Thực ra những đợt vận động như thế này không mới, song hiệu quả chẳng được mấy. Lượng người đi xe buýt giảm hằng năm, nhiều tuyến vắng khách, thua lỗ phải dẹp bỏ. Theo báo cáo của chính Sở GTVT TP HCM, từ năm 2016-2018, lượng hành khách giảm 6,5%/năm. Những năm tiếp theo, dịch Covid-19 bùng phát thì tình hình càng bi đát hơn. Kế hoạch vực dậy vận tải công cộng nòng cốt có vẻ bí lối ra trong nhiều năm.
Nói đến hệ thống xe buýt - phương tiện vận tải hành khách công cộng chính yếu của một thành phố lớn nhất nước - thì ai cũng ngao ngán. Mục tiêu đến năm 2020 phục vụ 20% nhu cầu đi lại của người dân đã thất bại. Trong đợt khảo sát của HĐND vào năm 2020, khi chưa có dịch bệnh, cũng chỉ đạt 9,2%. Nay Sở GTVT cho "dời" chỉ tiêu đến năm 2025 là 15% thì quả là rất lạc quan, trong bối cảnh hành khách ngày càng giảm (!).
Rất nhiều biện pháp được đưa ra để cứu hệ thống xe buýt nhưng hiệu quả thực tế vẫn rất hạn chế. Nặng nề nhất chính là chính sách trợ giá xe buýt cả ngàn tỉ đồng mỗi năm nhưng đến nay chưa cải thiện được chất lượng cũng như giờ giấc phục vụ, điểm tuyến theo nhu cầu. Hiện nay, thành phố có 126 tuyến xe buýt nhưng phải trợ giá đến 90 tuyến. Năm 2020, mức trợ giá lên đến hơn 1.300 tỉ đồng, năm 2021 lên đến 1.400 tỉ đồng và mức trợ giá này vẫn chưa dừng lại và không biết kéo dài đến bao giờ. "Bao tiêu" đến như thế nhưng trong thời gian qua có đến 10 tuyến phải đóng cửa vì ế ẩm. Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng trợ giá cần phải có hạn định và đặt mục tiêu cụ thể. Cứ rót "bầu sữa" ngày càng nhiều như thế này thì hệ thống xe buýt không "lớn" nổi và không muốn thoát trợ giá.
TP HCM cũng vừa phê duyệt đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn với tổng kinh phí dự kiến hơn 391.600 tỉ đồng. Kế hoạch khổng lồ là vậy nhưng chỉ dám đặt mục tiêu đến năm 2030 hệ thống giao thông công cộng phục vụ được 25% nhu cầu của người dân.
Đã đến lúc xem vận tải hành khách là ngành kinh doanh. Nhà đầu tư đưa ra sản phẩm tốt, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng thì họ sẽ lựa chọn. Vận động hay kêu gọi người dân đi xe buýt chỉ là biện pháp nặng tính hình thức nếu chất lượng không được cải thiện. Nhu cầu đi lại của người dân rất thực và họ sẵn sàng trả tiền để được phục vụ.
Phát triển hệ thống giao thông công cộng không chỉ cứ chăm chăm vào xe buýt. Phải phát triển cùng lúc nhiều hình thức vận tải thì mới phục vụ được cho nhu cầu đi lại của thành phố với hơn 10 triệu dân và tiếp tục tăng theo từng năm. Muốn được thế thì không thể cứ "đau đâu, chữa đó", mà cần một cuộc đại phẫu cho ngành giao thông công cộng, mà trước hết là xe buýt.
Bình luận (0)