Nguyễn Hữu Tiến hiệu là Thuận Nghĩa. Vì thế, khi phong tước, ông được phong là Thuận Nghĩa Hầu, gọi tắt thành (hầu tước) Thuận. Chữ "Thuận" này và chữ "Chiêu" (trong tước hiệu Chiêu Vũ Hầu của danh tướng Nguyễn Hữu Dật ở thế kỷ XVII) được nhắc đến trong bài thơ Hán ngữ cổ (dịch): "Trước hết lòng người "thuận"/ Sau ban đức hóa "chiêu"/ Cành lá dù rơi rụng/ Gốc rễ khó mà xiêu" ca ngợi 2 võ tướng - đại công thần đắc lực giúp các chúa Nguyễn giữ đất trong sự nghiệp Nam tiến - mở đất xứ Đàng Trong.
Đường đến với chúa Nguyễn
Nguyễn Hữu Tiến là người làng Văn Trai, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, trấn Thanh Hoa (tức tỉnh Thanh Hóa bây giờ). Ông sinh năm Nhâm Dần (1602), kém Đào Duy Từ - khai quốc công thần nhà Nguyễn - 30 tuổi. Là đồng hương xứ Thanh, con đường đến với các chúa Nguyễn ở xứ Đàng Trong của Nguyễn Hữu Tiến cũng phần nào giống Đào Duy Từ.
Trước tiên là việc chuyển cư từ Thanh Hóa vào Bình Định. Ta chưa biết được lý do và động cơ của cuộc di cư này nhưng đã rõ địa danh Bồng Sơn chính là nơi Nguyễn Hữu Tiến từ xứ Đàng Ngoài tìm đến ở.
Bấy giờ là năm 1631 - đúng vào năm mà Đào Duy Từ đã có vị thế đặc biệt cao ở triều đình chúa Nguyễn Phúc Nguyên và hoàn thành công việc đắp dựng tòa Lũy Thầy nổi tiếng, Nguyễn Hữu Tiến, lúc này ở tuổi 29, đã tìm đến ra mắt họ Đào.
Gặp Nguyễn Hữu Tiến, Nội tán Đào Duy Từ biết đây là người đồng hương có chí lớn. Sau vài cuộc thử thách, họ Đào mừng rỡ thu nạp ngay Nguyễn Hữu Tiến dưới trướng, lại gả con gái rồi tiến cử với chúa Nguyễn.
Đúng lúc ấy, chúa Nguyễn Phúc Nguyên vừa bắt đầu cuộc Trịnh Nguyễn phân tranh, giao chiến dữ dội lần thứ nhất - mở màn cho tất cả 7 lần chiến tranh - với chúa Trịnh Tráng từ xứ Đàng Ngoài vào tấn công. Vì vậy, chúa Nguyễn rất cần các võ quan, tướng lĩnh dưới cờ, để giữ đất mà mở đất.
Do đó, Nguyễn Hữu Tiến được cử ngay làm đội trưởng, đứng đầu một "thuyền" (đơn vị thủy quân) có phiên hiệu là "Nội thủy dịch cần". Liên tiếp sau đó, vừa tham chiến vừa thăng tiến, Nguyễn Hữu Tiến lần lượt trải qua các chức: Cai đội, chưởng cơ, rồi cuối cùng là chưởng dinh - tiết chế, trong quân ngũ xứ Đàng Trong.
Lũy Thầy ở TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình ngày nay, với 3 lũy chính. Trong đó, lũy Trấn Ninh (Động Hải) từng được xây cao 6 m, dài 12 km. (Ảnh: HOÀNG PHÚC)
"Võ công đệ nhất" trong cuộc Trịnh - Nguyễn phân tranh
Những chức vụ chỉ huy từ thấp đến cao rồi cao nhất mà Nguyễn Hữu Tiến có được là do ông đã tham gia hầu như tất cả các cuộc chiến tranh với xứ Đàng Ngoài.
Sách "Đại Nam thực lục Tiền biên" chép: Ngay từ lần chiến tranh thứ hai, vào năm 1633, khi chúa Trịnh Tráng dẫn đại quân vào đánh cửa Nhật Lệ, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã cử Nguyễn Mỹ Thắng làm đại tướng, Nguyễn Hữu Dật làm đốc chiến, còn Nguyễn Hữu Tiến thì chuyên trách việc đắp lũy thềm Trường Sa (tức Động Cát) để bảo vệ công trình Lũy Thầy mà cự lại. Một tuần sau ngày khởi chiến, quân xứ Đàng Trong chủ động phản công, xông từ các lũy ra đánh khiến quân xứ Đàng Ngoài chết quá nửa, phải rút chạy về.
Ở lần chiến tranh thứ tư, vào năm 1648, khi chúa Trịnh Tráng sai các tướng quân thủy bộ vào đánh, chúa Nguyễn bấy giờ là Nguyễn Phúc Lan cử thế tử Nguyễn Phúc Tần ra chỉ huy kháng cự. Nguyễn Hữu Tiến được giao nhiệm vụ tiên phong, dẫn đạo tượng binh gồm 100 thớt voi xung trận.
Trong đêm tối, Nguyễn Hữu Tiến đã dũng mãnh dùng voi - có Nguyễn Phúc Tần đem bộ binh theo sau yểm hộ - xông thẳng vào dinh quân Trịnh. Giáp chiến ác liệt một hồi, cuối cùng quân Trịnh đại bại, phải rút về Bắc. Bên quân Nguyễn, ngoài việc giết tại trận vô số quân Trịnh còn bắt sống được cả tướng lẫn quân là 3 vạn người xứ Đàng Ngoài. Sử nhà Nguyễn về sau gọi đây là "võ công đệ nhất" trong cuộc Trịnh - Nguyễn phân tranh.
Bảy năm sau trận thắng ở cuộc chiến tranh lần thứ tư - năm 1648, sự nghiệp cầm quân đánh trận của Nguyễn Hữu Tiến lên đến đỉnh cao nhất. Ông được thế tử Nguyễn Phúc Tần - lúc này đã lên ngôi Chúa Hiền (Hiền Vương) - cử làm Tiết chế, tổng chỉ huy cuộc chiến tranh lần thứ năm, trong chiến cuộc 7 lần của 45 năm Trịnh - Nguyễn phân tranh.
Lần chiến tranh thứ năm có hai đặc điểm: Kéo rất dài về mặt thời gian, đến tận 5 năm (1655 - 1660); là lần duy nhất quân chúa Nguyễn chủ động vượt sông Gianh đánh xứ Đàng Ngoài, ra đến tận vùng sông Lam.
Mở đầu cuộc chiến tranh lần này, Nguyễn Hữu Tiến - có Nguyễn Hữu Dật theo giúp, làm đốc chiến - tung quân qua sông Nhật Lệ, tiến đến tận Đèo Ngang đánh chiếm gọn đất Bắc Bố Chính (Bắc Quảng Bình ngày nay). Mất vùng đất vẫn được dùng làm bàn đạp tấn công xứ Đàng Trong ở các lần chiến tranh trước, quân Trịnh lui về giữ Đèo Ngang, chặn đường đánh tiếp ra xứ Nghệ của quân Nguyễn.
Nguyễn Hữu Tiến nhân đà thắng lợi đã đưa ngay quân phá phòng tuyến Đèo Ngang của quân Trịnh, tiến ra mạn Bắc Hoành Sơn đánh tiếp. Trong 2 năm 1657 - 1658, đều vào tháng 9 âm lịch, thời tiết lụt lội vì mưa nhiều, nhờ Nguyễn Hữu Dật giỏi xem thiên văn, địa lý nên Nguyễn Hữu Tiến đã khai thác thời cơ (thời tiết), đánh đuổi quân Trịnh ra đến tận sông Lam. Quân Nguyễn đã chiếm được đến 7 huyện Nam sông Lam (gồm: Kỳ Hoa, Thạch Hà, Thiên Lộc, Nghi Xuân, La Sơn, Hương Sơn, Thanh Chương) của xứ Đàng Ngoài.
