Ông tên thật là Nguyễn Văn Thụy, vì kỵ "Quốc húy" nhà Nguyễn nên gọi chệch Thụy thành Thoại.
Lễ hội Văn hóa truyền thống được huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) tổ chức vào ngày 10-3 âm lịch hằng năm nhằm tri ân công đức của danh thần Thoại Ngọc Hầu và các bậc tiền nhân đã có công khai mở vùng đất Thoại Sơn. (Ảnh: TTXVN)
Võ tướng thời Nguyễn sơ
Ông sinh năm 1761 ở làng An Hải thuộc huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn (Quảng Nam), nay là phường An Hải Tây, quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng).
Gặp thời loạn lạc (Trịnh Nguyễn phân tranh, Tây Sơn khởi dấy), cha lại mất sớm, nên vào năm 1775, ông được mẹ dẫn cùng hai em chạy loạn về phương Nam, định cư tại làng Thới Bình, trên Cù lao Dài, nay thuộc huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Ở đấy, lúc này ông ở tuổi 16 và năm 1777 bắt đầu theo phò chúa Nguyễn Ánh.
Chỉ 2 năm sau lúc bắt đầu đứng dưới lá cờ "Phục Quốc" của chúa Nguyễn Ánh, sự nghiệp chiến trận của Nguyễn Văn Thoại đã chọn quân Tây Sơn làm đối tượng thứ nhất để giao tranh.
Đó là những trận đánh để giành giật với Tây Sơn tòa thành Gia Định, đầu tiên là vào năm 1778, rồi sau đó là các năm 1787 và 1789. Chức Cai cơ được phong ngay vào độ tuổi 20 của Nguyễn Văn Thoại là nhờ có chiến công ở những trận đánh thành Gia Định này.
Đến thời gian tạo được đà lấn lướt thế lực đối thủ số một là Tây Sơn, vào mấy năm đầu thế kỷ XIX, sự nghiệp quân sự chủ yếu của Nguyễn Văn Thoại vẫn là giao tranh với lực lượng này. Như vào năm 1800 được phong làm Khâm sai Thượng đạo Bình Tây (Sơn) Tướng quân, Nguyễn Văn Thoại đã dẫn quân sang tận Ai Lao để phối hợp với binh lực nước này đánh quân Tây Sơn ở Nghệ An.
Năm 1802 đưa quân ra Bắc, tận diệt Tây Sơn, thu phục Bắc Thành, vẫn lại là Nguyễn Văn Thoại chỉ huy. Đến khi toàn thắng, từ chỉ huy chuyển sang trấn thủ, thì địa bàn Bắc thành được giao cho Nguyễn Văn Thoại làm Trấn thủ, đó là trọng trấn Lạng Sơn.
Võ nghiệp làm quan Trấn thủ, từ đó gắn với sự nghiệp theo phò chúa Nguyễn Ánh, rồi vua Gia Long, của Nguyễn Văn Thoại. Năm 1808 ông được gọi về Nam làm Trấn thủ Định Tường, rồi Trấn thủ Vĩnh Thanh (năm 1817). Cho đến 2 năm trước khi mất, trong năm 1827 ông vẫn là người cho lập hai đạo quân Châu Đốc và An Hải ở cương vị là Trấn thủ Châu Đốc và Hà Tiên.
Lăng mộ Thoại Ngọc Hầu ở An Giang
Thống chế - Bảo hộ Cao Miên
Ở thời gian theo phò Gia Long Nguyễn Ánh, rồi vào những năm đầu phục vụ triều Minh Mạng, Nguyễn Văn Thoại còn nổi tiếng là một "chuyên gia" về các vấn đề Xiêm La và Cao Miên.
Trong hai lần chúa Nguyễn Ánh - lúc đang còn ở "dưới cơ" quân Tây Sơn - phải "tẩu quốc", bôn ba sang Xiêm La cầu viện (vào các năm 1784 và 1785), Nguyễn Văn Thoại đều có mặt, tháp tùng. Nhiều lần sau đó, vào các năm 1792, 1796, 1797, 1799, ông đều được cử đi Xiêm La, trong vai võ tướng - sứ thần, có lần - như vào năm 1792 - còn kiêm cả chỉ huy giao tranh với cướp biển trên đường làm "con thoi" đi và về.
Đối với Cao Miên, Nguyễn Văn Thoại còn có vai trò quan trọng hơn nữa. Ở thời Nặc Ông Chân làm vua Cao Miên (tức Ang Chan II), gặp rắc rối nội bộ vương triều, Nguyễn Văn Thoại là người được cử sang nước ấy, đón Nặc Ông Chân về Gia Định, tị nạn vào năm 1812. Đến năm 1813 thì chính Nguyễn Văn Thoại lại là người đem quân hộ tống Nặc Ông Chân về nước, rồi ở lại đó, làm quan "Bảo hộ" trong thời gian 3 năm.
Vẫn liên quan đến Cao Miên, vào năm 1820, khi có cuộc nổi dậy của Sư Kế, người Khmer Nam Bộ, lúc đầu đánh phá vùng Phiên An, sau tràn sang Cao Miên gây rối, thì Tổng trấn Gia Định thành lúc đó là Lê Văn Duyệt đã cử Nguyễn Văn Thoại đi trấn dẹp.
Đánh tan cuộc nổi dậy, chém chết Sư Kế tại trận, vào năm 1821, Nguyễn Văn Thoại lại được phong làm Thống chế - Bảo hộ Cao Miên. Một tên gọi quen thuộc của ông - là "Bảo hộ Thoại" - có nguồn gốc từ đó.
Du khách thăm viếng lăng mộ Thoại Ngọc Hầu. Ảnh: NGỌC TRINH
Sự nghiệp kinh bang tế thế
Bảng tóm lược công lao của Nguyễn Văn Thoại còn ghi: Trong 52 năm hoạt động công vụ, ông đã có 7 lần sang Xiêm La, 2 lượt đi Ai Lao và 11 năm giữ trọng trách "Bảo hộ Cao Miên".
Nhưng, còn quan trọng hơn thế nữa, là sự nghiệp kinh bang tế thế của ông ở quốc nội: Mở đất, lập làng, đào sông, làm đường…
Ngay từ năm 1817, khi được cử làm Trấn thủ Vĩnh Thanh, thì vì đất Cù lao Dài trên sông Cổ Chiên là quê hương thứ hai của ông (sau quê gốc An Hải - Đà Nẵng) lại cũng là quê vợ - bà chính thất Châu Thị Tế, cho nên đây cũng là nơi đầu tiên ông đầu tư công sức dựng xây nền phát triển, với kết quả rất khả quan là: Lập được 5 ngôi làng trù phú trên đất cù lao.
Điền đầy những khu dân cư trên các miền đất còn hoang vắng của Nam Bộ, là yêu cầu lớn lao của sự nghiệp mở đất "sau Nam Tiến" mà Nguyễn Văn Thoại đã nhận thức được và tiếp tục đứng ra gánh vác. Vào năm 1823, sắp hoàn thành việc đào kênh Vĩnh Tế, ông đã "tranh thủ" chiêu dân lập ấp, tổ chức nên 5 ngôi làng nữa ở bên bờ kênh là: Vĩnh Ngươn (Nguyên), Vĩnh Gia, Vĩnh Điều, Vĩnh Thông và Vĩnh Tế - là ngôi làng, cùng với dòng kênh, mang chữ "Tế" - tên người vợ hiền thảo và công huân của ông.
