Cách đây không lâu, khi tôi đến thăm Xí nghiệp May An Phú thuộc Công ty CP Sản xuất Thương mại May Sài Gòn (Garmex Sài Gòn), Giám đốc Hoàng Thị Kim Dung mời: "Em nán lại dùng cơm với anh chị em công nhân (CN) một lần cho biết". Tôi cùng chị xuống căng-tin nhà ăn. Khẩu phần ăn giống nhau và mỗi người tự tay lấy. Chị Dung cũng không ngoại lệ. Thấy chị, nhiều nữ CN gật đầu chào với vẻ nể trọng.
Thở hơi thở cuộc sống công nhân
Gần gũi và dễ mến, phong cách sống hòa đồng với CN khiến ai cũng quý mến chị Dung. Ngồi dùng bữa với CN không chỉ là cách chị giám sát chất lượng bữa ăn giữa ca mà còn để hiểu tâm tư, tiếp thu và chia sẻ chuyện làm, chuyện gia đình con cái của họ.
30 năm trong nghề may, chị tích lũy nhiều kiến thức lẫn kinh nghiệm thực tế. Vốn liếng ấy giúp chị cho ra đời hàng loạt sáng kiến cải tiến có giá trị, góp phần tăng năng suất lao động, đặc biệt là thu nhập cho CN. Không chỉ bố trí sản xuất hợp lý, chị còn có nhiều sáng kiến khác như "Bỏ đánh số, tách cây vải theo thẻ bài", "Cải tiến rải chuyền", "Chuyển chuyền may từ hình chữ I sang chữ U"… mỗi năm tiết kiệm chi phí cho xí nghiệp hàng tỉ đồng để tăng thu nhập cho CN. Thu nhập của 1.400 CN xí nghiệp từ bình quân 6,2 triệu đồng/tháng (năm 2016) hiện tăng lên 8,5 triệu đồng/tháng. "Cạnh tranh lao động đang là bài toán hóc búa của nhiều doanh nghiệp. Do vậy, để giữ lao động giỏi, bên cạnh chế độ đãi ngộ tốt, toàn xí nghiệp từ CN đến giám đốc phải liên tục cải tiến để hạn chế tăng ca nhưng thu nhập vẫn bảo đảm nuôi sống gia đình họ" - chị tâm sự.
CN Nguyễn Thị Dung (SN 1967) vừa thoăn thoắt may vừa tiếp chuyện chúng tôi, chị luôn biết ơn giám đốc đã tạo điều kiện cho CN lớn tuổi như chị. Thu nhập hiện nay của chị Dung mỗi tháng trên 9 triệu đồng, cao hơn mức thu nhập bình quân của xí nghiệp.
Chị Hoàng Thị Kim Dung (trái) luôn gần gũi, gắn bó cùng công nhân xí nghiệp
Trong ngần ấy thời gian gắn bó với công ty, điều khiến "bà Hạnh" trong phim "Giã từ dĩ vãng" giữa đời thực tự hào là được đóng góp công sức bồi dưỡng, đào tạo CN giỏi trở thành những cán bộ chủ chốt cho xí nghiệp. Có người do chị phát hiện, kèm cặp trực tiếp đã thành chuyền trưởng, trưởng phòng, thậm chí giám đốc. Có anh CN nhờ chị hướng dẫn nay đã tự mở cơ sở kinh doanh riêng, làm ăn khấm khá. Năm 2003, một xí nghiệp may ở quận 6, TP HCM giải thể, 20 lao động xin về Xí nghiệp An Phú lo lắng vì cơ hội có việc rất thấp do lớn tuổi nhưng chị vẫn nhận, tạo điều kiện cho họ làm việc.
Học hỏi để hoàn thiện
Chị Dung sinh năm 1966, quê Thái Bình. Cả nhà chị lúc ấy sống nhờ vào nghề làm thuốc pháo ở Xóm Mới (quận Gò Vấp, TP HCM). Học đến lớp 12 thì nhà quá khó khăn buộc chị phải nghỉ, phụ làm pháo với ba mẹ. Nghề làm pháo quá nguy hiểm, chứng kiến không ít trường hợp bị cụt tay, mất chân, mù mắt hoặc mất cả mạng, chị đành phải bỏ. Chị chuyển qua đi lấy hàng về làm gia công chở đi bỏ mối. Làm được một thời gian, anh của chị, khi đó là cầu thủ đội bóng Tổng Công ty May Việt Thắng, gửi chị vào học khóa cắt may tại công ty. Thời ấy, việc dạy cắt may rất hiếm nên chị tự thấy mình may mắn. Từ đó, cố gắng học và đạt 8,5 điểm vào cuối khóa. Với điểm tốt nghiệp loại giỏi, năm 1990, chị được Tổng Công ty Việt Thắng nhận vào làm việc với vị trí CN kiểm hàng.
Không có phương tiện đi lại, nhà ở quận Gò Vấp, muốn đến nhà máy ở Thủ Đức, chị phải đi nhờ xe CN dệt. Để kịp chuyến xe lúc 4 giờ khởi hành từ bến đầu, 3 giờ rưỡi chị phải dậy. Hôm nào mệt quá, ngủ quên, chị Dung phải nhờ ba hoặc anh đạp xe hơn 20 km đưa đi làm. Làm được 3 năm, chị xin nghỉ, nộp đơn ứng tuyển vào Xí nghiệp May An Nhơn của Garmex Sài Gòn để được gần nhà. Chị trúng tuyển vị trí tổ trưởng và gắn bó với Garmex từ đó đến nay. Từ vị trí tổ trưởng chị được cất nhắc lên phó quản đốc, phó phòng kỹ thuật kiêm trưởng phòng phát triển mẫu, quản đốc xưởng, Phó Giám đốc Xí nghiệp May An Nhơn, phó giám đốc rồi Giám đốc Xí nghiệp May An Phú hiện nay.
Chị kể những ngày đầu làm quản lý, vì không có bằng cấp, đôi khi chị bị đồng nghiệp gây khó. Thời được đưa lên vị trí Phó Quản đốc Xí nghiệp May An Nhơn, khi đó xí nghiệp đã có quản đốc và một phó quản đốc, chị lại còn trẻ nên khi đề xuất hoặc điều động nhân sự đều bị đồng nghiệp gạt ngang. "Chính trong khó khăn, mình phải cố gắng, chứng minh cho đồng nghiệp thấy mình có năng lực. Mình tìm tòi và cho ra đời sáng kiến gá giúp tiết kiệm chỉ, thao tác lại nhanh, gọn và đẹp hơn" - chị kể. Rồi chị lần lượt điều phối kế hoạch, cân đối sản xuất từng chuyền giúp năng suất, thu nhập CN tăng đáng kể.
Do tâm niệm cuộc sống phải không ngừng học hỏi, dừng lại là tụt hậu, chị Dung tranh thủ vừa làm vừa học các khóa ngắn hạn, dài hạn, trong và ngoài nước, kể cả kinh nghiệm từ các công ty bạn. Dù công việc ở xưởng khá bận rộn nhưng tối nào chị cũng đi học Anh văn và vi tính. Sau 2 năm tích cực học, chị đã sử dụng tốt Anh văn, vi tính, tự tin với vị trí hiện nay. Đến nay, sau giờ tan xưởng về, chị vẫn giữ thói quen học và đọc sách. Chị chia sẻ: "Có được vị trí, công việc như hiện nay là nhờ lãnh đạo dẫn dắt, tạo điều kiện vì thế tôi luôn tạo cơ hội cho các em phát triển. Những em có năng lực, tôi luôn tạo cơ hội được làm những vị trí cao hơn, thỏa sức sáng tạo. Những sáng kiến hay luôn được ban giám đốc xí nghiệp khen thưởng và tạo điều kiện để nhân rộng ra các xí nghiệp khác của công ty".
Chị Võ Thị Kim Xuân, Ban Cải tiến của xí nghiệp, đánh giá: Ai gặp khó khăn đều có thể lên thẳng phòng giám đốc trình bày, chị Hoàng Thị Kim Dung lúc nào cũng lắng nghe, cầu thị, giải quyết kịp thời. Cả công ty ai cũng yêu quý giám đốc, xem như người chị lớn trong gia đình.
Kỳ tới: "Bà mụ" của rùa biển Hòn Cau
Bình luận (0)