Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về sự đóng góp của Việt Nam cho những hoạt động của Liên Hiệp Quốc (LHQ) và của thế giới trong khoảng 10 năm trở lại đây, đặc biệt trong năm 2020?
- Ông Kamal Malhotra, điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam: Trước tiên, tôi xin chúc mừng Việt Nam khi vừa qua, Đại hội đồng LHQ đồng thuận thông qua nghị quyết thành lập ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh vào 27-12 hằng năm, ngày sinh của nhà bác học Louis Pasteur.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi thông điệp đến phiên thảo luận chung cấp cao khóa 75 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 24-9-2020 Ảnh: Liên Hiệp Quốc
Nỗ lực để thông qua thành công nghị quyết này do Việt Nam chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy với sự tham gia đồng bảo trợ của một số quốc gia thành viên LHQ khác đã cho thấy vị thế ngày càng tăng của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế về nhóm vấn đề quan trọng này, đặc biệt là sau khi Việt Nam thực hiện nhanh chóng và hiệu quả việc khống chế thành công đại dịch Covid-19.
Ông Kamal Malhotra, điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam
Tuy nhiên, vai trò của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế không chỉ giới hạn ở lĩnh vực này. Việc Việt Nam đăng cai tổ chức hội nghị quốc tế với chủ đề "Tăng cường vai trò của phụ nữ trong xây dựng và củng cố hòa bình: Từ cam kết đến kết quả" từ ngày 7 đến 9-12-2020 với sự tham dự trực tiếp và trực tuyến của gần 400 đại biểu đến từ 90 quốc gia, các cơ quan LHQ, tổ chức quốc tế; đề xuất Cam kết Hành động Hà Nội là một ví dụ điển hình khác. Đặc biệt là khi Việt Nam ngày càng đóng góp nhiều hơn vào việc gìn giữ hòa bình toàn cầu, bao gồm cả việc đã đạt được mục tiêu toàn cầu về tỉ lệ nữ tham gia gìn giữ hòa bình trong lực lượng của LHQ...
Tất cả thể hiện sự hiện diện mạnh mẽ của các bạn trên trường quốc tế.
43 năm kể từ ngày lá Quốc kỳ Việt Nam được kéo lên tại trụ sở LHQ, Việt Nam đã luôn là thành viên tích cực, chủ động. Từ một nước tham dự, Việt Nam đã tham gia giải quyết công việc trong nhiều diễn đàn quan trọng như Hội đồng Bảo an, Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Kinh tế - Xã hội..., đưa ra ý tưởng và giải pháp để giải quyết các công việc chung. Ông đánh giá thế nào về quá trình này?
- Một thông điệp chính mà tôi muốn chia sẻ với các bạn là mặc dù quan hệ đối tác giữa LHQ và Chính phủ Việt Nam là mối quan hệ đặc biệt và khăng khít trong hơn 4 thập kỷ kể từ khi Việt Nam gia nhập LHQ vào tháng 9-1977, mối quan hệ này đã ngày càng phát triển mạnh mẽ theo thời gian và giờ đây không chỉ tập trung vào những gì LHQ có thể làm để hỗ trợ Chính phủ và nhân dân Việt Nam mà còn mở rộng với những đóng góp của Việt Nam trên phạm vi khu vực và toàn cầu. Mối quan hệ này đã và vẫn là ưu tiên quan trọng đối với tôi với tư cách là điều phối viên thường trú của LHQ.
Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng cho chủ nghĩa đa phương trên toàn cầu, trong đó có việc giúp bảo vệ hòa bình và thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia. Lực lượng quân đội Việt Nam đang tham gia các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của LHQ.
Năm 2020, với vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, đặc biệt là việc thông qua Kế hoạch hành động ASEAN - LHQ giai đoạn 2021-2025 tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 ở Hà Nội vào tháng 11-2020. Việt Nam ngày càng tham gia nhiều hơn vào các nỗ lực hợp tác Nam - Nam (hình thức hợp tác thúc đẩy phát triển hiệu quả thông qua học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn và công nghệ giữa các nước đang phát triển - PV), chia sẻ thành công việc xóa đói giảm nghèo và những kinh nghiệm khác với các quốc gia khác để giúp cải thiện cuộc sống người dân.
Trong nước, bằng cách tăng đáng kể GDP bình quân đầu người kể từ năm 1990, giảm đáng kể tình trạng nghèo cùng cực, đói, bệnh tật và mù chữ kể từ khi Đổi mới năm 1986 và nâng cao sự tôn trọng các quyền và tự do của công dân, Chính phủ Việt Nam đã nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi người Việt trong 3 thập kỷ qua.
Tương lai mối quan hệ giữa Việt Nam và LHQ cũng như những gì Việt Nam có thể tham gia, đóng góp trong thời gian tới, theo ông là gì?
- Với tư cách là điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam, tôi đã phát triển và thúc đẩy mối quan hệ đối tác quan trọng giữa LHQ và Việt Nam trong gần 4 năm qua không chỉ trong nước mà còn trên phạm vi khu vực và toàn cầu.
Điều tôi có thể nói một cách tự tin và vô cùng vui mừng là mối quan hệ đối tác giữa LHQ và Việt Nam vẫn bền chặt như ngày nào và sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong những năm tới. Chúng ta đang sống trong thời kỳ vô cùng thử thách. Chúng ta hãy nhắc nhở bản thân rằng những quyết định mà chúng ta đưa ra hôm nay sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tương lai mà chúng ta mong muốn. Về mặt này, quan hệ đối tác giữa LHQ và Việt Nam vẫn quan trọng hơn bao giờ hết nhằm giải quyết những thách thức không chỉ Việt Nam mà tất cả quốc gia trên toàn cầu và trong khu vực phải đối mặt. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm và nghĩa vụ phải đưa ra những quyết định đúng đắn cho các thế hệ kế tiếp.
Cùng nhau, chúng ta hãy giữ vững những giá trị lâu bền của Hiến chương LHQ.
Trân trọng cảm ơn ông!
Tổng Thư ký LHQAntonio Guterres
Sự hiện diện mạnh mẽ của Việt Nam
Gửi lời chúc mừng nồng nhiệt nhất tới Chính phủ và người dân Việt Nam nhân kỷ niệm 75 năm ngày Quốc khánh 2-9-2020, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh rằng "Việt Nam đã luôn là đối tác mạnh mẽ của LHQ kể từ khi gia nhập tổ chức vào năm 1977. Lực lượng quân đội Việt Nam đang tham gia các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của LHQ và vai trò đầu tàu của các bạn trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ là nền tảng vững chắc giúp các bạn triển khai Chương trình Phát triển bền vững 2030.
Với tư cách là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, Việt Nam đã và đang có những đóng góp quan trọng trong việc ủng hộ hòa bình bền vững, thể hiện sự hiện diện mạnh mẽ của các bạn trên trường quốc tế" ...
Bình luận (0)