Triển lãm 200 bức thư, nhật ký thời chiến vừa được Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức tại TP Hà Nội, nhằm giới thiệu tới đông đảo người xem nhân dịp kỷ niệm 43 năm thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2018).
Đằng đẵng nhớ thương
Ông Nguyễn Văn Cân (79 tuổi, anh trai liệt sĩ Nguyễn Văn Dân) dìu người mẹ 99 tuổi Đỗ Thị Hò đến dự lễ khai mạc triển lãm từ sáng sớm, vào ngày 26-4. Cụ Đỗ Thị Hò lặng lẽ chạm tay vào bức thư của con trai được in to treo ở triển lãm. Gương mặt người mẹ già đượm nỗi nhớ thương người con đã ra đi suốt mấy chục năm.
Bà lắng nghe ông Cân chậm rãi đọc bức thư trong niềm xúc cảm vô bờ: "Bố mẹ ạ, ngày tháng sao cứ trôi qua nhanh thế, đến nay con đã ra đi gần một năm trời. Đằng đẵng con phải xa bố mẹ, anh chị và các cháu. Ôi biết bao nỗi nhớ thương của con với gia đình và bao nỗi nhớ thương của gia đình đối với con. Lắm đêm con nằm ngủ mơ màng được về thăm gia đình, được ngồi quây quần cùng bố mẹ, các anh chị và cháu, sao lúc đấy con cảm thấy sung sướng vô cùng. Nhưng ôi, một lúc sau con tỉnh dậy thì chẳng thấy gia đình bố mẹ đâu cả, chỉ thấy một mình nằm trong một công sự nhỏ hẹp mà thôi…".
Những bức thư thời chiến được giới thiệu tại triển lãm
Ông Nguyễn Văn Cân cho biết trong thời gian đi chiến đấu, liệt sĩ Nguyễn Văn Dân gửi về gia đình 26 bức thư. Tất cả đều được gia đình tặng lại cho bảo tàng cất giữ. "Bức thư nào gửi về, em tôi cũng luôn bày tỏ ý chí, tinh thần chiến đấu kiên cường. Chúng tôi rất tự hào về điều đó. Mẹ tôi đọc thư của em lần nào cũng đều xúc động, nhưng giờ bà đã không còn khóc nữa. Hôm nay, tôi đọc lại thư của em cho mẹ, cụ lắng nghe và gật đầu hạnh phúc" - ông Nguyễn Văn Cân xúc động chia sẻ.
Rất nhiều trong số 200 bức thư, nhật ký được giới thiệu trong dịp này khiến người xem xúc động. Đó là lá thư chiến sĩ Nguyễn Bá Hạnh (Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 - Sư đoàn Sao Vàng - Quân khu 5) gửi cho mẹ Đào Thị Chanh (thôn Đặng Giang, xã Hòa Phú, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Sơn Bình cũ) vào ngày 15-11-1970. Thư có đoạn: "Mẹ kính thương. Năm năm biền biệt, biết bao những nhớ thương của mẹ đối với con. Con rất hiểu tâm tư tình cảm của mẹ nhưng con biết làm thế nào. Con chỉ biết lau nước mắt nuốt hận, căm thù quân cướp nước gây nên đau khổ này, càng hăng say công tác và chiến đấu với kẻ thù...".
Cũng chung nỗi nhớ nhà da diết ấy, chiến sĩ Nguyễn Thế Phê (pháo thủ số 1, khẩu đội pháo 57 li Đại đội 516 Tiểu đoàn 51) đã viết những dòng chứa chan tình cảm gửi bố Nguyễn Thế Trang (xã Vân Trương, huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc cũ): "Thầy u cùng các anh chị thân mến. Thế là đã mấy tháng con xa nhà đi vào cuộc đời bộ đội. Cuộc đời bây giờ đi vào là cuộc chiến đấu nay đây mai đó không biết đâu mà lường trước được. Chắc thầy u lo cho con lắm nhỉ. Nhưng không sao đâu…".
Gửi vào tình yêu đất nước
Chiến tranh dù khắc nghiệt đến thế nào thì cũng không thể làm nguội lạnh những trái tim tha thiết yêu nhau, dù những người đi đang ở nơi chiến trường khắc nghiệt nhất của đất nước.
