Đêm 31-1 (29 tháng Chạp), trên các tuyến phố ở Đà Nẵng, nhiều người vẫn lặng lẽ mưu sinh. Phần lớn trong số họ đánh đổi thời khắc sum vầy cùng người thân để mong kiếm thêm thu nhập.
Bà Nguyễn Thị Hạnh (SN 1957, trú quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) mưu sinh bằng xe bán cá viên chiên, bánh tráng nướng ngay chân cầu Rồng. Ngày thường bà Hạnh bán xe hàng trên ở bến xe Đà Nẵng. Chiều 29 Tết, bà đẩy xe hàng đến cầu Rồng để phục vụ khách du xuân với mong muốn sẽ kiếm thêm thu nhập để trang trải sau Tết.
Anh Trần Minh Thương và vợ, từ miền Tây đến TP Đà Nẵng sinh sống bằng nghề bán cá viên chiên ở bãi biển Mỹ Khê. Do dịch bệnh nên Tết này anh Thương và vợ đành phải ở lại Đà Nẵng. Tối giao thừa, họ cùng nhau bán cá viên chiên ở chân cầu Rồng
Anh Nguyễn Văn Quảng (SN 1998, quê TP Hà Nội) với xe bán bánh tráng nướng trên đường Bạch Đằng - Đà Nẵng. Thường ngày, anh làm công nhân nhưng Tết đến, anh và người nhà cùng mưu sinh bằng nghề bán bánh tráng nướng. Theo anh Quảng, tối giao thừa là dịp đông người du xuân nên sẽ bán chạy hơn. Tuy nhiên do dịch bệnh nên giao thừa năm nay, vắng vẻ khách mua so với những năm trước.
Chị Phương (quê Thanh Hóa) chấp nhận ăn Tết xa quê do một năm dịch bệnh, kinh tế khó khăn. Chị ở lại Đà Nẵng và bán bong bóng dịp Tết. Tối 29 Tết, chị cho hay mới chỉ bán được vài quả bong bóng
Chị Thái Thị Thôi (SN 2001, trú quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) mưu sinh bằng quầy kem khói Hàn Quốc đêm giao thừa ở trung tâm thành phố. Mỗi ly kem có giá 40.000 đồng. Mọi năm chị Thôi cho biết, bán xuyên giao thừa có thể kiếm được 3,4 triệu đồng.
Bên trong Công viên APEC- Đà Nẵng, một thanh niên say mê thổi bong bóng, tạo hình để bán cho trẻ em vào đêm giao thừa. Hầu hết trẻ em đến đây đều thích thú và muốn mua bong bóng.
Bà Trần Thị Hoa (SN 1968, trú xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) bán "lộc" gồm trầu, cau, muối trước cổng chùa An Long, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Bà Hoa được cháu chở từ Hòa Nhơn xuống chùa An Long từ chiều 29. Bà bán trước cổng chùa An Long được 3 năm nay, thu nhập mỗi đêm giao thừa của bà từ 400.000 đến 500.000 đồng. Năm nay, từ chiều đến hơn 22 giờ bà chỉ bán được vài chục ngàn đồng do thưa khách đến.
Anh Bốn (quê tỉnh Quảng Nam) cũng cố gắng mưu sinh bằng những tờ vé số đêm giao thừa ở chợ hoa Đà Nẵng. Anh cho biết sáng mùng 1 Tết, anh mới bắt đầu về Quảng Nam ăn Tết.
Chị Trần Thị Lệ (bìa trái, SN 1975, công nhân Công ty Môi trường Đô thị Đà Nẵng) đang làm nhiệm vụ trong đêm cuối cùng của năm cũ. Đó là cùng đồng nghiệp dọn dẹp sạch sẽ chợ hoa ở Quảng trường 2-9. Thông thường, chị Lệ và đồng nghiệp sẽ làm việc xuyên giao thừa, đến 2, 3 giờ sáng mùng 1 Tết mới hoàn thành nhiệm vụ. Năm nay, chợ hoa kết thúc sớm hơn vào khoảng 23 giờ nên chị và mọi người cố gắng làm nhanh nhất để kịp đón giao thừa cùng gia đình.
Công nhân vệ sinh tranh thủ đưa những chậu hoa mà tiểu thương đã cắt ngọn do không bán được lên xe rác. Trong ngày 29 Tết, họ làm việc với cường độ lớn và đã thấm mệt ở thời khắc giao thừa. Tuy vậy, họ vẫn cùng nhau làm cho TP Đà Nẵng sạch hơn để mọi người, mọi nhà đón một cái Tết vui vầy.
Bình luận (0)