xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nông dân bắt nhịp tốt chuyển đổi số

CA LINH

Khi công nghệ số lan tỏa đến mọi ngành nghề, lĩnh vực thì ngành nông nghiệp cũng không ngoại lệ. Giờ đây, nhiều nông dân ĐBSCL đã sử dụng thuần thục chiếc điện thoại thông minh hay rất rành rẽ các sàn thương mại điện tử

Thay vì phụ thuộc hay mặc cả với thương lái để hàng hóa của mình đến tay người tiêu dùng thì nay, nhờ việc chuyển đổi số, nhiều nông dân ĐBSCL đã đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử (TMĐT), kết nối trực tiếp với người mua. Nhiều người cũng không còn phải thường xuyên ra đồng như trước mà vẫn biết rõ những chuyện ngoài ruộng vườn thông qua chiếc điện thoại di động.

"Bây giờ khác rồi"

Khoảng 2 năm gần đây, ông Nguyễn Văn Chính (ngụ xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) không còn thường xuyên ra thử độ mặn trên sông như trước, bởi mọi chuyện ông đều nắm rõ nhờ chiếc smartphone.

Nông dân bắt nhịp tốt chuyển đổi số - Ảnh 1.

Ngày càng nhiều nông sản của nông dân ĐBSCL được giới thiệu trên các sàn thương mại điện tử.Ảnh: NGỌC TRINH

Ông Chính giải thích: "Những năm trước, vào mùa khô hạn, tôi phải thức khuya dậy sớm ra sông canh độ mặn để kịp thời ngăn mặn hoặc đưa nước ngọt vào đồng ruộng. Bây giờ thì khác rồi, ngành nông nghiệp đã đầu tư hệ thống quan trắc nên khi bật điện thoại di động lên là tôi xem được. Các bản tin hằng ngày trên báo, đài đều cập nhật tình trạng mặn ngọt thế nào, nông dân chỉ cần vào xem trên điện thoại để chủ động ứng phó".

Theo ông Chính, chưa bao giờ canh tác lúa mà "khỏe" như hiện nay. Tất cả đã có máy móc làm thay và ứng dụng công nghệ vào sản xuất nên chi phí thấp, từ đó lợi nhuận cũng cao hơn.

Không chỉ bớt lệ thuộc vào "ông trời" về tình hình thủy văn, nhiều nông dân và HTX tại TP Cần Thơ, Trà Vinh, Vĩnh Long còn đầu tư trạm quan trắc sâu rầy thông minh. Trạm này có thể nhận diện, thống kê số lượng, mật độ, các chủng loại sâu rầy, thiên địch…

Nông dân bắt nhịp tốt chuyển đổi số - Ảnh 2.

Nhiều nông dân ĐBSCL đã sử dụng thuần thục điện thoại thông minh để hỗ trợ việc canh tác

Các số liệu từ hệ thống quan trắc được gửi về máy chủ. Nông dân có thể cập nhật tình hình sâu rầy ở mọi lúc, mọi nơi tại địa phương chỉ bằng chiếc điện thoại di động.

Bớt phụ thuộc thương lái

Chính việc chuyển đổi số đã giúp nông dân tiếp cận gần hơn với khách hàng, hạn chế phụ thuộc vào thương lái. Theo ông Nguyễn Ngọc Nhân, Giám đốc HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước (tỉnh Vĩnh Long), khoảng 2 năm nay, HTX đã đưa sản phẩm chôm chôm Java, chôm chôm Thái lên Sàn Giao dịch nông sản Vĩnh Long để chào bán.

"HTX cũng có website riêng nhưng nhiều khách hàng không biết đến chúng tôi. Đến khi chúng tôi đăng sản phẩm lên Sàn Giao dịch nông sản Vĩnh Long thì nhiều đơn vị và chủ vựa liền liên hệ. Từ đó, họ tìm đến HTX xem hàng hóa và khả năng cung ứng, khi họ thấy chất lượng sản phẩm tốt thì tiến hành ký hợp đồng. Có thể nói, sàn giao dịch nông sản là kênh tìm kiếm khách hàng giùm nông dân" - ông Nhân nhận xét.

