Sáng 16-7, hay tin Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân xuống thăm khu tạm cư phường An Phú (quận 2, TP HCM), người dân rất vui mừng, có người còn nghỉ làm với mong muốn được gặp để nói hết những tâm tư, nguyện vọng bấy lâu.
Ước vọng dở dang
Có mặt ở khu tạm cư phường An Phú từ rất sớm, chúng tôi ghi nhận nơi đây có tổng cộng 6 dãy nhà với hơn 300 căn đã xuống cấp nghiêm trọng. Đây là nơi dành cho những hộ dân bị giải tỏa khi triển khai thực hiện khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐTMTT) về ở tạm, trong thời gian chờ giải quyết các khiếu nại. Kể chuyện nhà mình, ông Đặng Văn Truyền (ngụ dãy A1) trầm giọng cho hay ông về đây đã 4 năm, sau khi căn nhà ở đường Lương Định Của bị cưỡng chế giao đất. Mọi toan tính cho tương lai gia đình vỡ vụn. "Trước đây, nhờ vào cửa hàng gas gia đình tôi sống khấm khá với bao tính toán mở rộng làm ăn. Vậy mà, giờ cả gia đình lâm vào cảnh ly tán" - ông Truyền nói. Bởi theo ông Truyền, căn nhà tạm cư rộng hơn 20 m2. "Trời mưa thì dột, trời nắng thì nóng hầm hập, mình chịu không nổi nói gì đến cha mẹ già hơn 80 tuổi" - ông Truyền lý giải vì sao phải gửi cha mẹ nương nhờ nhà người thân còn mình thì bám trụ để tiếp tục hành trình khiếu nại.
Khổ hơn, căn nhà bà Lê Thị Thảo (dãy A2) phía trên trần, một tấm la-phông bị rớt từ lâu nhưng bà Thảo chẳng thể gắn lại được bởi sợ những miếng khác đổ ập xuống. Nơi sạch sẽ nhất trong căn nhà có lẽ là chiếc giường với tập tài liệu liên quan đến khiếu nại ròng rã nhiều năm qua. Bà Thảo nói rằng từ khi chuyển về đây bà phải đi lượm ve chai để có thu nhập sống tạm qua ngày.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân thăm hỏi và động viên các hộ dân ở khu tạm cư phường An Phú, sáng 16-7
Ở khu tạm cư, người đến trước, kẻ đến sau nhưng đều có chung một hoàn cảnh là không tìm được công việc ổn định. Việc buôn bán, kinh doanh rất khó khăn bởi những người ở trước đã mở tạp hóa, bán cơm trưa nên người đến sau chẳng thể tìm ra phương cách khác khiến việc đi lượm ve chai lại thành nghề chính của nhiều người.
Không khổ như những hộ dân tạm cư nhưng những người dân Thủ Thiêm dọn về khu tái định cư (TĐC) cũng cho rằng họ đang phải từng ngày từng giờ vật lộn với cuộc mưu sinh cùng khoản tiền phải trả khi mua căn hộ. Bà Đoàn Thị Chua (ngụ căn hộ số 7.09 lô CD chung cư 17,3 ha, phường Bình Khánh) nói ước mơ có cái tiệm may từ thời bà còn con gái đã thực sự chấm dứt khi căn nhà rộng 60 m2 của bà ở khu phố 5 (phường An Khánh) bị giải tỏa. "Khi giải tỏa tôi chỉ nhận được tiền hỗ trợ 71 triệu đồng. Căn hộ TĐC mua với giá gần 1 tỉ đồng, hằng năm phải đóng hơn 65 triệu đồng. Thực tế quá sức của gia đình" - bà Chua nói và chia sẻ thêm hiện bà đã không thể tiếp tục với nghề may vì lên chung cư không thể tìm đâu ra khách đến may.
Hóa giải!
Buổi chiều cùng ngày, gặp lại chúng tôi, ông Truyền không khỏi xúc động kể lại khi nghe người dân kể về cuộc sống, gia cảnh cùng việc làm tại khu tạm cư, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đã lắng nghe và chia sẻ: "Bà con khổ lắm rồi". "Bí thư hứa sẽ sớm giải quyết những bức xúc của bà con sau khi có kết luận của Chính phủ về dự án KĐTMTT, làm tôi thấy được sự quan tâm, đồng hành sau nhiều năm khiếu nại từ TP đến tận trung ương" - ông Truyền nở nụ cười. Cũng theo ông Truyền, tại buổi tiếp xúc với Bí thư Thành ủy, các cư dân Thủ Thiêm đề nghị cần có sự rõ ràng trong các vấn đề như ranh quy hoạch, quyết định thu hồi đất, bố trí TĐC tại chỗ cũng như tạo sinh kế để người dân được an cư.
