Hằng ngày, có người đút ăn, có người lo vệ sinh nhưng đối với anh Trương Anh Dũng (quê Bình Thuận) đó là sự hành hạ thân xác lẫn tinh thần. Tương lai không chỉ sụp đổ ngay trước mắt mà còn liên lụy người thân sau lần anh bị tai nạn giao thông (TNGT) vào hồi tháng 10-2016. Giờ đây anh Dũng hoàn toàn mất cảm giác, không còn khả năng phản xạ ở cả 2 tay và chân.
Tổn thương dai dẳng
Chậm rãi đút từng muỗng cháo cho đứa con trai 30 tuổi, bà Nguyễn Thị Hồng - mẹ anh Dũng - nói trong nước mắt: "Khổ bao nhiêu tôi cũng chịu nhưng nghĩ đến cuộc sống của con sau này mà thắt lòng. Tương lai của con dường như đã tắt".
Bà Hồng kể cuộc sống gia đình vốn đã khó khăn, từ ngày anh Dũng bị TNGT, bà phải vào viện chăm con mỗi ngày, chi phí rất lớn nên gia đình phải vay đầu này đầu kia để lo cho con. "Tôi còn cầm cự được ngày nào thì ráng chữa bệnh cho con ngày đó, đến khi nào con ngồi được thì hai mẹ con sẽ đi bán vé số kiếm tiền trả nợ" - bà nghẹn ngào.
Bệnh nhân Trương Anh Dũng (30 tuổi, quê Bình Thuận) bị liệt tứ chi đang được bác sĩ hỗ trợ trị liệu Ảnh: MỸ LỆ
Không khó bắt gặp những hoàn cảnh đau lòng như anh Dũng khi đến phòng vật lý trị liệu Khoa Tủy Bệnh viện Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp (quận 8, TP HCM). Mỗi người một cảnh nhưng đa phần đều do TNGT gây ra. Nỗi ám ảnh, sự tổn thương tinh thần hằn lên trên gương mặt của họ khi nhìn vào chính mình, nhìn vào người thân. Phờ phạc trên chiếc xe lăn, ông Nguyễn Thanh Hoàng (54 tuổi; ngụ quận 12, TP HCM) buồn rầu chia sẻ suốt nhiều năm nay, thời gian ông ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Vụ TNGT cách đây 7 năm đã khiến ông mang thương tật suốt đời. Từ một trụ cột trong gia đình, giờ đây ông trở thành gánh nặng cho người thân. Tháng ngày dai dẳng trong bệnh viện, ông càng thấm thía sự mất mát không chỉ với bản thân mà chính là những người trong gia đình.
"Mọi thứ như sụp đổ từ lúc tôi bị tai nạn nhưng vợ tôi vẫn luôn động viên, chăm sóc và cùng tôi gắng gượng vượt qua từng ngày. Điều tôi mong ước là có thể bước ra khỏi chiếc xe lăn để tự mình đi lại. Ít nhất là tự chăm sóc được bản thân, giảm phần nào vất vả cho vợ" - ông Hoàng nói.
Trong khi đó, anh Võ Lê Đức Duy (25 tuổi, quê Bình Định) phải lỡ dở chuyện học hành và tương lai. Khi đang là một sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp, Tết nguyên đán năm 2017, Duy bị TNGT, đến nay anh phải vào bệnh viện để điều trị chấn thương đốt sống cổ. Mọi sinh hoạt hằng ngày phải có người khác giúp đỡ. Duy tâm sự: "Đồ án tốt nghiệp còn dở dang nhưng bây giờ, đến việc cầm cây bút cũng khó thì không biết đến bao giờ tôi mới có thể hoàn thành".
Di chứng còn mãi
Trong 6 tháng đầu năm 2018, cả nước có hơn 4.000 người chết, 7.000 người bị thương vì TNGT. Dù giảm so với cùng kỳ năm 2017 song con số trung bình mỗi ngày TNGT làm 22 người chết, 38 người bị thương khiến không ít người giật mình. Chỉ tính trên địa bàn TP HCM, TNGT đã làm hàng ngàn gia đình tan nát, nhiều mảnh đời bơ vơ, nạn nhân bị tổn thương nặng nề đeo bám cả cuộc đời và là gánh nặng cho người thân, xã hội. Điển hình như trường hợp chị Hồ Thị Xem (ngụ quận 9), bị TNGT qua đời năm 2016, bỏ lại 2 con nhỏ khi còn chưa đến tuổi tới trường. Cuộc sống gia đình vốn đã khó khăn càng trở nên túng quẫn từ lúc chị Xem mất. Chồng chị cùng 2 con mỗi ngày phải đi bán ve chai kiếm sống.
Đau đớn không kém là trường hợp anh Nguyễn Thanh Tùng (ngụ quận Bình Tân) bị TNGT mất vào năm 2006. Vài năm sau, anh ruột của anh là Nguyễn Thanh Hải cũng bị TNGT và di chứng là bị tâm thần. Gánh nặng dồn hết lên vai những người thân của 2 anh, trong khi gia đình sống trong cảnh chạy ăn từng bữa.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng Ban Chuyên trách Ban An toàn giao thông (ATGT) TP HCM, những trường hợp như vậy còn rất nhiều. Thống kê trong 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn TP xảy ra 1.766 vụ TNGT, làm chết 324 người và bị thương 1.213 người. Ông Tường cho biết nguyên nhân chính dẫn đến các vụ TNGT là do ý thức của người điều khiển phương tiện, chủ yếu là các hành vi chạy quá tốc độ, sai làn đường, vi phạm nồng độ cồn... Thậm chí, có những trường hợp lái xe vi phạm đã gây ra những cái chết bất ngờ, oan uổng cho người khác.
Tăng cường xử "điểm đen" TNGT
Để giảm thiểu TNGT, Ban ATGT TP HCM cho hay ngoài các biện pháp tuyên truyền thì ngay từ đầu năm 2018, TP đã phát động nhiều chiến dịch bảo đảm trật tự ATGT, với mục tiêu kéo giảm ít nhất 5% TNGT trong năm nay. TP đã yêu cầu lãnh đạo các sở - ban - ngành cùng chủ tịch UBND các quận - huyện, phường - xã trên địa bàn phải xác định việc bảo đảm trật tự ATGT, giảm tai nạn là nhiệm vụ trọng tâm.
Trong khi đó, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM đang kiến nghị điều chỉnh giảm tốc độ ở một số tuyến đường trước tình trạng TNGT đang rất phức tạp. Đơn vị này cũng phối hợp với Sở Giao thông Vận tải TP, chính quyền các địa phương rà soát, xử lý những "điểm đen" tai nạn bằng các biện pháp như gắn thêm biển báo, camera, chốt trực.
Bình luận (0)