Ðổ xăm hường lúc đầu chỉ dành cho chốn cung cấm triều Nguyễn, sau phổ biến dần ra các dinh phủ quan lại rồi mới ra dân gian. Xăm có nguồn gốc từ chữ "thiêm" trong chữ Hán, nghĩa là cái thẻ. Hường là lối đọc trại từ chữ Hồng, nghĩa là màu hồng, do âm Hồng có trong chữ Hồng Nhậm, là tên của vua Tự Ðức (1848-1883) nên phải kiêng cữ.
Làm từ xương bò
Căn nhà của ông Đặng Văn Tố (68 tuổi) cheo leo trên bờ thành Đại nội Huế ở đường Xuân 68, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế như một công xưởng thủ công mỹ nghệ. Giữa khoảng sân rộng, ông Tố cùng người phụ việc tất bật làm ra bộ xăm hường. "Vào những ngày Tết, người Huế vẫn còn chơi trò này nên đơn đặt hàng cũng khá. Để kịp giao hàng, tôi phải nhờ người phụ việc bởi làm ra bộ xăm hường đa công lắm" - ông Tố nói.
Từ trong nhà bước ra, vợ ông Tố mang theo một rổ đựng đầy xương bò bốc khói đã chuyển sang màu trắng. Bà mới luộc xong hơn 1 tạ xương bò, tranh thủ chút nắng hiếm hoi mùa đông để đưa ra phơi, kịp làm xăm hường giao cho khách. Ông Tố cho biết một bộ xăm hường gồm 6 hạt xúc xắc cùng một bộ thẻ 6 loại với 63 chiếc và một chiếc hộp bài trí làm từ gỗ. Các loại thẻ được gọi tên theo thứ tự là nhất hường, nhị hường, tứ tự (hay còn gọi là tứ tấn), tam hường, trạng em (bảng nhãn, thám hoa), trạng anh (trạng nguyên) và đều được làm từ xương bò. Không phải xương nào cũng có thể làm được mà chỉ có đoạn xương cẳng nhưng phải thuộc bò Thái Lan để vừa dài vừa to.
Ông Đặng Văn Tố bên bộ xăm hường
Theo ông Tố, để làm ra một bộ xăm hường phải cần ít nhất 5 kg xương cẳng bò, được lấy từ các lò mổ. "Giá xương không bao nhiêu, vợ chồng tôi làm lâu năm nên có bạn hàng, thứ này như bỏ đi nên rẻ. Tuy nhiên, đối với thẻ trạng nguyên phải cần xương to và dài nên có giá cao, tôi phải mua giá bằng với các chủ quán phở. Xương này người ta mua về nấu phở nên tôi mua về có thể róc thịt ra nấu cháo" - ông nói.
Những ống xương cẳng bò sau khi mua về được làm sạch, luộc và cưa ra từng khúc. Tiếp đó sẽ được ngâm với nước vôi tẩy trắng, phơi khô rồi mới xẻ ra từng mảnh để làm thẻ xăm. Các thẻ chạm trổ theo hình dáng ở trên giống với đầu trạng nguyên, phía dưới như chân đang mang hia thời xưa. Các hình ảnh ông trạng, chữ Hán Nôm kèm chữ Quốc ngữ để người chơi dễ dàng nhận biết khắc ở giữa bề mặt. Bên cạnh đó, màu sắc cũng tô điểm giống các ông trạng, khá bắt mắt, thông thường là màu đỏ và màu xanh. Sau đó, các thẻ sẽ được cạo sạch, đánh bóng, chỉ giữ lại nét mực ở đường khắc.
Yêu nghề mới làm
Hơn 40 năm theo nghề chế tác xăm hường, ông Tố cho rằng công đoạn khắc hình lên xương bò là khó nhất. Một bộ xăm hường có hồn hay không sẽ phụ thuộc vào khâu này. Vì thế, người theo nghề cần kiên trì và có một đôi tay tài hoa.