Hơn 60 năm, lá thư đề ngày 26-1-1954 mà bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (nhân viên Phòng chính trị Bình Trị Thiên) gửi chồng Phan Khắc Hy (Chính ủy Trung đoàn 18 Đại đoàn 325) vẫn khiến người đọc nghẹn ngào xúc động. "Trời lạnh cóng cả tay, mưa ướt át chứ không tạnh ráo như mọi hôm. Em vẫn khỏe, nhớ anh và mong chiến thắng. Lạnh quá, anh của em chú ý giữ gìn sức khỏe và đừng đau, công tác có kết quả em mừng nhiều hơn. Anh ạ, hoàn cảnh sống gần anh hiếm có, nhiều điều anh xây dựng cho em nó cũng ít đi so với thời gian nhưng những điều anh đã dặn em ghi nhớ và chú ý làm đúng. Tích cực nhìn vào tương lai nó không còn những gì lo lắng phải không anh?... Thôi gửi anh với tất cả tình thương nhớ của em ở đây và cầu mong anh vui mạnh nhiều hơn" - bức thư biểu lộ.
Ngày 7-5-1975, Thiếu tướng Phan Khắc Hy (nguyên Phó Tư lệnh Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn) đã gửi bức thư đầu tiên sau ngày giải phóng cho vợ. Vẫn chứa chan yêu thương, bức thư khiến nhiều người xúc động: "Em yêu! Chắc em không ngờ ngày 7-5 năm nay anh lại ngồi viết thư cho em tại Sài Gòn đã giải phóng… Nhiều cảm xúc đặc biệt, nhiều chuyện Sài Gòn trước, trong và sau ngày giải phóng không thể viết vội cho em được. Anh sẽ ghi nhật ký 2 tháng qua, bây giờ phải dành thì giờ để ghi lại những ngày lịch sử anh đã sống để sau này về kể lại, để em cùng sống với anh những ngày tháng này...".
Cũng trong những ngày lịch sử đó, Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền (Tham mưu trưởng Chiến dịch Hồ Chí Minh) cũng viết một lá thư chứa chan tình cảm gửi vợ là bác sĩ Lương Ngọc Thư (Bệnh viện Đống Đa, TP Hà Nội). Lá thư đề ngày 15-5-1975 viết: "Thư yêu quý. Tuy trước khi tấn công vào Sài Gòn, đã biết chắc chắn rằng nhất định bộ đội ta sẽ thắng 100%... Quân ta tiến vào Dinh Độc Lập, tất cả trong cơ quan chỉ huy, từ những đồng chí già tóc bạc phơ đến các anh em cán bộ hãy còn trẻ, mọi người đều ôm chầm lấy nhau mừng mừng tủi tủi. Bao nhiêu năm chiến đấu mới có ngày này, giờ này, và tự nhiên nước mắt chảy rào rào, nhiều đồng chí cười và khóc nức nở, thật là không thể tưởng tượng được giờ phút lịch sử đó ta sống như thế nào".
Những bức thư, trang nhật ký được ghi chép trên những trang giấy dù đã ngả vàng theo thời gian nhưng nó mãi không phai trong ký ức lịch sử oai hùng của dân tộc, giúp người xem thêm hiểu về những hy sinh của các liệt sĩ, người lính để đất nước có được cuộc sống thanh bình hôm nay.
Tài liệu quý báu
Hơn 200 bức thư, nhật ký thời chiến giới thiệu tại triển lãm là tài liệu quý báu, thể hiện tinh thần, ý chí cách mạng và tình yêu chan chứa của người chiến sĩ với người thân. Trong đó có những trang nhật ký nổi tiếng của các liệt sĩ đã được in lại thành sách như: Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc, Đỗ Đình Xô… và rất nhiều trang thư, nhật ký của những liệt sĩ như Võ Thị Tần, Lê Thị Riêng, Lê Văn Huỳnh, Phạm Thị Hiền hay nhật ký bằng tranh của liệt sĩ Lê Đức Tuấn…
Kỳ tới: Những mối tình pha lê
Bình luận (0)