Sáng 12-5, Ủy ban An toàn gia thông (ATGT) quốc gia phối hợp cùng UBND TP Hà Nội tổ chức phát động đi bộ kêu gọi hành động "Đã uống rượu bia - Không lái xe".
Tham gia cuộc đi bộ cùng Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và khoảng 8.000 người, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, cho biết đảm bảo trật tự ATGT được Đảng và nhà nước Việt Nam xác định là một trong những nhiệm vụ cơ bản trong công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn và an sinh xã hội...
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cùng nhiều lãnh đạo ban, ngành kêu gọi "Đã uống rượu bia - Không lái xe"
Từ năm 2012 đến nay, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của người dân, tai nạn giao thông (TNGT) liên tục kéo giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Từ chỗ mỗi năm có gần 12.000 người chết vì TNGT, đến năm 2018, con số này đã giảm còn trên 8.000 người. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng kết quả trên không cho phép chúng ta quên rằng mỗi ngày TNGT vẫn cướp đi khoảng 21 sinh mạng và làm gần 40 người bị thương tật vĩnh viễn suốt đời, mang đến những nỗi đau không gì bù đắp nổi cho gia đình, người thân và cộng đồng.
"Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ TNGT do lái xe vi phạm nồng độ cồn gây ra, điển hình là 2 vụ TNGT ngày 22-4 và 1-5-2019 tại Hà Nội, đã cướp đi 3 người mẹ, đã khiến cho 5 cháu nhỏ đang hạnh phúc ấm êm trong vòng tay mẹ bỗng trở nên bất hạnh, côi cút, vĩnh viễn không còn mẹ" - Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh những gì đang làm là chưa đủ, pháp luật Việt Nam đã nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện cơ giới khi trong cơ thể có nồng độ cồn vượt mức cho phép, đặc biệt là nghiêm cấm lái xe ôtô khi trong cơ thể có cồn. Pháp luật có chế tài xử phạt hành chính và hình sự đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn khi lái xe. Mỗi năm có hàng trăm ngàn người lái xe bị xử phạt do vi phạm nồng độ cồn. Bên cạnh đó vi phạm chưa gây ra tai nạn thì phạt tiền đến 18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe đến 6 tháng. Pháp luật cũng quy định sẽ là phạt tù, tối đa là 15 năm nếu gây TNGT làm bị thương nặng hoặc chết người. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đã và đang phải chứng kiến hằng ngày, hằng giờ, những chiếc "xe điên" do người say xỉn tạo nên, phóng điên cuồng trên đường phố, gây nên những cái chết đau thương, biến bao gia đình trở thành bất hạnh.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT quốc gia, cho rằng các cơ quan luôn sẵn sàng tiếp nhận cùng thực hiện những sáng kiến nhân văn tốt đẹp cho xã hội. Trước đó, bộ trưởng Bộ GTVT đã ký chỉ thị yêu cầu cán bộ công chức trong toàn ngành và người dân gương mẫu không uống rượu bia khi lái xe, trong đó, có giao tổ chức sự kiện để tuyên truyền. Ngay sau đó, cộng đồng cựu học sinh THPT Hà Nội khoá 1991-1994 đã thông tin, đây là sự đồng hành tuyệt vời vì sinh mệnh con người.
Ông Nguyễn Đức Hiệp, Chủ tịch Cộng đồng cựu học sinh THPT Hà Nội khóa 1991-1994, chia sẻ: "Chúng tôi đã mất 2 người bạn cùng khóa và sự ra đi này của họ đã khiến cảm xúc đau buồn lan tỏa thành viên trong cộng đồng học sinh THPT Hà Nội khóa 1991-1994, nhất là sau chuỗi tai nạn giao thông xảy ra gần đây liên quan đến rượu, bia. Chúng tôi mong muốn sự ra đi của người bạn không vô nghĩa, muốn sự ra đi đó lan tỏa thông điệp "Đã uống rượu bia - Không lái xe", giảm tai nạn giao thông".
Ngay sau khi phát động, khoảng 8.000 người đã cùng đi bộ xung quanh hồ Gươm để hưởng ứng, kêu gọi, lan tỏa thông điệp "Đã uống rượu bia - Không lái xe".
Một số hình ảnh do Báo Người Lao Động ghi nhận tại buổi lễ sáng 12-5:
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội
Ông Khuất Việt Hùng (giữa), Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban ATGT quốc gia, cùng đại diện nhóm cựu học sinh THPT Hà Nội khóa 1991-1994
Khoảng 8.000 người tham gia cuộc đi bộ quanh "Đã uống rượu bia - Không lái xe" quanh Hồ Gươm
Gần vạn người đã xuống đường tuần hành kêu gọi lan tỏa thông điệp "Đã uống rượu bia - Không lái xe"
Nhiều diễn viên, MC tham gia chương trình
Bình luận (0)