Ngày xưa, các thợ hành nghề chế tác xăm hường đều khắc hình thủ công, sử dụng thanh sắt sắc nhọn nên mất thời gian. Cách đây vài chục năm, các hình ảnh, chữ viết được in ra giấy sẵn sau đó dán lên rồi ép lại chặt. Làm như vậy cũng đẹp nhưng không bền, phải mất vài ngày mới xong bộ xăm hường. Vì vậy, ông Tố đã tự mày mò, dựa trên các thiết kế máy khắc do Pháp sáng chế, tận dụng những thiết bị từ máy may công nghiệp đã tạo ra máy khắc hình cho riêng mình nên giảm thời gian, làm xăm hường đẹp và khá bền.
Xăm hường trước đây làm từ ngà voi, nay làm bằng xương bò
Thời vua chúa nhà Nguyễn, xăm hường được làm bằng ngà voi. Khi lan truyền ra dân gian, do không có điều kiện nên các thẻ được làm bằng gỗ, tre và xương động vật. "Tôi chọn xương bò để chế tác vì nó dài, khi mài thì bóng loáng, không bị trầy xước và có độ bền, thẩm mỹ cao hơn so với làm từ gỗ, tre. Trước đây chưa có bò Thái Lan nhập về, phải lấy xương bò trong nước nên thẻ xăm ngắn hơn, ít bắt mắt" - ông Tố lý giải.
Đến nay, ông Tố có lẽ là người duy nhất ở Huế còn làm xăm hường. Hàng của ông bán ở nhiều nơi, từ cửa hàng bán lưu niệm thủ công mỹ nghệ, siêu thị và cả ở chợ truyền thống xứ Huế. Đối với ông, nghề làm xăm hường như một cơ duyên, hiện ít người chơi nhưng ông vẫn gắn bó.
"Tôi là người Huế, thời tôi còn nhỏ thì trò này ai cũng biết chơi. Nhà nghèo, không có tiền mua nên tôi tự lấy tre chế tác cho mình một bộ xăm hường để chơi cùng bạn bè. Sau chiến tranh, khi cuộc sống trở lại bình thường, một lần tình cờ ra chợ, tôi thấy sao người ta lại làm ra những bộ xăm hường xấu xí đến vậy. Thế rồi tôi mày mò chế tác sao cho đẹp, đúng giá trị như nó vốn có" - ông tâm sự.
Thợ làm xăm hường xưa kia chủ yếu là những người làm nghề mộc, khắc chạm nhưng với ông Tố lại xuất phát từ thợ cơ khí. Theo ông, đó là một sự bất lợi nhưng vào thời đại máy móc thì đây là lợi thế. Vì vậy, ông đã tự chế tạo ra các máy mài, khắc, các mẫu có sẵn để giảm bớt công đoạn mà sản phẩm làm ra phải chỉn chu, bền và có tính thẩm mỹ cao.
Dù tự hào kể về nghề nhưng ông Tố vẫn không giấu được nỗi buồn bởi trò chơi này đang dần mai một, thu nhập bấp bênh. Mỗi năm, ông chỉ làm được vài trăm bộ xăm hường, lời lãi không bao nhiêu nhưng đây là trò chơi mang tính giáo dục, giúp giới trẻ có ý chí học hỏi, thi thố như các vị trạng nguyên xưa kia nên ráng gìn giữ.
"Tôi muốn góp sức lưu giữ trò chơi này cho thế hệ trẻ, để con cháu sau này biết rằng Huế còn có một trò chơi mang đậm nét văn hóa đặc sắc. Niềm vui của tôi là dịp Tết cổ truyền, thi thoảng vẫn bắt gặp nhiều gia đình ở Huế chơi trò xăm hường do mình làm ra" - ông Tố tâm sự.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ ngày 7-1
Kỳ tới: Giang Nam - Người lưu giữ ký ức xứ trầm
Bình luận (0)