Báo cáo ngay sau buổi thăm hỏi cư dân Thủ Thiêm của Bí thư Thành ủy, ông Nguyễn Phước Hưng, Chủ tịch UBND quận 2, cho biết khu tạm cư hiện chỉ còn 106 hộ dân sinh sống. Trong đó, có 44 hộ đồng ý nhận căn hộ chung cư; 39 hộ chưa đồng ý chuyển lên chung cư do yêu cầu giải quyết căn hộ quá tiêu chuẩn 17 m2/người và còn khiếu nại việc bồi thường nhà, đất; một số hộ khác không đồng ý lên chung cư do đang kinh doanh thuận lợi. Ngoài ra, khu tạm cư còn 23 hộ, chính quyền đã mời nhưng chưa tiếp xúc được. "UBND quận 2 đang tiếp tục vận động, thuyết phục để giải quyết dứt điểm di dời các hộ dân còn lại trong khu tạm cư trong tháng 7-2018" - Chủ tịch UBND quận 2 nói.
Khu tạm cư phường An Phú xuống cấp nghiêm trọng nên TP đang ra sức vận động người dân lên chung cư ở tạm trong thời gian chờ kết luận thanh traẢnh: SỸ ĐÔNG
Trước thực tế trên, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề nghị trong số 44 hộ dân đồng ý dời lên căn hộ chung cư, quận 2 phải sớm thực hiện việc di dời để người dân không còn phải sống khổ ở nơi tạm cư. Kế đến, UBND quận 2 phải tập trung vận động người dân sống ở khu tạm cư chuyển về sinh sống tại căn hộ chung cư TĐC.
Về hình thức vận động, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu UBND quận 2 nên cho người dân lên xem chỗ ở TĐC trước để thấy được cuộc sống ở chung cư như thế nào. Đặc biệt, UBND quận 2 phải thông tin rõ chủ trương của TP trong việc di dời người dân sống ở khu vực tạm cư lên chung cư. Đó là không phải đóng bất cứ khoản tiền nào ngoài tiền điện và nước (riêng các hộ dân TĐC cũ vẫn phải trả tiền bình thường). Hơn nữa, phải nhấn mạnh với người dân là TP và quận bố trí lên chỗ ở TĐC là để giảm khó khăn trước mắt, chứ đây không phải là chỗ ở lâu dài. "Ngay bây giờ phải bàn bạc và xem xét giải quyết một số quyền lợi cho người dân đang sinh sống ở khu vực tạm cư nhằm giúp người dân có kế sinh nhai", Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Khi nghe người dân kể về cuộc sống, gia đình cùng việc làm tại khu tạm cư, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đã lắng nghe và chia sẻ: "Bà con khổ lắm rồi".
Xử lý dứt điểm sau 4 tháng công bố kết luận
Thành ủy TP HCM vừa có thông báo về xem xét, giải quyết các trường hợp kiến nghị, khiếu nại liên quan công tác thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư thực hiện quy hoạch KĐTMTT (quận 2). Theo đó, Thành ủy TP HCM thành lập tổ công tác giải quyết các trường hợp kiến nghị, khiếu nại liên quan công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thực hiện quy hoạch KĐTMTT (gọi tắt là tổ công tác).
Thành phần tổ công tác gồm: Tổ trưởng là Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong; tổ phó là Phó Chủ tịch UBND TP phụ trách đô thị cùng các thành viên là: 2 đại biểu Quốc hội, Ban Dân vận Thành ủy, Ủy ban MTTQ TP, Ban Pháp chế HĐND TP, Sở Tư pháp, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Tài chính, Thanh tra, Hội đồng Thẩm định bồi thường TP, Trưởng Ban Quản lý đầu tư xây dựng KĐTMTT và chủ tịch UBND quận 2.
Tổ công tác cũng đưa ra các mốc thời gian để thực hiện từng nhóm kiến nghị, khiếu nại. Cụ thể, đối với các trường hợp khiếu nại liên quan đến nội dung nằm trong hay ngoài ranh quy hoạch, sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ và có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng thì trong vòng 1 tháng, UBND TP phải có văn bản trả lời hộ dân. Đối với các trường hợp khiếu nại việc xác nhận hiện trạng sử dụng đất không đúng, tổ công tác có trách nhiệm rà soát, kiểm tra hồ sơ kê khai của hộ dân và xác nhận của chính quyền quận 2 để đề xuất xử lý xác nhận hiện trạng theo đúng thực tế và quy định pháp luật. Đồng thời chủ tịch UBND TP chỉ đạo chủ tịch UBND quận 2 thực hiện các chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định ban hành. Việc này phải hoàn thành chậm nhất 45 ngày sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Đối với các trường hợp được xác nhận hiện trạng sử dụng đất đúng quy định nhưng có khiếu nại về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư không hợp lý, tổ công tác rà soát từng hồ sơ tại thời điểm bồi thường có đúng chính sách quy định hay không. Việc này hoàn thành chậm nhất sau 60 ngày kể từ khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ. Đối với các trường hợp đã chấp hành di dời và bàn giao mặt bằng nhưng hiện nay vẫn đang kiến nghị, khiếu nại về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư vì cho rằng còn bất hợp lý, tổ công tác có trách nhiệm tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải quyết theo chính sách chung và tình hình cụ thể TP. Việc này hoàn thành chậm nhất sau 120 ngày kể từ khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Bình luận (0)