Thường xuyên trắng đêm trên đảo vắng làm bà đỡ cho rùa biển, cô gái ở vùng đất Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận) đầy nắng và gió dành hết tuổi thanh xuân của mình cho rùa biển, loài động vật nằm trong Sách Đỏ Việt Nam.
Nín thở chờ rùa đẻ
Sau khi học xong du lịch, quản trị kinh doanh ở TP HCM, Lưu Yến Phi về lại quê nhà xin một chân nhân viên văn phòng tại Khu Bảo tồn biển Hòn Cau (huyện Tuy Phong) nhưng cô chỉ thích nơi nào có biển. Khi thấy tổ tuần tra bờ biển của cơ quan thiếu người nên Phi đã xung phong hỗ trợ.
Vùng biển Hòn Cau được Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên coi là bãi đẻ của rùa biển ở vùng biển Thái Bình Dương do từ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch hằng năm, rùa biển từ khắp nơi kéo về sinh sản tại đây. Đó cũng là khoảng thời gian mà Phi có mặt tại đảo nhiều hơn ở nhà. Vào mùa rùa biển sinh sản, mỗi tháng Yến Phi phải túc trực tại đảo Hòn Cau từ 10 ngày đến nửa tháng liền để canh rùa đẻ trứng. Mỗi ca trực bắt đầu từ 21 giờ hôm trước đến rạng sáng hôm sau. Với hành trang là chiếc túi ngủ, đèn pin và một số dụng cụ cần thiết khác, Phi cùng 2 thành viên trong tổ tuần tra đi dọc bãi biển, len lỏi qua từng tảng đá, cây rừng trên đảo để theo dõi rùa làm tổ, đẻ trứng. Yến Phi cho biết những con dễ tính thì sau khi lên bờ một thời gian ngắn là chúng làm tổ rồi đẻ ngay. Nhưng cũng có nhiều con cứ làm hết tổ này đến tổ khác, ngụy trang đủ kiểu có khi mất 3-4 đêm mới chịu "lâm bồn". Nhiều đêm Phi thức trắng canh, kiếm chỗ nấp, bị gai cào trầy xước khắp người là chuyện thường xuyên. Rùa biển rất nhạy âm thanh, ánh sáng nên lúc lên bãi chuẩn bị đẻ, nếu bị kinh động sẽ bò xuống biển hoặc đang đẻ sẽ ngừng. Vì vậy, khoảng thời gian canh rùa đẻ nhiều khi Phi không dám… thở mạnh. Sau khi đẻ xong, rùa lập tức quay xuống biển, tất cả trứng được Phi và các thành viên của tổ tuần tra đem về trại ấp, chăm sóc và theo dõi nhiệt độ thích hợp, quá trình này kéo dài từ 45-60 ngày đến lúc trứng nở thành rùa con.
Lưu Yến Phi đã đỡ đẻ cho hàng ngàn rùa biển ở đảo Hòn Cau
Hiện nay, việc hỗ trợ rùa biển đẻ trứng tại các khu bảo tồn hay vườn quốc gia trong cả nước chủ yếu là nam đảm nhận do phải thức trắng nhiều đêm liền trên đảo cùng với việc thiếu thốn các tiện nghi cơ bản. Là khu bảo tồn nên đảo Hòn Cau hạn chế dân cư sinh sống, hiếm nước ngọt, việc tắm giặt của cô gái này là xuống biển ngâm mình rồi lên bờ phơi nắng cho khô người. Tối đến, giường là bãi biển ướt sũng hay những mặt phẳng đá lởm chởm ê buốt lưng. "Lúc đầu Phi cũng ngại nhưng riết rồi cũng quen, được làm công việc yêu thích cảm thấy vui lắm. Thức canh rùa đẻ, rồi mang trứng đi ấp đợi đến ngày nở ra rùa con. Nhìn những chú rùa nhỏ xíu chạy về phía biển, vui mừng đến phát khóc" - Phi vui vẻ cho biết.
Chung tay thả rùa về biển
Càng gắn bó với công việc "đỡ đẻ" cho rùa biển, Yến Phi càng dành tình yêu đặc biệt cho loài động vật này. Phi bày tỏ chỉ mong sau này các em, các cháu sẽ còn được thấy rùa biển thật chứ không phải là hình ảnh trên tivi hay trong sách báo, tuy nhiên để bảo vệ rùa biển không chỉ là hành động cá nhân mà quan trọng hơn là sự chung tay của cộng đồng.
Cùng các nhân viên trong Khu Bảo tồn biển Hòn Cau, cứ thời gian rảnh là Phi cùng các bạn đi đến từng hộ gia đình, các khu dân cư, kết hợp trong các cuộc họp của địa phương để lồng ghép nội dung tuyên truyền chung tay bảo vệ rùa biển. Phi kể: "Lúc đầu thấy tụi em đến tuyên truyền, nhiều ngư dân thờ ơ lắm nhưng tụi em cứ nói hoài, các chú, các bác dần cũng hiểu và hợp tác. Trước đây, nhiều ngư dân khi đánh bắt được rùa biển thường xẻ thịt hoặc đem bán nhưng hiện nay, nhiều người đã chủ động thả rùa về với biển. Biết được điều này, tụi em vui lắm, vì chỉ có ý thức của cộng đồng mới góp phần bảo vệ loài động vật sắp tuyệt chủng này".
Hằng năm, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới thường tổ chức chương trình "Tình nguyện viên bảo tồn rùa biển" trên đảo Hòn Cau. Từng tham gia chương trình tình nguyện viên năm 2018, anh Nguyễn Tấn Nam, một nhân viên văn phòng ở TP HCM, bày tỏ: "Khi được Phi dẫn đi xem rùa đẻ trứng, nghe kể nhiều câu chuyện về rùa biển, tình yêu rùa biển của cô gái này đã lan tỏa sang anh cũng như nhiều thành viên trong đoàn. Chúng tôi thấy mình phải có trách nhiệm để bảo vệ loài động vật này". Ông Nguyễn Văn Long - ngư dân ở xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong - cho biết với ngư dân thì khi đánh bắt được hải sản đều đem bán, rùa biển cũng vậy nhưng từ lúc được các bạn trẻ của khu bảo tồn biển Hòn Cau tuyên truyền về nguy cơ tuyệt chủng của loại động vật này, mỗi khi đánh bắt được rùa biển, ông và các bạn thuyền đều tự động thả rùa về biển.
Yến Phi 35 tuổi, đen giòn, đậm người, giọng nói sang sảng đặc trưng của con gái xứ biển, mải mê với tình yêu dành cho rùa biển, cô vẫn chưa lập gia đình. Công việc bảo tồn cực nhọc nhưng hiện nay tổng thu nhập hằng tháng của Phi chỉ gần 3 triệu đồng. Thế nhưng, Yến Phi cười giòn tan cho biết: "Em còn độc thân nên cũng không có nhu cầu nhiều, được làm công việc mình thích là vui rồi. Nếu quá 1 tháng không ra đảo, không được canh rùa đẻ trứng chắc em buồn chết mất".
Chỉ 1/1.000 rùa biển sống sót đến lúc sinh sản
Việt Nam là nơi cư trú của 5 loài rùa biển gồm: rùa da, rùa xanh/vích, đồi mồi, quản đồng và đồi mồi dứa. Tất cả loài rùa này hiện được bảo vệ ở cấp độ cao nhất. Theo các nhà khoa học, một con rùa biển phải mất 30 năm mới trưởng thành và chỉ có 1 trong hơn 1.000 rùa con sống sót được tới thời điểm sinh sản. Sau nhiều năm bị khai thác tận diệt, rùa biển nước ta đang có nguy cơ biến mất bởi các hoạt động săn bắt, buôn bán trái phép của con người.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 5-3
Kỳ tới: Giữ đất khỏi miệng hà bá
Bình luận (0)