Chiều 20-5, tại buổi tọa đàm về dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, 15 hội chuyên ngành, tổ chức nghiên cứu khoa học và cá nhân tập hợp trong Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm (NCDs-VN) đã gửi thư tới Chính phủ, Quốc hội đề nghị lưu tâm tới những vấn đề về tên của dự luật; sự cần thiết của Quỹ Nâng cao sức khỏe quy định trong luật; việc kiểm soát quảng cáo, hạn chế tài trợ với các loại rượu, bia dưới 15 độ.
Nhiều điều khoản quan trọng bị... lọt sổ
Đây là lần thứ 4, NCDs-VN có thư kiến nghị về các nội dung tại dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia.
Theo ông Trần Tuấn, Trưởng Ban Điều phối NCDs-VN, so với dự thảo lần 1 thì các quy định tại phiên bản mới nhất của dự luật này (sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 vừa khai mạc) có độ "thụt lùi" lớn nhất trong việc hạn chế tính sẵn có, tràn lan của rượu, bia. Nhiều điều khoản liên quan đến kiểm soát quảng cáo, tiếp thị và tài trợ rượu, bia nhằm kiểm soát việc sử dụng rượu, bia đã bị đưa ra khỏi dự thảo hoặc điều chỉnh làm yếu đi. Cụ thể như quy định cấm quảng cáo trên internet, mạng xã hội; cấm tài trợ cho các sự kiện hoạt động văn hóa, nghệ thuật, y tế, giáo dục, thể dục thể thao, vui chơi giải trí đã bị bỏ. Thay vào đó là quy định hoạt động tài trợ tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan và không được tài trợ bằng sản phẩm rượu, bia.
Nhiều ý kiến cho rằng nếu chỉ kêu gọi thì chưa đủ mà cần có những quy định mạnh mẽ hơn
Là lãnh đạo đơn vị được Bộ Y tế giao chủ trì soạn thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho biết so nội dung dự thảo ban đầu thì nay công cụ pháp lý quan trọng đang bị làm yếu hơn, tạo nhiều khoảng trống pháp luật như: Quy định cấm quảng cáo rượu, bia từ 15 độ trở lên bị thay thế bằng chỉ cấm quảng cáo, khuyến mại rượu từ 15 độ cồn trở lên, không cấm đối với bia. Trong khi đó, bia cũng là sản phẩm có cồn, gây nghiện. Uống 1 lon/cốc bia tương đương 1 chén nhỏ rượu. Tác hại của rượu, bia là như nhau. Tại Việt Nam, 95% lượng tiêu thụ đồ uống có cồn hiện nay là bia. Chưa kể, trong các dự thảo trước đưa ra rất nhiều quy định nhằm hạn chế việc tiếp cận của người dân quá dễ dàng với rượu, bia như cấm bán rượu, bia tại trạm dừng đỗ xe, cấm bán sau 22 giờ... cũng bị bỏ.
"Uống có trách nhiệm" là chưa đủ
Tên gọi dự thảo cũng có nhiều ý kiến đề xuất theo hướng rối rắm, khó hiểu. Ông Nguyễn Huy Quang khẳng định ban soạn thảo bảo lưu tên gọi "Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia" vì nó phản ánh được đầy đủ những tác hại cấp tính của rượu, bia và tác hại lâu dài về sức khỏe. Bên cạnh là các vấn đề về an toàn giao thông, an ninh trật tự xã hội.
Nhiều ý kiến cho rằng rượu, bia là chất gây nghiện và không có ngưỡng an toàn cho sử dụng nên không thể chỉ đơn thuần kêu gọi mọi người kiểu như hãy "Uống có trách nhiệm", "Uống rượu bia - không lái xe"... vì không thể giải quyết được hệ lụy do rượu, bia gây ra.
Theo bà Trần Thị Trang, Vụ phó Vụ Pháp chế, cái gốc của rượu, bia là chất cồn có trong sản phẩm đã được giới khoa học xếp vào nhóm chất gây nghiện, sẽ tác động đến hệ thần kinh ngay sau khi uống. Khi đã uống vào rồi liệu còn đủ tỉnh táo để suy nghĩ đến trách nhiệm không?
Nguyên nhân gây nhiều bệnh
PGS-TS Phạm Việt Cường, Trường ĐH Y tế công cộng, cho biết rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế. Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia trên gần 15.000 nạn nhân tai nạn giao thông nhập viện thì 28% người đi xe máy có nồng độ cồn trong máu cao hơn mức cho phép và 63,5% người lái ôtô có nồng độ cồn trong máu cao hơn mức cho phép.
Bình luận (0)