xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

KÝ ỨC NGÀY GIẢI PHÓNG (*): Những mối tình pha lê

Bài và ảnh: YẾN ANH

Suốt chiều dài cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đã có hàng vạn lá thư được chiến sĩ viết vội trên đường hành quân, dưới hầm trú ẩn… Ở đó là những câu chuyện tình bất tử, trong suốt như pha lê

Cuộc tình ngắn ngủi của liệt sĩ Võ Văn Phương (Đại hội 32, Trung đoàn 270, Trung đoàn Pháo phòng không 240, đảo Cồn Cỏ) với cô gái Phạm Thị Hiền ở Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) qua bức thư được trưng bày tại triển lãm "Thư, nhật ký thời chiến" ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam gây xúc động mạnh trong lòng người xem.

Giữ lấy đảo như giữ lòng chung thủy

Trong bức thư đề ngày 7-5-1965, bà Hiền viết: "Phương anh yêu mến! Sắp sửa xa nhau và xa mãi, biết nói gì đây hở anh. Anh Phương ơi, tình yêu của chúng ta dựng lên chưa đầy hai tháng thế mà một ngày gần đây anh lại xa em. Anh ạ, chúng ta sống bên nhau thật tha thiết. Công tác sản xuất đều có nhau. Hạnh phúc nhất sau những giờ làm việc mệt nhọc là em ngồi bên anh cất lên những lời ca tiếng hát để động viên cho anh. Em không thể quên được hình ảnh âu yếm nhất: anh luôn vuốt ve lên mái tóc em".

Trong bức thư hiếm hoi đáp lại người vợ trẻ, ông Phương bày tỏ tình cảm của mình: "Hiền em mến thương. Ngày tháng cứ lặng trôi đi, lòng mong đợi của anh ngày nay đã thành sự thật. Đã bao nhiêu ngày thấm thoát trôi đi, hiện anh đã nhận được thư của em, mà lòng xúc động vô biên. Hiền em, nhất là những đêm trăng sáng, những cảnh mà em đang nhè nhẹ bước vào... Ôi những tháng năm đó bây giờ có còn đâu với anh nữa, chỉ để lại cho em bao nhiêu kỷ niệm thương nhớ và trìu mến, mà ngàn năm cũng không quên được nhau".

Tháng 7-1965, bà Hiền viết lại những dòng tha thiết: "Người xa cảnh nên yêu phong cảnh, em xa anh luôn nhớ đến anh. Nhưng anh ạ, đối với anh, em chỉ mong anh tích cực công tác, nắm chắc tay súng giữ lấy Cồn Cỏ thân yêu, quyết không để quân thù cướp lấy. Đó là điều mong muốn duy nhất của em, anh giữ lấy đảo như giữ lòng chung thủy của em không để một ai cướp mất. Còn em, em sẽ thay anh chăm bón cho vườn hoa mà bấy lâu nay em và anh cùng xây đắp để một ngày gần đây chúng ta thấy quả…".

KÝ ỨC NGÀY GIẢI PHÓNG (*): Những mối tình pha lê - Ảnh 1.

Bức thư chị Phạm Thị Minh Hiền gửi chồng - liệt sĩ Võ Văn Phương

Chiến tranh quá khắc nghiệt, chỉ hai tháng sau bức thư ấy, tháng 9-1965, bà Hiền đã nhận được tin chồng hy sinh. Có nỗi đau nào bằng nỗi đau của vợ trẻ mất chồng, mất đi một điểm tựa, một niềm hy vọng. Nhưng nén nỗi đau, bằng một tinh thần thép của người con gái Vĩnh Linh anh hùng, bà viết cho các đồng đội của chồng những dòng đầy ý chí: "Vì chiến tranh nên có cảnh cha xa con, vợ lìa chồng mà tôi là một trong trăm ngàn người khác đang nằm trong hoàn cảnh ấy. Các đồng chí ơi, tin chắc các đồng chí cũng vì sự nghiệp, vì những người anh chị của mình đang đau khổ nên các đồng chí không tiếc máu, không tiếc mồ hôi, quyết đem mình xây đắp. Hôm nay, gia đình tôi họp mặt để làm lễ cho anh Phương đã mất, tôi rất buồn vì mình đã từ biệt một người chồng đáng yêu. Mà cũng từ nay, hạnh phúc của tôi đã hết. Nhưng dù sao đi nữa, tôi cũng không thể tiếc, mà biến đau thương ấy thành sức mạnh quyết làm sao cho xứng đáng lời hứa khi chồng còn sống".

Mãi mãi tuổi đôi mươi

Ngược thời gian để tìm lại ký ức thời thanh xuân, bà Trần Thị Minh (ngụ quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) không khỏi bồi hồi khi dừng lại ở chiếc tủ có bày cuốn nhật ký của liệt sĩ Đỗ Đình Xô (hy sinh năm 1972). Bà Minh kể thuở hai người mười tám đôi mươi đã dành cho nhau nhiều lời hẹn ước trước khi liệt sĩ Đỗ Đình Xô ra chiến trường. 

KÝ ỨC NGÀY GIẢI PHÓNG (*): Những mối tình pha lê - Ảnh 2.

Bà Trần Thị Minh (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) – bạn gái năm xưa của Liệt sĩ Đỗ Đình Xô - đọc những bức thư tại triển lãm

"Ngày đó, chúng tôi còn rất trẻ con, ngây thơ. Tình cảm thời con gái 18 tuổi rất nhẹ nhàng và lãng mạn. Trong buổi giao quân, anh nói với tôi: "Em yên tâm ở nhà, anh đi đánh giặc sớm về, rồi chúng mình cùng đi trên con đường đỏ lửa nắng hè". Anh ấy đi sau đó ít lâu thì tôi có nhận được vài lá thư nhưng một thời gian nữa thì không còn tin tức gì. Giờ tôi vẫn nhớ những câu thơ anh ấy viết trong lá thư gửi tôi: Đóa hoa em để trên bàn/Hoa theo năm tháng thời gian đổi màu/Tình ta muôn thuở dài lâu/Nếu không nguyện để kiếp sau làm người" - bà Trần Thị Minh nhớ lại những kỷ niệm xưa.

Những lá thư của bà Ngô Thị Minh Yến (xóm 5, xã Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội) gửi ông Nguyễn Hồng Quế (Tiểu đội trưởng C2, D58, Binh trạm 37, F470, Đoàn 559) cũng được giới thiệu rất trân trọng trong triển lãm "Thư, nhật ký thời chiến". Những dòng tâm sự mà người con gái Hà Nội gửi người yêu ở chiến trường vào tháng 10-1973 chan chứa yêu thương: "Đêm nay trăng sáng quá, ở xứ đồi đất đỏ miền Việt Bắc xa xôi này em ngày đêm nhớ về quê mẹ. Có thể anh lại cho là bọn con gái như em mềm yếu chăng? Cứ như các anh cái chết lúc nào cũng kề bên, một sống một chết với quân thù thì chẳng còn lúc nào rảnh rỗi mà suy nghĩ viển vông được. Có sống xa gia đình mới thấy hết thế nào là nỗi nhớ thương, em cảm thấy nó đáng quý và thiêng liêng hơn tất cả"…

KÝ ỨC NGÀY GIẢI PHÓNG (*): Những mối tình pha lê - Ảnh 3.

Bức thư chan chứa yêu thương được Phó Chủ nhiệm chính trị Chiến dịch Điện Biên Phủ Lê Quang Đạo viết cho vợ - bà Phan Thị Tuệ, vào ngày 19-3-1954

Dù ở nơi chiến trường ác liệt nhất, ngày 19-3-1954, Phó Chủ nhiệm chính trị Chiến dịch Điện Biên Phủ Lê Quang Đạo vẫn dành những dòng chan chứa yêu thương cho bà Phan Thị Tuệ - cán bộ phụ nữ tỉnh Phú Thọ. Những dòng chữ mộc mạc chứa đựng yêu thương da diết: "Tuệ yêu. Lần trước khi còn ở L, anh có gửi thư về cho Tuệ, không hiểu có nhận được không? Anh về cơ quan cách đây 10 hôm, về gần đến nơi thì nhận được thư Tuệ mừng quá. Anh xem các thư khác trước, thư Tuệ sau và xem từng đoạn một để được dài hơn. Anh thích nhất là biết Tuệ được đi tham gia phát động quần chúng. Anh chỉ lo là Tuệ yếu. Tuệ viết thư còn ngắn quá, nhất là chuyện hai cu chó ít quá…".

Theo Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, 200 bức thư, nhật ký thời chiến được trưng bày tại bảo tàng giúp công chúng hiểu rõ hơn tình yêu quê hương đất nước, niềm tin sắc son vào công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của người chiến sĩ.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo