Năm 2017, The New York Times công bố một bản báo cáo nội bộ gây chấn động khi tập đoàn này đang rất khéo léo thích ứng với những đòi hỏi của báo chí kỹ thuật số. Theo đó, yêu cầu tòa soạn phải thay đổi nhanh chóng hơn nữa, khuyến nghị tăng cường đào tạo cho phóng viên và biên tập viên, tiếp tục tuyển dụng các nhà báo có kỹ năng đa dạng, đẩy mạnh tương tác với độc giả như một biện pháp xây dựng lòng trung thành và thu hút người đăng ký trả tiền để tờ báo có thể tồn tại.
Ai dám thay đổi quyết liệt?
Nhìn vào thành công của The New York Times ngày nay với những con số công bố cho thấy mức tăng trưởng ngoạn mục cả về số lượng người trả phí đọc phiên bản digital cũng như tổng doanh thu. Trong đó, doanh thu riêng lĩnh vực digital vượt mốc 650 triệu USD. Qua đó có thể khẳng định tờ báo đã rất thành công trong việc thay đổi cách thức hoạt động của mình. Nhưng liệu có bao nhiêu lãnh đạo tòa soạn trên thế giới, đặc biệt tại Việt Nam, có tư duy mới mẻ và quyết liệt như thế?
Khoảng năm 2010, tác giả bài này trao đổi với nhiều tòa soạn về khái niệm "web first" - nghĩa là phải ưu tiên thông tin nóng cho website chứ không thể coi nó như chỗ cắt dán thông tin trên báo in vừa phát hành sáng sớm. Giữa lúc các báo in trong nước vẫn ngần ngại với chiến lược này, thậm chí có tư duy đưa những người làm việc không hiệu quả sang làm báo điện tử, thì báo chí trên thế giới đã bước sang giai đoạn "mobile first". Theo đó, phiên bản mobile không chỉ được ưu tiên về tốc độ mà còn phải có những nội dung khác biệt.
Báo chí thế giới phát triển theo định hướng đa nền tảng (multi-platform) vào khoảng những năm 2014-2015, khi mà báo chí Việt Nam vẫn còn loay hoay với khái niệm đa phương tiện (multi-media), thậm chí chưa đạt đến cấp độ "social first" (tin nóng được phát lên mạng xã hội trước khi lên báo).
Giờ đây, báo chí hiện đại đang trở về với định hướng cốt lõi là "audience first" (độc giả là trên hết). Họ đã đi qua giai đoạn chạy đua về quy mô cũng như tăng cường tương tác để bước vào giai đoạn xây dựng lòng trung thành của độc giả, với quan điểm sản xuất nội dung phải thực sự giúp mang lại điều tốt đẹp cho cuộc sống và công việc của đối tượng tiếp nhận. Trong khi đó, không ít cơ quan báo chí Việt Nam vẫn hì hục làm mọi cách để tăng lượng truy cập, kể cả việc dùng những câu chuyện gây sốc, những nội dung nhạt nhòa.
Để tạo sự thay đổi trong tòa soạn và để đạt được sự phát triển bền vững, có lẽ không nên bàn tới những thứ xa xôi mà hãy tập trung vào những điều cơ bản sau đây:
Ưu tiên phụng sự độc giả
Đây là bài học quan trọng từ ngành công nghệ: Chúng ta đang cung cấp dịch vụ cho người dùng. Vì vậy, nên có cái nhìn xa hơn, không chỉ coi người dùng là độc giả, khán giả hay thính giả. Hãy thừa nhận một thực tế rằng người dùng có thói quen mới trong cách tiêu dùng nội dung. Và báo chí không chỉ cung cấp nội dung phù hợp cho người dùng mà cần phải cung cấp nội dung đó khi người dùng cần nó, bằng những hình thức mà họ mong muốn.
Báo chí phải nhanh hơn nữa trong việc theo chân người dùng sang mobile nếu chúng ta nghĩ về họ và không đối xử với họ như những người tiếp nhận nội dung của chúng ta một cách thụ động. Nói cách khác, mục tiêu cao nhất của báo chí là "độc giả trên hết", độc giả ở đâu thì báo chí phải có mặt ở đó và báo chí phải chủ động đến với độc giả.
Cơ quan báo chí có thể tạo nguồn thu từ tổ chức sự kiện. Trong ảnh: Livestream “Hành trình Hát vì đội tuyển” - chương trình do Báo Người Lao Động phối hợp với Công ty VSET tổ chức thực hiện Ảnh: Hoàng Triều
Dám thử nghiệm và chấp nhận rủi ro
Báo chí hiện đại không chỉ là những bài viết sâu sắc và những hình ảnh ấn tượng. Thói quen của người dùng đang thay đổi và họ đang bị cuốn hút đến rất nhiều kênh nội dung khác. Để kéo người xem và giữ chân họ, báo chí phải tìm tòi và sáng tạo những cách thức thể hiện hấp dẫn, thậm chí tạo ra những sản phẩm độc đáo.
Rất nhiều cơ quan báo chí trên thế giới đã xây dựng bộ phận nghiên cứu riêng để cho ra những loại hình mới, có thể là những nội dung được tài trợ hay chương trình podcast, gói nội dung độc quyền, thử nghiệm nội dung cho các thiết bị kích hoạt bằng giọng nói...
