xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nỗi lo từ các hồ chứa nước

Nhóm phóng viên

Cả nước có 1.200 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp, việc tích nước của các hồ là hạn chế, không theo thiết kế và luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn

Báo cáo kết quả giám sát an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho thấy hiện trên cả nước có 7.570 đập, hồ chứa đã đưa vào vận hành khai thác với tổng dung tích khoảng 70,5 tỉ m3. Việc bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các hồ, đập này, cho hạ du là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết của các cấp chính quyền, chủ quản lý khai thác và người dân.

Hàng loạt hồ chứa xuống cấp

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), hiện cả nước còn khoảng 1.200 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp không bảo đảm khả năng thoát lũ, chưa có nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp, việc tích nước của các hồ là hạn chế, không theo thiết kế và luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Khảo sát thực tế tại 14 tỉnh, thành phố cho thấy tình trạng công trình bị hư hỏng, xuống cấp ngày càng nghiêm trọng, nhiều công trình đầu mối không đủ khả năng chống lũ, nhất là các hồ chứa nhỏ xây dựng cách đây 30-50 năm. "Từ năm 2010 đến nay, cả nước đã xảy ra 70 sự cố đập, hồ chứa do tác động lớn của thiên tai như mưa lớn nên dòng chảy về hồ vượt tần suất thiết kế; công trình xuống cấp ở hạng mục công trình đầu mối, cống, tràn xả lũ; các cấu kiện xây đúc bị nứt, vỡ suy giảm cường độ chịu lực; đập yếu do mái đập bị sạt lở, bào mòn lâu ngày…" - báo cáo giám sát nêu. Tại buổi kiểm tra tình hình an toàn hồ, đập vào tháng 9 vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết rất lo ngại các hồ chứa quy mô nhỏ, đặc biệt là hồ thủy điện trong mùa mưa lũ. "Chúng ta đã chứng kiến gần như năm nào Tây Nguyên cũng có hồ thủy điện bị vỡ, bị tràn. Hồ thủy điện và các hồ thủy lợi nhỏ, các đơn vị quản lý chưa có kinh nghiệm" - ông Nguyễn Hoàng Hiệp nói.

Tỉnh Hà Tĩnh có 31 công trình hư hỏng, hạn chế tích nước, 2 công trình không tích nước do có nguy cơ mất an toàn; tỉnh Thanh Hóa có 78 hồ chứa mất an toàn, hư hỏng; tỉnh Hòa Bình có 48 hồ chứa xung yếu có nguy cơ mất an toàn cao; tỉnh Nghệ An có 100 hồ chứa hư hỏng... Tỉnh Quảng Bình hiện có 150 hồ chứa, 211 đập dâng thủy lợi các loại. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 4 hồ chứa lớn được lắp đặt hệ thống giám sát vận hành, lắp đặt thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng; số còn lại đều phải quan sát mực nước lên xuống bằng mắt thường, kinh nghiệm trong khâu vận hành nên vấn đề an toàn hồ, đập trong mùa lũ đang trở thành nỗi lo. Ông Trần Hồng Quảng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình, cho biết mùa lũ vừa rồi đã có tới 50% hồ, đập vượt dung tích thiết kế; trong đó, hồ Tiên Lang, hồ Troóc Trâu, hồ Trung Thuần, hồ An Mã, hồ Cửa Nghè… vượt khoảng từ 10%-25%. Ông Trần Xuân Tiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Bình, cho biết các hồ, đập không có hồ sơ lưu trữ, thiếu các thông số về hồ chứa và cán bộ quản lý hồ không có trình độ chuyên môn nên những quy định về quản lý an toàn hồ, đập thực hiện không đầy đủ, đặc biệt là khi mùa mưa lũ về.

