Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 28 đến 29-7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã có cuộc hội đàm với Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam. Kết thúc hội đàm, hai Bộ trưởng đã chứng kiến Lễ ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ Việt Nam; đồng thời trao cho nhau một số kỷ vật chiến tranh.
Bộ trưởng Phan Văn Giang và Bộ trưởng Lloyd Austin trao kỷ vật chiến tranh - Ảnh: Bộ Quốc phòng Việt Nam
Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đã thông tin về hiện vật phía Mỹ trao trả cho Việt Nam. Gần đây, một cựu chiến binh Mỹ đã cung cấp thông tin và hình ảnh về một khu vực chôn cất tập thể (khoảng 20 bộ đội Việt Nam) ở Miền Trung, Việt Nam. Thông tin này được cung cấp sau khi Hội Cựu chiến binh tham chiến ở nước ngoài (VFW) của Mỹ kêu gọi các hội viên cung cấp dữ liệu, hiện vật để hỗ trợ Việt Nam tìm kiếm và xác định danh tính của những người Việt Nam hy sinh trong chiến tranh.
Hội VFW gửi những thông tin và hình ảnh này cho Cơ quan Kiểm kê tù binh chiến tranh, quân nhân mất tích của Bộ Quốc phòng Mỹ (DPAA) để phân tích thêm trong khuôn khổ hợp tác của một Bản Ghi nhớ hiện hành. Phái bộ 2 của DPAA tại Hà Nội đã phối hợp với các chuyên gia điều tra và phân tích thuộc Chương trình STONY BEACH (tìm kiếm quân nhân mất tích) của Bộ Quốc phòng Mỹ để kiểm tra thông tin và xác định vị trí có khả năng là địa điểm khu mộ tập thể này.
Các hiện vật Mỹ và Việt Nam trao trả cho nhau - Nguồn: Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam
Về hiện vật phía Việt Nam trao trả cho Mỹ, một công dân Việt Nam ở Miền Trung đã giao nộp một số hiện vật cho chính quyền sau khi phát hiện ra chúng khi đang chăn trâu, bao gồm: Danh sách kiểm tra của một phi công, một bản đồ chỉ đường trốn, và một "phiếu máu" có số hiệu riêng của một phi công F-4, Không quân Mỹ. Khi làm việc với Văn phòng Việt Nam Tìm kiếm Người mất tích (VNOSMP), Phái bộ 2 của DPAA đã liên kết những kỷ vật này với hồ sơ của một phi công F-4, Không Quân Mỹ, bị rơi máy bay ở Quảng Bình năm 1967.
Ngày 9-7-2021, DPAA và VNOSMP đã tổ chức Lễ hồi hương hài cốt quân nhân Mỹ lần thứ 155 tại Sân bay Gia Lâm (Hà Nội). Đại biện lâm thời Mỹ tại Việt Nam, ông Christopher Klein đã chứng kiến lễ ký trao trả hài cốt được cho là có liên quan đến một quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh - Ảnh: Đại sứ quán Mỹ
Tháng 7 này đánh dấu 30 năm thành lập Văn phòng MIA của Mỹ tại Hà Nội (MIA - tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam).
Nhiệm vụ tìm kiếm người Mỹ mất tích tại Việt Nam bắt đầu sớm hơn cả quan hệ ngoại giao giữa hai nước và đã được triển khai dưới nhiều tên gọi kể từ năm 1985. Ngày nay, nhiệm vụ kiểm kê nhân đạo này vẫn là nền tảng cốt lõi trong quan hệ Mỹ – Việt, tạo điều kiện để hai nước hợp tác song phương ở hàng loạt các lĩnh vực khác.
Chính phủ Việt Nam thành lập Văn phòng Việt Nam Tìm kiếm Người mất tích (VNOSMP) tháng 3-1973 với nhiệm vụ chính là hỗ trợ Mỹ kiểm kê những quân nhân mất tích tại Việt Nam. Năm 1985, Mỹ và VNOSMP đã tiến hành đợt khai quật đầu tiên tại huyện Gia Lâm, Hà Nội. Kể từ năm 1988, hai nước đã duy trì hoạt động hợp tác nhân đạo này.
Cơ quan Kiểm kê tù binh chiến tranh, quân nhân mất tích của Bộ Quốc phòng Mỹ (DPAA) và Văn phòng Việt Nam Tìm kiếm Người mất tích (VNOSMP) đến nay đã thực hiện 143 đợt hoạt động hỗn hợp, hồi hương và xác định danh tính 729 người Mỹ.
Đặc biệt đáng chú ý, trong thời gian đại dịch Covid-19 diễn ra, phía Mỹ không thể cử nhân sự đến Việt Nam công tác, nhưng VNOSMP đã triển khai 9 đội khai quật đơn phương Việt Nam với kết quả là 1 hài cốt người Mỹ được trao trả và xác định danh tính.
Bình luận (0)