Sách "Đại Nam thực lục" chép về việc Nguyễn Văn Thoại thành lập "5 ngôi làng Vĩnh" này, có đoạn viết: "Trấn thủ Châu Đốc là Thống chế Nguyễn Văn Thoại, trước mộ dân dời đến ở đất biên thùy, đặt ra 20 xã thôn, vay của công 1.900 quan tiền và 1.500 phương gạo cho dân, đã được hoãn (nợ) nhiều năm, dân vẫn chưa trả được. Đến nay, Thoại đem của nhà ra trả bù cho dân" đã cho đời sau biết rõ phương thức và tấm lòng của người lập làng để mở đất họ Nguyễn là: Vay gạo tiền nhà nước để chi dùng trong sự nghiệp công, nhưng đáo hạn vay mượn thì tự đem của riêng ra trả. "Chí công vô tư" ở nơi Nguyễn Văn Thoại là như thế!
Chắc chắn, cũng với tinh thần ấy, hai con đường biên giới là: Đường từ Châu Đốc - Lò Gò - Sóc Vinh và lộ từ Núi Sam - Châu Đốc đã được Nguyễn Văn Thoại cho đắp, vào các năm 1825 và 1826 - 1827.
Cuối cùng, nhưng quan trọng nhất, là việc đào kênh. Sự nghiệp kinh bang tế thế, giúp dân và giúp nước, mở đất và giữ đất của Nguyễn Văn Thoại, để lại cho đời, là hai con sông trên biên thùy Tây Nam đất nước, đến ngày nay vẫn đầy đủ các giá trị: Kinh tế, quốc phòng và dân sinh.
Cuối đời trị vì của vua Gia Long, vào năm 1818, Nguyễn Văn Thoại cho đào dòng kênh dài hơn 30 km, nối rạch Đông Xuyên (Long Xuyên) với Rạch Giá (Giá Khê). Công lao đào sông rất lớn của ông đã khiến vua Gia Long xuống lệnh cho ngọn núi Sập ở đầu kênh được mang tên ông, là Thoại Sơn và dòng kênh cho ông chỉ huy đào, cũng thế, là: Thoại Hà!
Đầu đời trị vì của vua Minh Mạng, vào năm 1824, Nguyễn Văn Thoại lại hoàn thành việc đào dòng kênh thứ hai, dài 87 km, nối Châu Đốc với Hà Tiên, sau 4 lần phải tạm đình hoãn việc khơi đào kỳ vĩ mà gian khó, vất vả, cả hiểm nghèo nữa, khởi công từ năm 1819. Văn hóa dân gian Nam Bộ cho rằng: Chính vua Minh Mạng - nghiêm khắc là thế nhưng vẫn phải theo "công thức" của việc đặt tên núi và tên sông cho dòng kênh Long Xuyên - Rạch Giá, mà đặt tên cho ngọn núi Sam ở đầu dòng kênh Châu Đốc - Hà Tiên, cũng như cả dòng kênh, theo tên vợ của người chỉ huy đào kênh, là: Vĩnh Tế!
Sự chu toàn cuối cùng
Thoại Ngọc Hầu mất vì bệnh, ở nhiệm sở Châu Đốc, vào mùa hè năm Kỷ Sửu (1829), thọ 68 tuổi.
Hai năm trước đó, ông đã kịp trở lại thăm quê gốc An Hải (Đà Nẵng ngày nay) xây dựng mồ cao mả đẹp cho người cha đã mất sớm của mình.
Và từ nhiều năm trước đó nữa, ông cũng đã kịp chuẩn bị kiến thiết nơi an nghỉ cuối cùng cho mình, ở dưới chân núi Sam, để đến năm 1829 thì được đặt nằm ở giữa, tại đấy, với bên trái là nơi an táng bà thứ thất Trương Thị Miệt (mất từ năm 1821) và bên phải là bà chính thất Châu Thị Tế (mất năm 1826), cùng hơn 50 ngôi mộ nữa, ở mé sau, của những người thân thiết, trong đó có cả những người mà văn hóa dân gian cho là dân phu bị tử nạn khi đào kênh Vĩnh Tế.
Chốn linh thiêng này, bây giờ thành một "Địa chỉ đỏ" của kinh tế, văn hóa và du lịch, luôn năm thơm ngát khói hương của những người sùng mộ, tưởng niệm công đức lập làng, đào kênh, đắp đường, mở đất và giữ đất, của ông - Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại.
Bình luận (0)