Đêm ngày 7-2 (mùng 2 đến rạng sáng mùng 3 Tết Nguyên đán), hàng chục ngàn người dân tìm đến thôn Bích La Đông, xã Triệu Đông (huyện Triệu Phong, Quảng Trị) để tham dự Lễ hội chợ đình Bích La. Đây là phiên chợ quê độc đáo, mang đậm màu sắc tâm linh và được duy trì hàng trăm năm nay với lượng khách khổng lồ.
Phiên chợ không chèo kéo, không trả giá
Chợ đình Bích La từ lâu là địa chỉ tâm linh để người dân thập phương tìm về trong đêm mùng 2, rạng sáng mùng 3 Tết Nguyên đán. Chợ họp đông dần từ nửa đêm về sáng với hàng ngàn người dân địa phương bày bán các sản vật "cây nhà, lá vườn" như chè xanh, trầu cau, các loại rau, củ, quả; các loại đồ chơi dân gian như tò he, gà đất, lợn đất…
Người dân bày bán lộc đầu năm tại chợ đình Bích La
Du khách khi đến tham dự Lễ hội chợ đình Bích La, sẽ tiến hành dâng hương ở các ngôi miếu, đền thờ cổ kính tọa lạc trong khuôn viên đình làng để cầu may, cầu tài. Sau đó, ghé mua vài mặt hàng do người dân bày bán dọc theo lối vào đình như là chút lộc đầu năm. Bởi đây là phiên chợ đầu Xuân nên cả người bán, người mua ai nấy đều thân thiện, cởi mở. Phiên chợ diễn ra mà không hề có cảnh chèo kéo hay nói thách, trả giá.
Hàng ngàn người tìm đến chợ đình Bích La để cầu may, xin lộc đầu năm
Điểm nhấn trong khuôn khổ Lễ hội chợ đình Bích La là lễ cầu thần Kim Quy, diễn ra vào rạng sáng mùng 3 Tết. Tương truyền rằng, ở hồ nước trước đình làng Bích La có một con rùa vàng cư ngụ. Hằng năm, cứ vào sáng mùng 3 Tết con rùa này thường nổi lên trên mặt hồ. Dân làng tin rằng, năm nào rùa vàng xuất hiện là điềm báo tốt lành cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Rồi một năm nọ, dân làng không còn nhìn thấy rùa vàng nổi lên nữa. Để ngăn "điềm xấu" này, dân làng chế tác một con rùa giả màu vàng và đặt chìm dưới lòng hồ. Đến thời gian ấn định, người dân sẽ tập trung bên hồ nước, đánh trống khua chiêng thật lớn để rùa vàng nổi lên cầu mong năm mới an lành, mùa màng bội thu, gia đình thuận hòa.
Đề xuất công nhận di tích văn hóa quốc gia
Ông Lê Bá Dũng, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội chợ đình Bích La, cho biết năm nay ước tính có trên 20.000 người dân đến du Xuân, cầu may và xin lộc đầu năm. Theo ông Dũng lượng khách theo từng năm có chiều hướng tăng. Đến nay, không chỉ có người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị mà có rất nhiều du khách ở các tỉnh, thành khác cũng tìm đến, hòa vào Lễ hội chợ đình Bích La.
Dọc đường vào đình Bích La, hàng ngàn người dân bày bán sản vật "cây nhà, lá vườn"
Đây là tín hiệu chứng tỏ lễ hội này không còn bó hẹp trong quy mô làng, xã mà đã mang dáng dấp của lễ hội quốc gia. Tuy nhiên, nhiều du khách lẫn người dân địa phương khá thất vọng khi Lễ hội chợ đình Bích La ngày một hiện đại, nét xưa dần mờ phai. Rồi tình trạng vạ vật ăn xin xuất hiện vài năm trở lại đây khiến nhiều người khi tham dự lễ hội rất phiền lòng.
Một thông tin đáng quan ngại là hiện trên địa bàn Bích La Đông chỉ còn một hộ dân lưu giữ nghề truyền thống làm tò he, gà, lợn đất. Theo ông Dũng, tuy đây là nghề thời vụ, nhưng trước đây ở địa phương có đến vài chục người làm nghề này. Chính sự tính toán lợi nhuận, tâm huyết nhạt phai và nguồn nguyên liệu (chủ yếu là đất sét) làm các đồ chơi dân gian trên ngày một cạn kiệt đã đánh bật nghề truyền thống này. "Nay cũng có các gian hàng bày bán đồ chơi dân gian nhưng không phải do người dân địa phương làm mà từ nơi khác chuyển đến"- ông Dũng thừa nhận.
Du khách mua lộc đứng kẹt cứng trong Lễ hội chợ đình Bích La
Để quay về "bản ngã" lễ hội và phiên chợ truyền thống ngày xưa, ông Dũng cho hay dân làng đang nỗ lực từng ngày. Theo ông, năm nay thời gian diễn ra phần lễ cầu thần Kim Quy đã được tổ chức lại như xưa, tức là vào lúc rạng sáng mùng 3 Tết. Những năm trước, phần lễ này được tổ chức lúc nửa đêm, lúc du khách tập trung đông nhất để "tăng thêm phần thiêng liêng". "Việc đưa phần lễ cầu thần Kim Quy trở về thời gian như xưa đã níu chân du khách ở lại vui Xuân. Vào những năm trước, đến rạng sáng mùng 3 là khách về hết rồi, nhưng năm nay đến sáng rồi mà du khách vẫn còn tấp nập, đông vui"- ông Dũng vui nói.
Mỗi nhánh chè xanh, phát tài được người dân bán với giá 10.000 đồng
Bên cạnh đó, để giữ nghề truyền thống, làng Bích La Đông đang lên kế hoạch lập một tổ đội gồm những người có tay nghề, có tâm huyết để truyền lại nghề cho lớp trẻ. "Trước mắt, làng sẽ hỗ trợ một phần kinh phí cho những người làm nghề truyền thống để họ có động lực giữ nghề. Sau đó là lập tổ đội để truyền dạy nghề truyền thống cho con cháu, việc này có khả năng thành công"- ông Dũng tin tưởng.
Cảnh ăn xin tại Lễ hội chợ đình Bích La
Trong khi đó, ông Lê Bá Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Đông, cho hay Lễ hội chợ đình Bích La đã được tỉnh Quảng Trị công nhận là di tích văn hóa phi vật thể cấp tỉnh. Hiện tỉnh này đã lập hồ sơ đề xuất công nhận di tích văn hóa quốc gia. "Khi được công nhận là di tích văn hóa cấp quốc gia, di tích này chắc chắn sẽ được tôn tạo, mở rộng và tổ chức quy mô, bài bản hơn"- ông Dũng khẳng định.
Bình luận (0)