Theo chân Trưởng thôn Phong Nam Ngô Văn Xý, chúng tôi đi dọc những lối mòn quanh co trong thôn với hai bên đường là hàng giậu xanh mướt lũy tre xào xạc trong gió thoảng đồng nội.
Ngày trước, thôn Phong Nam thuộc trung tâm làng cổ Phong Lệ. Tuy Phong Lệ không còn nằm trong tên gọi hành chính song dấu tích của ngôi làng này vẫn còn trải dài tại nhiều khu vực trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Làng Phong Lệ xưa có đình, chùa, miếu, nhà thờ tiền hiền các làng và nhà thờ 17 tộc họ. Đón khách, dân thôn Phong Nam hào hứng kể về gốc tích của mình, những giai thoại về tên đất, tên làng, về tài năng của người con Phong Lệ - danh tướng Ông Ích Khiêm; về những cuộc viếng thăm của nhà thơ Cao Bá Quát, nhà yêu nước Phan Bội Châu.
Là làng cổ trong lòng TP, Phong Nam còn giữ lại gần 10 căn nhà cổ với tuổi đời gần 200 năm. Thời gian qua đi, nhiều căn nhà xuống cấp, không thể ở nhưng dân làng vẫn quyết giữ. Họ trân quý những nếp nhà xưa, yêu cây đa, bến nước, con đò…
Đình Mục Đồng tại thôn Phong Nam
Không chỉ với phong cảnh yên bình, công trình cổ kính, thôn Phong Nam còn níu chân du khách bởi nhiều lễ hội độc đáo mà tiêu biểu nhất là Lễ hội Mục đồng.
Giai thoại kể rằng làng Phong Lệ có một cồn Thần. Mọi người đến đây đều bị dính chặt chân xuống đất như có bàn tay ai níu lại. Duy chỉ có đám trẻ chăn trâu là vô tư qua lại mà không hề hấn gì. Tiếng đồn lan xa, cồn Thần dần trở thành nơi tụ tập của các mục đồng.
Từ câu chuyện lạ lùng ấy, sau nhiều thế hệ dần dần hình thành một lễ hội dành riêng cho các trẻ chăn trâu, là Lễ hội Mục đồng, diễn ra vào ngày 1-4 âm lịch. Vào ngày này, mọi người tập hợp tại đình Mục Đồng (hay còn gọi là đình Thần Nông, đình Phong Lệ) để thết đãi trẻ chăn trâu. Phần lễ nghiêm trang, phần hội tưng bừng được tổ chức suốt 3 ngày 3 đêm nhằm cầu khẩn mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Với bề dày lịch sử như vậy, tháng 6-2007, UBND TP Đà Nẵng công nhận đình Mục Đồng là Di tích lịch sử văn hóa cấp TP. Tuy nhiên, lần gần nhất Lễ hội Mục đồng được tổ chức cách đây đã tròn 10 năm. Theo ông Ngô Văn Xý, tuy các lễ nghi vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn nhưng những trò chơi dân gian dành cho con trẻ như bịt mắt bắt vịt, đánh nẻ, đánh thẻ, kéo co đã mai một theo thời gian.
"Năm 2020, được UBND xã Hòa Châu cho phép, dân làng đã trồng 1.600 gốc cau dọc đường làng để tạo cảnh quan. Sắp tới sẽ phục dựng Lễ hội Mục đồng để tạo dấu ấn, thu hút các công ty lữ hành và khách thập phương" - ông Ngô Văn Xý chia sẻ.
Bình luận (0)