Bà Ngô Thị Khướu - thương binh 2/4, người làng Như Lệ (thuộc xã Hải Lệ, huyện Hải Lăng, nay thuộc thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) - là em dâu của cha tôi. Tôi gọi bà Khướu bằng thím. Chồng thím - chú ruột của tôi - tham gia cách mạng từ thời phong trào 1936-1939, sau đó gia nhập lực lượng vũ trang chống Nhật, Pháp và hy sinh năm 1947 khi hai con trai của chú thím mới 5 và 7 tuổi. Nén nỗi đau mất chồng, thím nuôi hai con học hành, khôn lớn.
Lòng dân vẫn kiên trung
Năm 1954, kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Hòa bình lập lại, những tưởng chiến tranh lùi xa, nhưng rồi đất nước lại phải bước vào cuộc chiến đấu mới đầy hy sinh, gian khổ. Đầu những năm 1960, hai người con của thím lần lượt lên đường theo kháng chiến.
Bà Ngô Thị Khướu (hàng đầu, thứ 2 từ trái sang) cùng con cháu sum vầy sau ngày thống nhất
Mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Khướu
Danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng Nhà nước tặng cho bà Ngô Thị Khướu
Danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng Nhà nước tặng cho bà Ngô Thị Khướu
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhất là vào giữa thập niên 60 đến đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, Quảng Trị là một trong những chiến trường khốc liệt nhất ở miền Trung.
Thời kỳ này, một mặt, Mỹ thực thi chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" và "Chiến tranh cục bộ", tiến hành các cuộc càn quét hòng tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta; mặt khác, mở chiến dịch bình định nông thôn, xây dựng đồn, bốt, dồn dân lập "ấp chiến lược", "ấp tân sinh", hòng tách người dân ra khỏi lực lượng cách mạng, âm mưu đánh bại cách mạng miền Nam trong vòng 25 đến 30 tháng.
Làng Như Lệ quê tôi thời đó không đêm nào vắng tiếng súng nổ và sự chết chóc. Hàng loạt du kích, cán bộ "nằm vùng" bị địch phục kích hy sinh. Nhiều dân thường bị sát hại. Ác liệt, hiểm nguy là thế nhưng những cán bộ kháng chiến vẫn bám trụ kiên cường. Lòng dân vẫn kiên trung, không khuất phục trước sự đàn áp của địch.
Khắc khoải chờ đợi
Một đêm cuối năm 1965, tôi chợt tỉnh giấc khi nghe tiếng thì thào của người lớn. Trong màn đêm lờ mờ, tôi nhận ra cha mình đang nói chuyện với Nguyễn Trường Thanh - người em con chú, là con trai út của thím tôi, một cán bộ cách mạng "nằm vùng". Cùng đi với Thanh còn có một người nữa.
Thời kỳ này, dù là "đêm ta, ngày địch" nhưng lính bảo an rất hay đi tuần, phục kích, nên du kích và cán bộ ta chỉ về gặp cơ sở bí mật, nhận tiếp tế rồi rời khỏi làng trước lúc trời sáng.
Thanh hỏi thăm tình hình, nhận từ cha tôi ít thuốc tây và chiếc radio nhỏ cho vào gùi rồi chào và đi vội, chắc là về với mẹ.
Màn đêm tĩnh mịch bao trùm. Chỉ còn nghe tiếng côn trùng rên rỉ, ngân nga những âm điệu khi thì như bi ai, than vãn, khi thì như thiết tha, hối hả, tranh nhau phát ra âm thanh để chứng tỏ mình đang tồn tại trên mặt đất này.
Tôi đang ngon giấc thì tiếng súng tiểu liên nổ liên thanh rất gần, nghe chói tai, đạn bay găm vào cột nhà, vật dụng nghe lịch bịch, lách cách rợn người. Cả nhà tôi kịp xuống hầm trú ẩn. May mắn không ai hề hấn gì. Tiếng súng kéo dài hơn 5 phút thì im. Tôi nghe tiếng quát tháo của bọn lính và tiếng kêu la thảm thiết của thím tôi. Cha tôi cố hướng ra cửa hầm la rõ to:
- "Xin đừng bắn nữa. Ở đây chỉ có dân thường".
- "Thím Khướu có răng không?" - cha tôi tiếp tục hỏi dồn dập như thế 2-3 lần nữa mới nghe tiếng thím: "Cứu tui với. Út bị thương rồi eng ơi!".
Rồi không khí im ắng đáng sợ. Tiếng rên của thím tôi mỗi lúc một yếu ớt. Cả nhà nghẹn ngào nghĩ chắc chúng bắn Thanh rồi. Mấy lần cha tôi ngồi dưới hầm lên tiếng, hỏi vu vơ vào màn đêm: "Xin cho thắp đèn đi cứu người được không?".
Không có tiếng lính trả lời, đồng nghĩa với nguy hiểm đang rình rập. Không ai dám ra khỏi hầm trú ẩn.
Thời gian trôi đi chậm chạp trong lo âu. Trời sáng dần, một toán lính đằng đằng sát khí đến nhà tôi quát mọi người ra khỏi hầm, sang tập trung ở sân nhà thím tôi. Tại đây, cả nhà mới biết chúng bắn thím bị thương, đã đưa đi cấp cứu. Chúng vào nhà, xuống hầm trú ẩn kéo lên một thi thể bắt mọi người nhận mặt. Đó là anh Phong - du kích xã, người em ruột của chị dâu tôi.
Chúng tra hỏi và bắt chị, con dâu của thím và một số người nữa giải về nhà lao, tra tấn, khai thác thông tin, hơn một năm sau mới thả về. Thím tôi sau khi điều trị, tra khảo mà không moi được thông tin gì nên chúng buộc phải trả tự do. Nhưng chân thím không còn lành lặn.
Thanh thoát chết lần đó và biệt tin luôn. Thím tôi lại khắc khoải chờ đợi trong hy vọng. Một thời gian khá lâu sau, thím vỡ òa hạnh phúc vì Thanh trở về lành lặn. Chú ấy kể đêm đó, khi 2 người vừa vào nhà thì bọn lính phục kích phát hiện, tiếp cận và nổ súng. Bị bất ngờ, người đồng đội bị thương nặng sau loạt đạn đầu, bò xuống hầm và hy sinh. Thím tôi bị thương kêu la đau đớn.
Trận ấy Thanh không hề gì. Chú ấy kể là nằm sát xuống góc sàn nhà tránh đạn, rút quả lựu đạn mỏ vịt cầm tay, sẵn sàng cho nổ để cùng chết nếu bọn lính ập vào. Không thấy bắn trả, bọn lính nghĩ Việt cộng đã bị tiêu diệt nhưng cũng không dám soi đèn xông vào nhà mà đợi đến lúc trời sáng. Thừa cơ hội, Thanh thoát ra cửa sau an toàn.
Niềm hy vọng mong manh
Thế rồi đầu năm 1968, thím tôi ngã quỵ khi nhận tin người con trai cả hy sinh, để lại vợ và 2 đứa con thơ mới 3 và 6 tuổi. Hồi đó, là vai anh con bác ruột nhưng tôi còn nhỏ, chỉ cảm nhận được phần nào nỗi đau của thím.
Nhà thím cách nhà tôi một vạt đất chừng mươi mười lăm mét. Ngày ngày, tôi thường thấy thím ngồi nhìn ra ngõ vắng, hai bên có 2 hàng rào bằng cây chè tàu được xén thẳng tắp, đôi mắt nhìn xa xăm như đang chờ mong vô vọng chồng, con đi xa chưa về. Thím dồn tất cả yêu thương cho hai đứa cháu nội. Thím mong ngóng, cầu cho đứa con trai út chân cứng đá mềm.
Tôi còn nhớ và hình dung được đôi chút về Nguyễn Trường Thanh, người tầm thước, đẹp trai, đang học trung học đệ nhị cấp thì bỏ học "lên rừng" theo cách mạng, ngoài 20 tuổi đã là cán bộ cốt cán trên huyện. Sau lần về thăm mẹ, nghe nói huyện điều chú ấy về làm Chủ tịch UBND cách mạng xã Hải Trường (huyện Hải Lăng) - một địa bàn mà địch khủng bố trắng nhiều cơ sở cách mạng bí mật của ta.
Chiến tranh ngày càng ác liệt. Những ngày cuối năm 1970, trời như sập xuống, niềm hy vọng mong manh vụt tắt. Thím đau đớn tột cùng khi nhận được tin con trai đã hy sinh. Bọn địch sát hại và đem thi thể chú ấy đi đâu mất tích. Gia đình đi nhiều nơi dò hỏi cũng không tìm được.
Nguyễn Trường Thanh hy sinh khi mới 28 tuổi, bỏ lại mối tình đầu dang dở với người con gái cùng quê - một nữ du kích cách mạng. Quá đau buồn vì mất người đồng chí, người mình yêu, cô ấy không lấy chồng mà ở vậy để giữ trọn lời thề ước với người chồng chưa cưới trước khi hy sinh.
Đau thương dồn dập đau thương, tháng 5-1972, người con dâu của thím cũng bị bom Mỹ giết hại. Ở tuổi 60, thím chỉ còn lại hai đứa cháu nội để nương tựa sớm hôm.
Sống trong yêu thương, hiếu đạo
Sau ngày đất nước thống nhất, gia đình tiếp tục tìm kiếm hài cốt Nguyễn Trường Thanh. Lãnh đạo địa phương thường xuyên thăm hỏi, lập hồ sơ để nhà nước xét tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng và Huân chương Độc lập cho thím. Lần nào gặp, thím cũng ứa nước mắt. Những giọt nước mắt của người già nghe đắng đót cả tâm can. "Không biết chừng mô thì tìm được hài cốt của con tui hè?", ai cũng quặn lòng khi nghe thím cứ nhắc mãi như thế.
Cuối cùng thì đã có một kết thúc có hậu. Với nỗ lực không mệt mỏi của gia đình, địa phương và những đồng đội còn sống, hài cốt liệt sĩ Nguyễn Trường Thanh được tìm ra vào năm 1994, đưa về an táng ở nghĩa trang của địa phương sau 24 năm hy sinh.
Vậy là cuộc đời cũng không nỡ cướp hết của thím. Các cháu nội một trai, một gái trưởng thành, giỏi giang, ngoan hiền, bản lĩnh và đều đã là đảng viên, tiếp tục cống hiến cho xã hội.
Năm 1995, thím nhận danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, sống tiếp quãng đời còn lại trong sự yêu thương, phụng dưỡng, hiếu đạo của cháu nội. Thím mất năm 2014, thọ 102 tuổi, được nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng ba.
Bình luận (0)