Theo ý kiến của một số chuyên gia tại Đại hội toàn thế giới các hãng thông tấn lần thứ 6, vừa diễn ra tại Bulgaria hồi giữa tháng 6-2019 vừa qua, các cơ quan báo chí phải "bắt đầu sớm và nhanh chóng thoát ra khi gặp sai lầm".
Lựa chọn mô hình kinh doanh phù hợp
Muốn phục vụ xã hội thì trước hết báo chí cần phải tồn tại và phát triển. Nhưng thực tế cho thấy việc hoàn toàn dựa vào nguồn thu quảng cáo là bất khả thi trong bối cảnh hiện nay, không chỉ với báo in hay phát thanh - truyền hình mà cả báo điện tử. Việc hai gã khổng lồ Google và Facebook chiếm tới hơn 60% chi phí quảng cáo digital toàn cầu khiến cho các cơ quan báo chí còn rất ít cơ hội kiếm tiền từ đây.
Theo Báo cáo về Sáng tạo báo chí 2019-2020 của FIPP, ngoài quảng cáo, các nhà xuất bản tin tức cần đa dạng hóa nguồn thu mà trọng tâm là từ độc giả hoặc xây dựng nội dung có tài trợ, thu phí hội viên, đóng góp từ các nhà hảo tâm.
Các cơ quan báo chí cũng có thể cân nhắc việc tạo nguồn thu từ tổ chức sự kiện, trở thành các công ty dịch vụ truyền thông, kinh doanh dữ liệu và công nghệ thông tin, thậm chí tham gia bán lẻ, thương mại điện tử.
Kể những câu chuyện khác biệt
Trong thời buổi doanh thu quảng cáo giảm sút, tuyển dụng nhân tài thì khó khăn và thông tin thì như "mặc đồng phục" khắp nơi, một tờ báo không thể thu hút người đọc nếu không có nội dung đặc biệt.
Vì thế, các cơ quan báo chí không nên phung phí nguồn lực quý giá vào những nội dung thiếu trọng tâm, chạy theo những loạt bài chỉ để cạnh tranh với các đối thủ nào đó hoặc bám những lĩnh vực chỉ vì đã theo lâu nay.
Jim Brady, CEO của tập đoàn truyền thông Spirited Media, từng phát biểu: "Bạn có thể làm bất cứ điều gì nhưng bạn không thể làm mọi thứ".
Đăng tải những bài viết mà người dùng không thể tìm thấy ở những nơi khác sẽ là điểm khác biệt quan trọng trong một thị trường báo chí ngày càng huyên náo hiện nay. Đối với các tờ báo địa phương hoặc thuộc các lĩnh vực chuyên môn đặc thù, điều này có nghĩa là tập trung kể những câu chuyện mà có thể các cơ quan báo chí khác bỏ qua hoặc đưa ra những quan điểm mới mẻ, chuyên sâu.
Công nghệ song hành với nội dung
Sirgoo Lee, Giám đốc công nghệ của JoongAng Ilbo, nhật báo lớn thứ 2 và là nhà xuất bản tin tức đa phương tiện hàng đầu của Hàn Quốc, cho rằng mô hình cơ quan báo chí chính thống truyền thống trước đây đang nhường cho sự nổi lên của các cơ quan báo chí "thạo công nghệ".
"Nội dung là vua nhưng công nghệ là nữ hoàng" - quan điểm này đang ngày càng trở nên phổ biến và các chuyên gia công nghệ đang trở thành một phần không thể thiếu trong những tòa soạn năng nổ hàng đầu thế giới như The New York Times, The Washington Post, Bloomberg, Reuters, The Straits Times...
Đầu tháng 4-2019, tờ South China Morning Post ở Hồng Kông thậm chí tuyên bố họ là công ty công nghệ chứ không chỉ là một cơ quan báo chí.
Một điều quan trọng cần nhớ là dữ liệu và trí tuệ nhân tạo đang góp phần thay đổi cách thức hoạt động của các tòa soạn. Robot đang giúp xử lý những công việc lặp đi lặp lại để nhà báo có nhiều thời gian hơn cho việc tổng hợp, phân tích và viết những bài phóng sự điều tra; trong khi dữ liệu và các công cụ phân tích có thể gợi ý cho tòa soạn biết nên xuất bản thông tin gì, như thế nào và khi nào...
Đừng chần chừ!
"Chuyển đổi kỹ thuật số là một hành trình rất khó khăn nhưng chúng tôi đã quyết định phải vượt qua" - Sirgoo Lee, Giám đốc công nghệ của nhật báo JoongAng Ilbo, tỏ ra đầy lạc quan, và tin chắc: "Chúng tôi tin rằng sẽ có nguồn doanh thu đang chờ đợi ở phía bên kia".
Trong khi đó, Mark Thompson, Chủ tịch kiêm tổng Giám đốc Tập đoàn báo chí The New York Times, phát biểu tại Đại hội Truyền thông Tin tức thế giới ở Glasgow (Scotland): "Chúng tôi đã nhanh hơn nhưng chúng tôi vẫn còn quá chậm và quá thận trọng".
Đến The New York Times còn thấy rằng họ chậm chân thì chúng ta lại càng không thể chần chừ thêm nữa. Hãy sẵn sàng đổi mới hoạt động của tòa soạn trong giai đoạn chuyển đổi kỹ thuật số hiện nay.
Bình luận (0)