Mất nhiều đất, kể cả dân cùng quân và tướng nữa, các chúa Trịnh dốc sức tìm mọi cách đánh lại. Lúc này, từ năm 1657, chúa Trịnh Tráng đã mất, con là Trịnh Tạc lên thay ngôi chúa. Trịnh Tạc cử thế tử là Trịnh Căn làm thống lĩnh, cùng với nhiều tướng giỏi như Lê Thì Hiến, Lê Sỹ Triệt, Đào Quang Nhiêu… đem đại binh vào lấy lại miền Nam xứ Nghệ (nay là Hà Tĩnh).
Tướng lĩnh và quân đội Trịnh - Nguyễn còn quần thảo, đánh nhau dữ dội nhiều trận trong các năm 1658 và 1659 trên miền đất Nam sông Lam - Bắc Đèo Ngang hoang tàn. Đến năm 1660, vì thấy quân Trịnh quá mạnh và quyết chí lấy lại đất đã mất, Nguyễn Hữu Tiến đã chủ động xin Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần - lúc này đưa quân ra đóng ở Phù Lộ (Bắc Bố Chính - Bắc Quảng Bình) để yểm trợ - cho rút quân về.
Tháng 10 năm Canh Tý (1660), sau trận đánh làm chết nhiều người ở Hoành Sơn (Đèo Ngang) giữa quân Nguyễn rút chạy và quân Trịnh đuổi theo, Nguyễn Hữu Tiến - cùng Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần, đốc chiến Nguyễn Hữu Dật… - đưa được lực lượng còn lại về đến Nhật Lệ, yên vị như tình hình trước đó 5 năm.
Hiển vinh khi tàn cuộc
Có một chút tị hiềm giữa Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật - 2 danh tướng, đại công thần xứ Đàng Trong thời Nam tiến - mở đất.
Trong cuộc rút quân cuối lần chiến tranh thứ năm (năm 1660), Nguyễn Hữu Tiến không những không cho biết kế hoạch lui binh mà còn một mình rút chạy, bỏ mặc Nguyễn Hữu Dật ở lại trận tiền. Nếu không nhanh trí, dùng mưu lừa địch mà đưa quân theo về, Nguyễn Hữu Dật đã bị bắt.
Cho nên, đến lần chiến tranh thứ sáu (năm 1661 - 1662), quyền Tiết chế cầm quân chống lại lực lượng từ xứ Đàng Ngoài của chúa Trịnh Căn vào tấn công đã thuộc về Nguyễn Hữu Dật. Nguyễn Hữu Tiến chỉ được giao chỉ huy phòng ngự ở cửa Nhật Lệ mà thôi.
Đến tháng 6 năm Giáp Thìn (1664), Nguyễn Hữu Tiến bắt đầu lâm bệnh nặng. Vào tháng 7 năm Bính Ngọ (1666), ông qua đời ở nơi đóng quân.
Cả triều đình chúa Nguyễn và nhân dân xứ Đàng Trong đều coi Nguyễn Hữu Tiến là một tài năng quân sự xuất chúng, công lao rất lớn trong sự nghiệp giúp chúa Nguyễn giữ đất để mở đất xứ Đàng Trong. Cụ thể, trong lần chiến tranh thứ tư (năm 1648) và thứ năm (1655 - 1660), 3 vạn chiến tù quân Trịnh mà ông bắt được, kể cả tổ tiên của anh em nhà Tây Sơn mà ông đưa về từ xứ Nghệ, đều được chuyển hóa thành lực lượng lao động mở đất rất hữu ích ở các vùng từ Thuận Quảng vào tận Bình Định.
Vì thế, ngay sau khi vừa mất, Nguyễn Hữu Tiến đã được triều đình truy tặng tước Quận công, giữ nguyên chức Tiết chế, gọi là Tiết chế Thuận Quận công. Đến đời trị vì của vua Gia Long, Nguyễn Hữu Tiến được xem là một Khai quốc công thần, được thờ phụng ở Thái Miếu. Vào thời Minh Mạng, ông còn được truy tặng tước Anh Quốc Công và được thờ ở Võ Miếu.
Bình luận (0)