý nghĩa của công tác bảo tồn, từ đó nâng cao nhận thức của người dân, hạn chế tình trạng săn bắt, giết thịt động vật hoang dã, giúp cho nhiều cá thể động vật nguy cấp, quý hiếm có thể sống tốt trong môi trường tự nhiên"- ông Thái cho hay.
Bình luận (0)