Khi thực hiện giãn cách xã hội do dịch COVID-19 vào năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP Cần Thơ đã phối hợp với VNPT Cần Thơ xây dựng sàn TMĐT chonongsancantho.vn. Các hộ dân, HTX nông nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh và doanh nghiệp (DN) cũng được tập huấn nhằm đưa sản phẩm, nông sản lên những sàn TMĐT để quảng bá, tiêu thụ. Nhờ vậy, một lượng lớn nông sản tại địa phương đã được giải quyết.

Đến nay, chonongsancantho.vn vẫn hoạt động hiệu quả. Gần 18.000 hộ sản xuất đã giới thiệu hơn 200 sản phẩm nông nghiệp trên sàn này. Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, cho biết: "Sàn TMĐT chonongsancantho.vn còn là nơi kết nối giữa các hộ dân với DN và chợ đầu mối; giúp nông dân, HTX tiếp cận thiết bị, vật tư của DN. Đây là quan hệ 2 chiều. Ngoài ra, theo bộ tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới thì xã được công nhận nông thôn mới phải có sản phẩm đưa lên sàn TMĐT".

Chủ động tìm kiếm khách hàng

Theo ông Trần Văn Tuấn - Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang - để nông dân thay đổi tư duy và thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, huyện sẽ tăng cường truyền thông nhằm thúc đẩy hộ sản xuất nông nghiệp chủ động tham gia kết nối tiêu thụ sản phẩm trên sàn TMĐT. Cơ quan chức năng cũng sẽ hướng dẫn, hỗ trợ nông dân, cơ sở sản xuất về kỹ năng số và cách thức để có thể sử dụng thiết bị di động thông minh bán hàng trên các sàn TMĐT.

Tại Trà Vinh, để xã viên các HTX tiếp cận được cách mua bán trên mạng, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại tỉnh thường xuyên tổ chức lớp tập huấn kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số. Qua đó, xã viên nắm được cách thức quảng bá, tìm kiếm khách hàng tiềm năng trên internet; được thao tác thực tế trên chính sản phẩm của HTX mình; trao đổi cùng giảng viên những bất cập trong thực tế sản xuất - kinh doanh khi áp dụng công nghệ trong việc giới thiệu hàng hóa.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời đã ban hành kế hoạch triển khai "Chiến lược phát triển bưu chính năm 2023". Mục tiêu mà địa phương này hướng đến là 80% hộ sản xuất nông nghiệp tham gia giao dịch trên các sàn TMĐT của DN bưu chính; 100% sản phẩm giao dịch trên các sàn được gắn thương hiệu và có truy xuất nguồn gốc.

Đến cuối năm 2025, Vĩnh Long kỳ vọng sẽ nâng tỉ lệ hộ sản xuất tham gia giao dịch trên các sàn TMĐT lên 100%, từ đó hình thành hệ sinh thái TMĐT nông nghiệp để thúc đẩy mua bán nội địa và xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của địa phương.

Theo ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, thành phố đang đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phát triển TMĐT và hướng dẫn người dân, HTX, DN đăng ký, quảng bá sản phẩm, dịch vụ. Đến nay, Cần Thơ đã đưa được 92 thương hiệu OCOP ("Mỗi xã 1 sản phẩm") lên trang TMĐT, mạng xã hội. Cần Thơ cũng đã triển khai nền tảng truy xuất nguồn gốc các sản phẩm đặc trưng thông qua mã QR dán trên hàng hóa; tập huấn cho DN, HTX, cơ sở sản xuất - kinh doanh, hộ nông dân để đưa sản phẩm lên sàn TMĐT.

Phát huy vai trò tổ khuyến nông cộng đồng

Ông Trần Thái Nghiêm cho hay TP Cần Thơ đang xây dựng đề án thành lập tổ khuyến nông cộng đồng. Ngoài việc hỗ trợ tư vấn kỹ thuật, làm hợp đồng điện tử, đây còn là tổ chuyển đổi số cộng đồng, giúp nông dân truy xuất nguồn gốc nông sản, kết nối với DN, đưa sản phẩm lên sàn TMĐT. Tổ này sẽ được tập huấn thêm cách làm video clip đăng lên YouTube, Tik Tok... để giới thiệu, quảng bá sản phẩm gắn với du lịch nông nghiệp.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Nông dân bắt nhịp tốt chuyển đổi số - Ảnh 6.
Nông dân bắt nhịp tốt chuyển đổi số - Ảnh 7.
Nông dân bắt nhịp tốt chuyển đổi số - Ảnh 8.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo