Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, ngày 17-2, các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản đã nêu nhiều kiến nghị để đưa thị trường vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Cần được hỗ trợ về cơ chế là kiến nghị của ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn địa ốc Nova (Novaland). Theo ông Nhơn, sau hàng loạt khó khăn do trải qua giai đoạn dịch COVID-19 và những biến động trên thị trường, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hỗ trợ.
Ông Bùi Thành Nhơn kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét ban hành một quy định cho phép các ngân hàng giãn, hoãn và giữ nguyên nhóm nợ cho các dự án bất động sản từ 2 - 3 năm để giúp các doanh nghiệp có thời gian chờ thị trường hồi phục và hoàn thiện pháp lý dự án. Ông Nhơn nhấn mạnh việc trợ giúp kịp thời rất quan trọng nhằm phòng tránh 10 - 20% dư nợ của nền kinh tế bị chuyển sang nợ xấu.
Ông Bùi Thành Nhơn kiến nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Ảnh: Nhât Bắc
Bên cạnh đó, các vướng mắc về pháp lý của các dự án bất động sản cũng là vấn đề theo ông Nhơn nhấn mạnh là "tồn tại kéo dài nhiều năm", nhưng chưa được giải quyết. Đại diện doanh nghiệp cho rằng các vướng mắc pháp lý cần được tháo gỡ tận gốc.
Nêu kiến nghị cụ thể tại hội nghị, lãnh đạo Novaland mong muốn Thủ tướng chỉ đạo chọn khu đô thị vệ tinh Aqua City tại tỉnh Đồng Nai làm dự án thí điểm để Tổ công tác của Thủ tướng cùng địa phương tháo gỡ khó khăn và thời gian tháo gỡ trong 1 tháng.
Về phía Novanland, ông Bùi Thành Nhơn cho hay doanh nghiệp này còn 25 ngàn tỉ đồng bị phong tỏa tại các ngân hàng thương mại. Trong đó, theo các điều kiện cấp tín dụng, khoảng hơn 10 ngàn tỉ đồng sẽ đủ điều kiện để giải tỏa khi Novaland hoàn thiện một số thủ tục pháp lý.
"Nếu trong vòng 1-2 tháng tới, vấn đề này được giải quyết thì Novaland sẽ có nguồn vốn để hoạt động bình thường" - ông Bùi Thành Nhơn cho hay.
Lãi suất cũng là lo ngại lớn với các doanh nghiệp bất động sản hiện nay. Ông Nhơn cho biết lãi suất từ cuối năm 2022 tăng khá nhanh, có khoản vay lãi suất đã tăng gần 30%. Vị lãnh đạo doanh nghiệp lo ngại nếu mức tăng này tiếp tục duy trì thì dự án đang ở mức lãi suất cũ sẽ thành lỗ ở mức lãi suất mới.
Chủ tịch Novaland đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại có biện pháp để giảm mặt bằng lãi suất huy động, qua đó nhanh chóng giảm lãi suất cho vay phục hồi thị trường.
Bên cạnh đó, ông Nhơn cũng nhấn mạnh đến Nghị định sửa đổi Nghị định 65 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vẫn chưa được ban hành. Ông cho rằng đây là giải pháp quan trọng để tháo gỡ khó khăn cho bản thân doanh nghiệp cũng như thị trường trái phiếu nói chung. Do đó, đại diện doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ sớm ban hành.
Ông Bùi Thành Nhơn cũng đề xuất các cơ quan truyền thông của Chính phủ có chiến lược hỗ trợ xây dựng lại niềm tin cho thị trường theo xu hướng ủng hộ những doanh nghiệp "người thật việc thật" đang tạo ra sản phẩm tốt cho xã hội, giúp thị trường phát triển theo hướng bền vững.
Ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vinhomes, cho rằng doanh nghiệp bất động sản đang đối mặt với các khó khăn về pháp lý dự án, tín dụng... Ảnh: Nhật Bắc
Vấn đề pháp lý cũng được ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vinhomes, nêu tại hội nghị và nhấn mạnh đây là vướng mắc "nổi cộm". Bên cạnh đó là các khó khăn về tín dụng, nguồn cung nhà ở khan hiếm.
Ông Phạm Thiếu Hoa nhìn nhận cung cầu đang có sự lệch pha, trái phiếu doanh nghiệp không phát hành được. Trong khi đó, bất động sản là lĩnh vực quan trọng liên quan đến nhiều ngành sản xuất, kinh doanh, có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến cuộc sống của người lao động, đem lại nguồn thu rất lớn cho ngân sách nhà nước.
Đi sâu hơn về nguồn cung nhà ở, ông Hoa cho rằng nhu cầu sở hữu nhà của người dân hiện rất lớn, nhưng cung chưa đáp ứng được. Và theo ông, nhu cầu không ngừng tăng lên. Mặt khác, đối mặt với các khó khăn về pháp lý, vốn, khiến doanh nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu trên thực tế.
"Nếu khó khăn tiếp tục kéo dài mà không có những giải pháp kịp thời thì nhiều doanh nghiệp bất động sản sẽ phải đóng cửa, phá sản, nguồn cung trên thị trường đã thiếu lại còn thiếu hơn"- ông Phạm Thiếu Hoa lo ngại.
Từ những khó khăn đó, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vinhomes đề nghị Chính phủ, các bộ ngành, Ngân hàng Nhà nước cùng chung tay, giúp sức nhằm hồi phục thị trường bất động sản, mang lại lợi ích lâu dài cho người dân, nhà nước, doanh nghiệp.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã đưa ra một số giải pháp về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản.
Về hoàn thiện thể chế: Hoàn thiện và trình Quốc hội xem xét thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi)......
Xây dựng và trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung các Nghị định hướng dẫn thi hành và trình tự, thủ tục về Đầu tư, Đất đai, Quy hoạch đô thị, Xây dựng, Thuế, Chứng khoán.....
Về thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội: Xây dựng và trình Quốc hội xem xét, ban hành "Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội" để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc.
Thực hiện có hiệu quả Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất khoảng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030". Đề xuất Chính phủ bố trí gói tín dụng khoảng 110.000 tỉ đồng theo phương thức tái cấp vốn (giống gói 30.000 tỉ đồng đã thực hiện rất tốt trong giai đoạn 2013 - 2016 trước đây) cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay.
Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Về nguồn vốn tín dụng: Điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tài chính, tiền tệ, khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; Hoàn thiện chính sách để huy động tối đa các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước cho phát triển nhà ở và thị trường.
Điều hành hạn mức tín dụng phù hợp; giãn nợ gốc, lãi vay cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn (doanh nghiệp, dự án bất động sản phục vụ tiêu dùng, sản xuất, công nghiệp, du lịch, nghỉ dưỡng,...); đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Về nguồn vốn trái phiếu: Nghiên cứu sửa đổi quy định pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu.
Kiểm soát hoạt động huy động vốn trên thị trường chứng khoán tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá. Giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp.
Bình luận (0)