Chiều 28-9, tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, đã diễn ra Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân lần thứ 3 năm 2020 với chủ đề "Miền Trung - Tây Nguyên - Vượt thách thức, tăng trưởng giá trị nông sản, giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại".
Giữ cà phê, phát triển mắc ca
Tại buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các bộ, ngành đã giải đáp nhiều câu hỏi và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho nông dân.
Nông dân Đỗ Quý Toán (tỉnh Đắk Lắk) cho biết giá cà phê xuống rất thấp khiến nông dân lo lắng, muốn chặt đi để trồng cây khác. "Xin Thủ tướng cho biết người trồng cà phê có nên tiếp tục duy trì loại cây này hay chuyển đổi sang cây khác?".
Trả lời, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định cà phê là sản phẩm chủ lực chiến lược của Việt Nam, chất lượng rất tốt, được thế giới đánh giá cao. Vì vậy, Thủ tướng khuyên bà con vẫn tiếp tục trồng cà phê trong vùng quy hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm. Về phía Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT), cần tiếp tục mở rộng, ổn định thị trường; cấp vốn để tái canh cà phê, đẩy mạnh chế biến sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Nông dân Trần Thị Hoàng Anh (tỉnh Gia Lai) đặt vấn đề Chính phủ và các bộ, ngành đã tăng cường giải pháp, quy định của pháp luật về quản lý phân bón, chống phân bón giả. "Tuy nhiên, hiện vẫn còn tình trạng buôn bán phân bón giả, vậy Chính phủ và các bộ, ngành có giải pháp gì để chấm dứt tình trạng này? - bà Hoàng Anh hỏi.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết sau năm 2016, Chính phủ và Quốc hội yêu cầu phải chấn chỉnh, tập trung một cơ quan quản lý phân bón. Sau đó, Thủ tướng ra văn bản, nghị định mới thống nhất một đầu mối là Bộ NN-PTNT là cơ quan trực tiếp quản lý phân bón. Hiện nước ta có 125.000 ha gieo trồng nông nghiệp bằng phương thức hữu cơ. Năm 2019, nước ta đã xuất khẩu 353 triệu USD nông sản hữu cơ đi 80 nước. Điều đó chứng minh rằng Việt Nam đang vận hành một nền nông nghiệp văn minh, một nền nông nghiệp sạch, ổn định.
Bổ sung câu trả lời, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cơ quan chức năng phải điều tra, truy tố, xét xử nghiêm khắc những tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón giả. Chủ động phát hiện những đại lý, cá nhân sản xuất phân bón giả để xử lý.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan các sản phẩm nông nghiệp tại hội nghị
Nông dân Vi Thị Thanh (tỉnh Đắk Nông) đưa ra vấn đề trong bối cảnh nhiều cây công nghiệp chủ lực, truyền thống của Tây Nguyên như cà phê, cao su, hồ tiêu đồng loạt mất giá thì cây mắc ca được xem là một hướng đi mới. Nông dân Tây Nguyên đã đầu tư trồng mắc ca rất nhiều, nhưng trồng được 5 - 6 năm mới biết cây mắc ca không có quả hoặc rất ít quả. Nguyên nhân là giống cây mắc ca kém chất lượng khiến nông dân khốn khổ. "Vậy xin hỏi sắp tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT sẽ có những giải pháp gì về việc phát triển cây mắc ca?" - bà Thanh hỏi.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời, ngày mai (29-9), Thủ tướng sẽ chủ trì Hội nghị tổng kết 5 năm trồng mắc ca ở Việt Nam để chỉ ra đâu là thành công hay không thành công, nguyên nhân và giải pháp phát triển mắc ca tại Việt Nam. Thủ tướng cho rằng cây mắc ca là loại cây mới mang lại hiệu quả kinh tế và nhu cầu thế giới đã tăng lên 200% đối với hạt mắc ca.
"Về cây giống không ra trái, yêu cầu kiểm tra ai cung cấp giống không phù hợp khiến cho cây mắc ca không ra trái hoặc ra trái rất ít. Tại hội nghị ngày mai, chúng tôi sẽ lắng nghe và tiếp thu các ý kiến từ tất cả các bên để tìm ra giải pháp tốt nhất phát triển cây mắc ca" - Thủ tướng nhấn mạnh và mời bà Vi Thị Thanh tham dự hội nghị này.