Ngày 8-11, Công ty Thủy điện Quảng Trị cho hay vừa có văn bản gửi UBND huyện Hướng Hóa về việc khắc phục, thông đường vào xã Hướng Linh để bảo đảm an toàn đập dâng hồ chứa công trình thủy lợi - thủy điện Quảng Trị. Đây là hồ chứa lớn nhất tỉnh Quảng Trị với dung tích 163 triệu m3, có nhiệm vụ điều tiết, bổ sung nước tưới cho vùng hạ du, giảm lũ cho đồng bằng và phát điện hòa vào lưới điện quốc gia. Trước đó, vì mưa lũ, sạt lở đất kéo dài nên tuyến đường dẫn vào xã Hướng Linh bị chia cắt. Để tạo điều kiện cho công tác cứu trợ, dân sinh, Công ty Thủy điện Quảng Trị đã đồng ý cho mượn đường qua đập dâng hồ chứa thủy lợi - thủy điện Quảng Trị để đi vào xã Hướng Linh. Theo thiết kế, chỉ cho phép phương tiện có tải trọng hạn chế qua đập khi xử lý sự cố, phòng chống thiên tai. Tuy nhiên, thời gian qua, số lượng phương tiện qua lại đập dâng, khu đầu mối quá nhiều, trong đó có một số phương tiện có tải trọng lớn.

Tại tỉnh Quảng Nam, nơi có hàng chục thủy điện lớn nhỏ ở thượng nguồn và nhiều hồ thủy lợi phục vụ tưới tiêu, sản xuất. Sáng 10-10, mưa lớn đã làm vỡ đê quai cống lấy nước đập thủy lợi Hốc Bầu (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên). Sự cố khiến nước tràn về hạ lưu ảnh hưởng khoảng 10 hộ dân, rất may mắn không có thiệt hại về người. Khi xảy ra sự cố, đập thủy lợi này đang trong quá trình sửa chữa. Hiện có 7 hồ thủy lợi do các địa phương quản lý bị xuống cấp, hư hỏng đang được nâng cấp sửa chữa. Tỉnh Bình Định hiện có 165 hồ chứa, trong đó 11 hồ đang bị hư hỏng nặng. Đáng lo là hồ Hố Trạnh (ở huyện Phù Mỹ), mái thượng lưu và đập đất bao quanh hồ này bị xói lở, nhiều đoạn không còn khả năng bảo vệ hồ; tràn xả lũ bị sụp gãy hoàn toàn. Hồ chứa nước này nằm gần khu dân cư, nếu xảy ra sự cố thì hậu quả rất khó lường.

Theo ông Hồ Đắc Chương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bình Định, ngoài 11 hồ chứa bị hư hỏng nặng, toàn tỉnh còn có 6 hồ chứa khác cũng không bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ năm nay. Phần lớn hệ thống đập đất của các hồ chứa này đều đã bị xói lở sâu vào thân đập, mái hạ lưu hồ chứa xuất hiện tình trạng thẩm lậu, hệ thống cống lấy nước, tràn xả lũ của các công trình cũng bị gãy và rò nước rất nguy hiểm khi xảy ra mưa lũ lớn.

Nỗi lo từ các hồ chứa nước - Ảnh 1.

Hồ Dạ Lam (tỉnh Quảng Bình) có dung tích 0,45 triệu m3 nước, được xây dựng từ năm 1986 trước nguy cơ vỡ đập trong mùa lũ. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Thiếu kinh phí sữa chữa

Cũng tại huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định), các hồ chứa: Giàn Tranh ở xã Mỹ Hòa, Thuận An ở xã Mỹ Thọ và Hóc Xoài ở xã Mỹ Trinh cũng bị hư hỏng nặng nhưng chưa được nâng cấp, sửa chữa. Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phù Mỹ, cho biết do ngân sách hạn chế nên địa phương chưa có điều kiện nâng cấp, sửa chữa bài bản mà chỉ dặm vá là chính. Tương tự, tại huyện Phù Cát, hồ chứa nước Đá Bàn ở thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải nằm khá gần khu dân cư và cũng bị xuống cấp, hư hỏng nặng.

Tính đến tháng 6, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 124 hồ chứa nước thủy lợi đã đưa vào khai thác, sử dụng với tổng dung tích 409,97 triệu m3. Phần lớn các hồ chứa này được xây dựng từ năm 1989 trở về trước, đầu tư không đồng bộ và thi công chủ yếu bằng thủ công. Sau nhiều năm khai thác và thường xuyên chịu tác động của mưa, lũ nên nhiều công trình bị xuống cấp, hư hỏng. Trong khi công tác duy tu, sửa chữa thường xuyên chưa bảo đảm do thiếu kinh phí. Đáng báo động, theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, trong số 124 hồ chứa nước thủy lợi có 38 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp chưa bảo đảm an toàn đập. Trong đó có 7 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, cần được ưu tiên sửa chữa, nâng cấp.

Tại tỉnh Khánh Hòa, hiện có 31 hồ chứa (28 hồ thủy lợi và 3 hồ thủy điện), trong đó có 19 hồ chứa lớn bao gồm hồ thủy điện Ea Krong Rou, với khả năng chứa được 248 triệu m3 nước. Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa đang triển khai việc sửa chữa nhằm bảo đảm an toàn hồ chứa và thực hiện cấp nước. Theo đó, toàn tỉnh có 8 hồ chứa được sửa chữa với tổng vốn gần 225 tỉ đồng từ dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập. Trong đó, hồ Cây Sung được sửa chữa với kinh phí hơn 20 tỉ đồng, hồ Láng Nhớt gần 20 tỉ đồng, hồ Đá Mài gần 12 tỉ đồng. Đây là những hồ ảnh hưởng trực tiếp đến huyện Diên Khánh - hạ du TP Nha Trang.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh hiện có hơn 700 hồ chứa, đập dâng với tổng dung tích khoảng 650 triệu m3. Kết quả kiểm tra an toàn hồ, đập trước mùa mưa lũ năm nay cho thấy phần lớn các hồ đập đều bị hư hỏng từ nhẹ đến mức đáng báo động. Trong khi đó, việc đầu tư kinh phí để sửa chữa các công trình thủy lợi bị hư hỏng rất hạn chế và không kịp thời. UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết tại thời điểm tháng 6-2020, tỉnh có 11 công trình thủy lợi hư hỏng nặng, có nguy cơ mất an toàn, cần đầu tư sửa chữa với tổng kinh phí hơn 100 tỉ đồng. 

Đầu tư hệ thống camera theo dõi xả lũ

Hiện nay tỉnh Thừa Thiên - Huế đang sửa chữa, nâng cấp 10 hồ chứa nước thủy lợi, trong đó có 9 hồ thuộc tiểu dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập. Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết các chủ hồ đập thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh tăng cường đầu tư hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn phục vụ dự báo và vận hành hồ đập; đầu tư hệ thống camera theo dõi xả lũ qua các cống, đập về hạ du. Đến nay, các hồ chứa thủy lợi, thủy điện lớn gồm Tả Trạch, Hương Điền, Bình Điền, A Lưới đã truyền hình ảnh camera về Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh tỉnh.

Cần Nghị quyết về an ninh nguồn nước, an toàn hồ, đập chứa nước

Theo đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang), đánh giá với 1.200 hồ, đập cần phải sửa chữa và 200 hồ, đập hư hỏng nặng cần sửa chữa khẩn cấp thì nguy cơ thảm họa ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh nguồn nước, an toàn hồ, đập nước ta rất là lớn. Đại biểu Lịch đề nghị QH ban hành Nghị quyết về an ninh nguồn nước, an toàn hồ, đập chứa nước. Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT trình Chính phủ xem xét quyết định đầu tư những công cụ quan sát, đo đếm, dự báo cần thiết để vận hành hiệu quả, an toàn, đầy đủ thông tin trong việc điều tiết nước, nhằm giảm thiểu rủi ro, ngăn chặn sự cố trong vận hành hồ chứa thủy điện, thủy lợi.

V.Duẩn

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo