xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những người muôn năm cũ: Người giữ "hồn" bờ xe nước sông Trà

Bài và ảnh: TỬ TRỰC

L.T.S: Báo Người Lao Động giới thiệu đến bạn đọc những chứng nhân lịch sử trong các chiến thắng hào hùng và những người đang nỗ lực bảo tồn các di sản của dân tộc.

Ông là một trong những nghệ nhân ít ỏi ở Quảng Ngãi vẫn giữ được kỹ thuật, cách thức làm bánh xe nước, nhắc nhớ về ký ức bờ xe nước xa xăm.

Bờ xe nước sông Trà từng được coi là biểu tượng của Quảng Ngãi trong những năm giữa thế kỷ XX. Công trình không chỉ cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp mà còn đi vào nhiều thơ ca, nhạc họa bởi tính mỹ thuật, chứa đựng triết lý quy luật tự nhiên… Theo thời gian, "cỗ máy bánh xe nước" dần bị xóa bỏ, đi vào quên lãng.

Ký ức về một vòng quay

Cho đến bây giờ, dù bờ xe nước đã bị xóa bỏ gần 30 năm, thay thế bằng những công trình hiện đại hơn nhưng ký ức về một bờ xe vẫn còn vẹn nguyên trong nhiều người dân Quảng Ngãi. "Đó là một "cỗ máy" đen tròn, ngày đêm quay đều mang dòng nước sông Trà tưới cho ruộng đồng xanh tốt" - ông Mai Văn Quýt (72 tuổi, ngụ thôn Thống Nhất, xã Tịnh Ấn Tây, phường Trương Quang Trọng, TP Quảng Ngãi) giọng đầy tự hào khi có người nhắc chuyện bờ xe nước.

Những người muôn năm cũ: Người giữ hồn bờ xe nước sông Trà - Ảnh 1.

Bờ xe nước mô hình do ông Mai Văn Quýt làm ra

Tuổi thơ của ông Quýt gắn liền với những vòng quay của bờ xe nước. Ông Quýt kể trước những năm 1990, khi chưa có công trình thủy lợi Thạch Nham, người dân ở các vùng hạ du sông Trà Khúc hầu hết sống nhờ vào nguồn nước của sông Trà thông qua các bờ xe nước.

Sông Trà ở những đoạn cuối nguồn thường bằng phẳng mới làm được bờ xe, còn ở đầu nguồn không làm được. Cứ hết một mùa lũ, người dân trong vùng lập ra một nhóm "trưng cử" góp tiền (dạng cổ đông ngày nay) để làm bờ xe. Sau đó, nhóm "trưng cử" này sẽ làm thủ tục xin hương lý, đồng thời cấp kinh phí cho nhóm thợ xe có nhiệm vụ thi công, xây dựng, vận hành bờ xe. Khi mùa vụ hoàn tất, nhóm "trưng cử" được chia theo tỉ lệ 4 phần, còn nhóm thợ xe được chia 6 phần.

Việc xây dựng bờ xe không khó mà cái khó nhất là chọn được địa điểm và xây dựng bờ cừ. Bờ cừ phải xây theo hình chữ V, làm sao nước được dẫn dồn về một chỗ hẹp để tạo dòng chảy mạnh. Ngay tại điểm nước chảy mạnh sẽ đặt bờ xe. Mỗi bờ xe như thế có khoảng 10-12 bánh xe, mỗi bánh có đường kính khoảng 10 m. Xung quanh mỗi bánh xe được buộc hàng trăm ống tre, đặt nghiêng một góc, sao cho khi bánh xe quay xuống nước, các ống tre này đong đầy nước. Lực chảy của nước do việc đắp bờ cừ sẽ đẩy bánh xe tiếp tục quay tròn, đưa ống nước lên cao và trút ra máng, dẫn nước về đồng.

Theo ông Quýt, cái độc đáo nhất của bờ xe là người thợ phải đặt các ống tre làm sao để khi bánh xe tiếp xúc với nước, các ống tre "múc" được nước lên. Cứ như thế, lực nước chảy sẽ đẩy bánh xe quay đều theo năm tháng, không cần tốn sức lực vận hành gì. "Dù không tốn nhân công vận hành nhưng việc xây dựng bờ xe đòi hỏi rất công phu. Mỗi bờ xe như thế phải tốn hàng ngàn cây tre và mất ít nhất 1 tháng xây dựng ròng rã. Kinh phí nếu tính bây giờ cũng chừng 500-700 triệu đồng/một bờ xe" - ông Quýt kể.

Nỗ lực gìn giữ bờ xe

Từ những ký ức không bao giờ phai mờ về bờ xe nước, đến khi bờ xe bị xóa bỏ, ông Mai Văn Quýt cảm thấy hụt hẫng, tiếc nuối vô cùng. Chính vì vậy, ông Quýt quyết tâm lưu giữ nghề làm "bánh xe nước" và lặng lẽ dày công phục dựng bờ xe từng ngày.

Cách thức lưu giữ nghề "thợ xe" của ông Quýt không bị mai một là làm những mô hình bờ xe thu nhỏ, đường kính từ 2-4 m đặt tại các nhà hàng, khách sạn, quán cà phê… Mỗi bờ xe mô hình như thế có từ 2-4 bánh xe, tùy theo nhu cầu người sử dụng. Về nguyên lý, cách thức làm bờ xe mô hình vẫn giống hệt bờ xe ngoài thực tế. Người thợ phải làm sao cho bánh xe cân bằng, khi vận hành không bị lỗi, vẫn có thể "múc" nước và quay đều.

"Cái khác ở đây là một số nguyên liệu dùng làm bờ xe. Hồi xưa các vật liệu chưa có nên phần lớn bờ xe được buộc lại bằng dây lạc, dây mây, còn tôi làm mô hình thì làm bằng dây kẽm, dây đồng buộc các chi tiết của bánh xe lại với nhau để tăng tuổi thọ sản phẩm. Còn nếu đem bờ xe đặt chỗ nước chảy vừa đủ mạnh, nó vẫn quay đều đặn" - ông Quýt nói.

Đã có rất nhiều nhà hàng, quán cà phê ở Quảng Ngãi, thậm chí khách hàng ở Bình Định, Phú Yên, Đà Nẵng, cũng đặt hàng ông Quýt làm bờ xe đem về trưng bày.

"Ngoài việc làm bờ xe để kiếm thêm thu nhập, cái quan trọng nhất là có được niềm vui tuổi xế chiều. Ngày nào tôi cũng cưa tre, chẻ lạt làm bờ xe. Nếu không có ai mua tôi cũng làm để đó. Nhìn những bờ xe, trong lòng cảm thấy nhẹ nhõm, gần gũi lắm…" - ông Quýt tâm sự.

Ông Cao Văn Chư, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi, cho biết hiện ở Quảng Ngãi còn rất ít nghệ nhân giữ được kỹ thuật, cách thức làm bờ xe. Đây là một công trình mang tính biểu tượng của Quảng Ngãi xưa, thể hiện sức sáng tạo vô hạn của cộng đồng dân cư gắn liền với sản xuất nông nghiệp.

"Bờ xe nước có rất nhiều nơi nhưng ở Quảng Ngãi, số lượng bờ xe đặc biệt nhiều, có thời điểm lên đến gần 100 bờ xe. Hơn nữa, bờ xe ở các nơi khác chỉ có 1-2 bánh, trong khi ở Quảng Ngãi có đến 10-12 bánh như một "cỗ máy". Để lưu giữ hình ảnh này, tỉnh Quảng Ngãi cũng từng có ý tưởng đắp đập dâng kết hợp phục dựng bờ xe nước hai bên dòng sông Trà nhưng vẫn chưa thực hiện được" - ông Chư nói. 

Kỳ tới: Gặp cô gái thép Truông Bồn

"Rồi mai mốt, thời tôi mất đi, không biết cái nghề làm "bánh xe nước" này có tồn tại được không. Chắc rồi cũng theo quy luật tự nhiên, giống như vòng xe quay tròn..." - ông Quýt trầm ngâm nói.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo