Những ngày cuối năm 2020, gặp chúng tôi, Đại sứ Nguyễn Thị Hồi cho biết đây cũng là dịp kỷ niệm 50 năm bà bước chân vào ngành ngoại giao. Kể từ ngày bà bước vào trụ sở Bộ Ngoại giao ở phố Tôn Thất Đàm (quận Ba Đình, Hà Nội) vào tháng 11-1970 đến nay đã tròn 50 năm.
Đại sứ Nguyễn Thị Hồi - Ảnh: Dương Ngọc
"Nữ chiến binh" và cuộc họp báo đặc biệt
Bà Nguyễn Thị Hồi vốn được đào tạo phục vụ cho quân đội, nhưng cơ duyên đã đưa bà đến với ngành ngoại giao với công việc đầu tiên tại phòng Phiên dịch của Bộ Ngoại giao từ năm 1970 đến năm 1976. Trong thời gian này, công việc đã cho bà cơ hội may mắn được dịch cho các vị lãnh đạo, trong đó đặc biệt là các "nữ tướng" Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch... Những người đã truyền cho bà ngọn lửa đam mê, chiến đấu. Ngọn lửa ấy đã theo bà suốt 37 năm trong nghề, luôn nhắc nhở rằng trong tình huống, vị trí nào cũng phải đam mê và chiến đấu, khát khao để bảo vệ lợi ích quốc gia, đấu tranh cho hòa bình. "Trong những bước đường sau này, có những khi tôi vừa làm được một việc, tôi suy nghĩ không biết mình đã học cách giải quyết việc này ở đâu, chính là học ở Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, đó là tinh thần luôn chủ động, chiến đấu, luôn tìm ra những lập luận đúng đắn và có sức thuyết phục để giải quyết vấn đề..."- Đại sứ tâm sự.
Bà kể mình cũng rất may mắn khi vào phòng Phiên dịch được 1 năm, bà là một trong nhóm cán bộ được chọn cử đi đào tạo tại Cuba, học theo chương trình phục vụ quân sự. Giáo viên đều là người Mỹ ở lại Cuba. "Do chương trình 3 năm rút ngắn còn 2 năm, chúng tôi đã học như điên, không có ngày nghỉ, học cả thứ bảy, chủ nhật. Do được học với giáo viên người Mỹ nên khi vào làm việc, chúng tôi nhập cuộc dễ hơn, đáp ứng nhu cầu công việc, ví dụ như dịch cho các phóng viên Mỹ, chúng tôi có thể nghe được và dịch thuận lợi hơn"- bà kể.
Bà Nguyễn Thị Hồi tại Hội nghị ESCAP 1982 tại Thái Lan. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Bà là người đã phiên dịch cho đoàn cán bộ, phóng viên Bắc Âu điều tra tội ác của Mỹ với người dân Việt Nam. Lúc đó, Mỹ tuyên bố chỉ ném bom mục tiêu quân sự song đã ném bom bệnh viện Bạch Mai và Khâm Thiên những ngày cuối năm 1972. Bà đã dẫn đoàn đến trước BV Bạch Mai, ngay tối hôm đó, ông trưởng đoàn đã viết một bức điện tố cáo tội ác của Mỹ với công luận thế giới.
Sau giải phóng Miền Nam mùa xuân năm 1975, người đầu tiên Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp là đại diện Mặt trận Dân tộc giải phóng Palestin, tất cả mọi người đều xúc động và rưng rưng nước mắt khi ông nói: Chúc mừng Việt Nam đã giải phóng, còn sự nghiệp của chúng tôi chưa biết đến bao giờ.
Năm 1976-1978, bà được cử trong đoàn đi học nâng cao ở Úc trong 2 năm, thuộc "lứa" cán bộ đầu tiên của Việt Nam sang học ở một nước tư bản.
Bà về nước ngay trước khi chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra. Ngay trước khi Trung Quốc tấn công biên giới phía Bắc, bà được phân công phiên dịch cho một nữ nghị sĩ hạ nghị viện Mỹ trong chuyến đi lên Lạng Sơn.
Trước đó, khi được Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch nói về việc có khả năng Trung Quốc tấn công biên giới phía Bắc, tình hình rất phức tạp, chiến tranh biên giới sắp bắt đầu, còn lực lượng Khmer Đỏ của Pol Pot quấy nhiễu biên giới Tây Nam… nữ nghị sĩ vẫn không tin. Lãnh đạo ta đã quyết định rất nhanh đưa nữ nghị sĩ lên biên giới. Khi lên đến biên giới Lạng Sơn, nhìn qua ống nhòm có thể thấy phía bên kia dày đặc người cùng súng ống, đạn dược, bà nghị sĩ công nhận sự việc và nói đi về luôn. Sáng sớm hôm sau, cuộc tấn công diễn ra.
5 giờ chiều hôm sau, bà Nguyễn Thị Hồi được phân công dịch cho cuộc họp báo của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch ngay sau khi cuộc chiến tranh biên giới nổ ra. Cuộc họp báo diễn ra tại Câu lạc bộ quốc tế của Bộ Ngoại giao hiện nay. Cả hội trường đầy kín người, tất cả mọi người đều đứng. Một cuộc họp báo lịch sử, cho thấy sự quyết liệt, sự kinh khủng của cuộc chiến tranh biên giới gây ra đối với Việt Nam.
"Với thế hệ chúng tôi, sự chiến đấu, đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, sự dấn thân là chuyện đương nhiên, chúng tôi lao vào làm việc cũng là việc được nhiên. Phụ nữ cũng tự cho mình là một chiến binh, làm được những việc nam giới làm"- nữ Đại sứ chia sẻ.
Tà áo dài ở LHQ và chuyện nữ đại sứ đập bàn
Sau khi giải phóng miền Nam, Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc (LHQ) năm 1977, bà nhận nhiệm vụ mới, chuyển về Vụ các Tổ chức quốc tế.
Cả một cuốn phim quay lại trong đầu bà về quá trình Việt Nam tham gia LHQ.
"Trong cuộc đấu tranh tại LHQ, giai đoạn 1977-1979 chúng tôi vẫn gọi là "tuần trăng mật" của quan hệ giữa Việt Nam và LHQ. Đại hội đồng LHQ khóa 32 (1977) đã thông qua hẳn Nghị quyết 32/2 kêu gọi các nước, các tổ chức quốc tế viện trợ, giúp đỡ Việt Nam tái thiết sau chiến tranh.
Sau đó, rất nhiều nước và các tổ chức quốc tế đồng loạt vào mở văn phòng tại Việt Nam, viện trợ cho Việt Nam trong rất nhiều lĩnh vực. Trong bối cảnh đó, Vụ các Tổ chức quốc tế đã ra đời"- bà Hồi kể.
Tuy nhiên, năm 1979, sau khi Việt Nam bị hiểu sai về vấn đề Campuchia, nhiều nước chỉ trích cho rằng Việt Nam xâm lược Campuchia, tất cả các cánh cửa đóng lại, tất cả các dự án, dù là dự án nhân đạo, cũng cho rằng là hỗ trợ cho xâm lược và bị tắc lại.
Trong tất cả các diễn đàn trực thuộc của LHQ và tại Đại hội đồng, Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn và hầu như không có đồng minh.
Thời đó, mặc dù chính quyền mới của Campuchia đã được thành lập nhưng tại LHQ và các diễn đàn quốc tế, đại diện của chính quyền Campuchia dân chủ của Pol Pot vẫn được giữ ghế. Trên các diễn đàn này, bất cứ khi nào được phát biểu là đoàn người Campuchia dân chủ của Pol Pot dành toàn bộ thời gian để nói xấu Việt Nam.
"Cả thập kỷ 80 của thế kỷ trước, tại tất cả các diễn đàn của cơ quan trực thuộc LHQ… các cán bộ của chúng ta khi tham gia họp đều phải đấu tranh bác bỏ quyền đại diện của Campuchia dân chủ của Pol Pot, đồng thời khẳng định vai trò đại diện của Campuchia cách mạng "- nữ Đại sứ hồi tưởng.
Bà Nguyễn Thị Hồi duyệt đội danh dự trước Phủ Tổng thống Áo. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Năm 1982, tại Hội nghị dân số và Phát triển của châu Á – Thái Bình Dương đầu tiên do ESCAP (Uỷ ban Kinh tế - Xã hội châu Á và Thái Bình Dương của LHQ) tổ chức tại diễn ra tại Sri Lanka, Đại sứ Nguyễn Thị Hồi lúc đó là 1 trong 2 người của Việt Nam tham dự (cùng Vụ trưởng Trần Côn, song ông Côn học ở Nga về và thạo tiếng Nga, nên các vấn đề về chính trị lúc đó bà Hồi "gánh" hết). Theo kế hoạch, đến phần kiểm tra tư cách đại biểu hội nghị, chúng ta phải đứng dậy phát biểu, bác bỏ quyền đại diện của chính quyền Pol Pot và bảo vệ chính quyền Campuchia cách mạng.
Kịch bản của những phiên họp như thế bao giờ cũng là đoàn Campuchia của Pol Pot phản đối Việt Nam, Trung Quốc phát biểu thêm vào và sau đó đến phiên Việt Nam. Trong khi đó, đoàn Trung Quốc có tới 30 người, đoàn Campuchia dân chủ cũng 4-5 người. Phiên họp đó chỉ có một mình bà Hồi tham dự, vì ông Côn phải ngồi tại một phiên khác.
Trước phiên họp đó, bà đã suy nghĩ suốt đêm, phải phát biểu thế nào để Campuchia dân chủ chỉ có thể ngồi im và đoàn Trung Quốc sau đó cũng không có ý kiến gì.
Khi bà đứng lên phát biểu trong tà áo dài màu sáng, vóc dáng nhỏ nhắn và tuổi còn rất trẻ, bà có thể cảm nhận được ánh mắt ái ngại của mọi người, không biết bà sẽ hành xử ra sao.
"Đó là một phiên họp về dân số, nên tôi đã phát biểu rằng: "Các bạn đều biết Campuchia dân chủ đã làm gì cho đất nước Campuchia, không có gì khác ngoài "chiến tích" cơ bản là giết hại gần 2 triệu người của chính dân tộc mình. Chính vì vậy, họ không có bất kỳ tư cách gì để nói về dân số chứ chưa nói đến chính sách dân số. Nếu chế độ diệt chủng đó không được chấm dứt đúng lúc, hỏi còn có người Campuchia nào tồn tại đến bây giờ để nói về dân số. Chính vì vậy những kẻ diệt chủng hoàn toàn không có tư cách để có mặt tại Hội nghị này""- Đại sứ hồi tưởng.
Đang nói đến chữ "không có bất kỳ tư cách gì" bằng giọng nói đanh thép, bà bất giác đập bàn bốp một cái khiến mọi người đều ngỡ ngàng. "Lúc đập bàn, tôi nghĩ đến biết bao nhiêu chiến sĩ của ta đã hy sinh tại Campuchia, việc đập bàn không có trong kịch bản của tôi"- nữ Đại sứ kể.
Sau đó, đến câu chốt quan trọng, bà xuống giọng và nói: "Thưa ông Chủ tịch, các ngài đều biết ai là người đứng đằng sau tất cả những việc đó" và kết thúc phần phát biểu.
"Kịch bản của tôi nếu như "ông bạn" đó đứng dậy, tôi sẽ chỉ cười khẩy và nói "Thưa ông Chủ tịch, tôi không nói ai đứng đằng sau", nhưng kết quả là sau khi tôi hết thúc, họ cũng không nói gì"- Đại sứ chia sẻ.
Sau khi kết thúc hội nghị, bà Bộ trưởng, trưởng đoàn Malaysia đã đến sát bên cạnh bà và nói nhỏ: "Cô rất dũng cảm, chúc mừng". Sở dĩ bà Bộ trưởng chỉ nói một cách kín đáo mà không công khai là do lúc đó, Malaysia và các nước ASEAN vẫn luôn lên án và cô lập Việt Nam, phản đối và bỏ phiếu chống Việt Nam tại các diễn đàn.
Nhớ về kỷ niệm này, nữ Đại sứ nói giản dị: "Không chỉ mình tôi, tất cả các chiến sĩ ngoại giao của ta trong giai đoạn đó đều phải chiến đấu như thế. Câu chuyện của tôi vô tình được mọi người biết đến. Về phần mình, tôi cũng thấy vui vì một mình đã chiến thắng mấy chục người, khiến họ chịu thua không dám nói gì".
Đại sứ cũng kể: Làm ở LHQ, chúng tôi nhận thấy rằng cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam và cuộc chiến của chúng ta đã thành công, đóng góp không nhỏ cho Tuyên bố Phi thực dân hóa của Liên Hiệp Quốc năm 1960. Chiến dịch Điện Biên Phủ của Việt Nam đã đi vào lịch sử, có những đóng góp nhất định cho Tuyên bố Phi thực dân hóa, được Đại hội đồng LHQ thông qua năm 1960 tại Nghị quyết 1514. Sau đó, đã có rất nhiều nước độc lập ra đời ở Châu Phi. Hiện nay sang nhiều nước châu Phi, các bạn có thể cảm nhận được rất nhiều tình cảm của nhân dân châu Phi với Việt Nam – Võ Nguyên Giáp – Hồ Chí Minh.
Bí mật của nữ đại sứ: Chân dung tổng thống và 6 bông hồng
Sau này, với 2 nhiệm kỳ đại sứ tại Áo và Canada, bà Nguyễn Thị Hồi đã để lại nhiều dấu ấn, góp phần tạo nên những thành công trong quan hệ ngoại giao của Việt Nam với bạn bè thế giới.
Bà được biết đến là người phụ nữ đã thiết lập những chuyến thăm chính thức cấp cao, mang tính lịch sử của nguyên thủ hai nước Việt Nam - Áo và Việt Nam - Canada; vận động thành công sự ủng hộ của quốc tế trong tiến trình Việt Nam gia nhập WTO; được Ủy ban UNESCO thế giới bầu chọn là một trong 60 người phụ nữ quốc tế điển hình có đóng góp cho 60 năm của UNESCO…
Đại sứ Nguyễn Thị Hồi đến chào Tổng thống Áo Thomas Klestil khi kết thúc nhiệm kỳ năm 1995. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Nhắc đến nhiệm kỳ làm đại sứ tại Áo (1992 - 1995), bà kể lại một kỷ niệm đặc biệt. Đó là sự kiện Tổng thống Áo kỷ niệm tròn 60 tuổi. Lúc đó Đại sứ Nguyễn Thị Hồi mới sang công tác, mà kinh phí dành cho quà tặng ngoại giao rất eo hẹp. Bà Hồi đã gửi bức ảnh chân dung của Tổng thống Áo về Việt Nam nhờ bà con của mình ở quê nhà dệt tấm ảnh đó trên nền thảm len Hải Phòng. Bức tranh thảm đó đã được gửi đến văn phòng Tổng thống đúng ngày sinh nhật ông cùng 6 bông hồng. Bà kể số tiền dành cho quà tặng chỉ đủ để mua 6 bông hồng, vì hoa hồng lúc đó rất đắt.
Chỉ vài tiếng sau, bà Hồi đã nhận được một bức thư tay từ văn phòng Tổng thống do đích thân Tổng thống viết với lời khen "Tại sao lại có thể tinh tế đến như vậy!".
Cuối năm đó, trong buổi gặp mặt tất cả các Đại sứ trên đất nước Áo, Tổng thống Áo đã đi bắt tay tất cả mọi người, khi đến lượt bà và nghe giới thiệu là Đại sứ Việt Nam, Tổng thống Áo đã rất vui mừng, ôm hôn và nói với bà rằng: "Tôi nhận ra bà rồi, cảm ơn bà nhiều lắm!". Điều ấy khiến Đại sứ các nước đứng bên cạnh phải ngạc nhiên và hỏi rằng: "Mới sang mà làm sao bà lại thân với ông Tổng thống như thế?". Chính sự tinh tế, khéo léo và sự tự tôn về văn hóa dân tộc của mình đã giúp bà hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là cầu nối giúp Việt Nam ký kết nhiều hiệp định quan trọng với Áo, tạo nền tảng cho một mối quan hệ song phương tốt đẹp.
Bình luận (0)