Xây dựng chiến lược nghề biển
Trả lời câu hỏi của nông dân Lê Minh Quyền (tỉnh Khánh Hòa) về chính sách, giải pháp để phát triển và mở rộng tiềm năng nghề nuôi trồng thủy sản trên biển, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay Việt Nam có tiềm năng lớn. Do tác động của dịch Covid-19, việc tiêu thụ sản phẩm đúng là có phần chậm nhưng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành phải có giải pháp ngay lập tức tháo gỡ khó khăn cho nông dân. Đến tháng 9-2020, tất cả mặt hàng đều tăng kim ngạch xuất khẩu, riêng khối thủy sản gần cán đích 9 tỉ USD. Bộ trưởng biểu dương doanh nghiệp kiên trì cùng bà con ngư dân gồng mình vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, nông dân sát cánh cùng doanh nghiệp, khai thác thủy sản, coi trọng rừng vàng, biển bạc bằng cách đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản trên biển, không chỉ trông chờ vào khai thác.
Về vấn đề này, Thủ tướng nhấn mạnh cần xây dựng chiến lược, chính sách nuôi trồng thủy sản trong môi trường biển. Các nước như Đan Mạch, Na Uy thuận lợi hơn Việt Nam khi họ phát triển rất mạnh chiến lược nuôi trồng thủy sản trên biển và có công nghệ hiện đại. Hiện nay, nước ta cũng cần đặt ra vấn đề an toàn đối với nghề nuôi trồng thủy sản trên biển, yêu cầu có những nghị định hướng dẫn ngư dân thực hiện. "Vì sao nuôi trồng thủy sản trong đầm vịnh ở Phú Yên, Khánh Hòa hải sản chết nhiều? Cần tìm hiểu nguyên nhân để rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, cần lưu ý phát triển việc nuôi trồng thủy sản trên biển thì phải quan tâm đến vấn đề bảo vệ tính mạng của người dân. Nuôi lồng bè nhưng khi gặp bão lớn cấp 12 thì làm thế nào? Nhà nước cần ghi nhận thông tin, đánh giá để hỗ trợ bà con ngư dân" - Thủ tướng yêu cầu.
Vượt qua dịch bệnh, biến đổi khí hậu
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nông nghiệp, nông thôn phát triển lớn mạnh như ngày nay ngoài sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước thì có sự đóng góp to lớn của nông dân. Trong tình tình dịch bệnh, biến đổi khí hậu, nông nghiệp nước ta vẫn phát triển mạnh, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế. Nhà nước vẫn luôn quan tâm đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn với nhiều chương trình, chính sách như nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ cơ sở vật chất, hỗ trợ sản xuất…
Thủ tướng yêu cầu phát triển nông nghiệp đi đôi với bảo vệ tài nguyên đất, nước, rừng; ứng dụng khoa học công nghệ; siết chặt liên kết 6 nhà (nhà nông - nhà nước - nhà khoa học - ngân hàng - nhà doanh nghiệp - nhà phân phối); phát huy văn hóa truyền thống nông thôn Việt Nam; bảo đảm an ninh, an toàn cho nông dân đẩy lùi tín dụng đen, hàng giả, hàng nhái.
Thủ tướng chỉ đạo sau buổi đối thoại, các bộ ngành cần giải quyết vấn đề vốn, tạo điều kiện nông dân phát triển sản xuất vươn lên làm giàu; giải quyết những vướng mắc liên quan đến đất đai, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số…
Không để Tây Nguyên là vùng trũng giáo dục
Trả lời một số câu hỏi về y tế - giáo dục - du lịch của nông dân và các doanh nghiệp tại buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Giáo dục và đào tạo là chìa khóa nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Thông điệp Thủ tướng muốn gửi bà con nông dân là phải tạo mọi điều kiện cho con cháu có điều kiện học hành đến nơi đến chốn. Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm hơn nữa vấn đề giáo dục, y tế nói chung. Quan tâm đến đào tạo, dạy nghề cho con em để con em có thu nhập, để Tây Nguyên không là vùng trũng về giáo dục".
Hỗ trợ nông dân vay vốn để hạn chế tín dụng đen
Trả lời câu hỏi của nông dân về tình trạng tín dụng đen, Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết thời gian qua, lực lượng công an liên tục mở các đợt cao điểm triệt phá băng nhóm tội phạm, trong đó có rất nhiều băng nhóm hoạt động tín dụng đen.
Để triệt phá những tổ chức núp bóng công ty tài chính, mà bản chất là tín dụng đen, lực lượng công an đã cùng Ngân hàng Nhà nước có giải pháp để nguồn vốn tiếp cận được bà con nông dân, các doanh nghiệp nông nghiệp dễ dàng hơn. Bộ Công an sẽ tiếp tục triển khai những đợt cao điểm tấn công tội phạm tín dụng đen, không chỉ ở các vùng nông thôn mà cả ở đô thị.
"Vốn hiện nay với nông dân là vô cùng cấp thiết, tôi cho đó là nỗi niềm của bà con, mong rằng Ngân hàng Nhà nước cố gắng hơn nữa trong việc tạo điều kiện cho bà con vay vốn" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp lời.
Bình luận (0)